- Nói về những 'lỗ hổng' trong quá trình cấp phép mỏ khoáng sản, ông Nguyễn Đình Chi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho rằng: “Cơ chế hở thì xảy ra tiêu cực. Nhiều cửa, thủ tục lằng nhằng cũng dễ phát sinh tiêu cực”.

Buông lỏng cấp phép, chỉ rút kinh nghiệm?


- Nghệ An là vùng có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng và khá dồi dào. Vậy, tỉnh đã tiến hành quản lý như thế nào để không lãng phí nguồn tài nguyên?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Đình Chi.

Vấn đề này tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều công văn trên cơ sở các văn bản của Trung ương gồm: Nhiều công văn, chỉ thị, quyết định,… Đặc thù ở Nghệ An là một tỉnh có diện tích lớn, địa hình đồi núi dốc phức tạp. Do vậy nên dễ xảy ra những vụ tai nạn lao động.

- Như ông nói, tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản, chị thị, công văn. Vậy kết quả đạt được như thế nào?

Về mặt khoáng sản thì Nghệ An đã ban hành các văn bản tương đối chặt chẽ. Kết quả của nó về mặt cấp phép theo đúng quy định. Vấn đề là khai thác khoáng sản trái phép thì Nghệ An vẫn còn nhiều tồn tại. Hễ khi nào giá cả các loại tài nguyên tăng lên là người dân đổ xô đi khai thác.

- Thưa ông, trong nội dung cấp phép khai thác mỏ, vấn đề mặt trái nổi cộm lên là gì?

Cấp phép thì cơ bản theo quy trình. Sau kết luận của Thanh tra Chính phủ thì chúng tôi đã rút kinh nghiệm để soạn ra các công điện, văn bản, để thực hiện kết luận của đoàn thanh tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhằm hạn chế tiêu cực trong cấp phép, khai thác, chế biến khoáng sản.

Nhức nhối khai thác khoáng sản tại Nghệ An.

- Trong năm 2009 – 2010, đoàn Thanh tra Chính phủ có tiến hành kiểm tra và phát hiện có hàng chục giấy phép tỉnh Nghệ An cấp không đúng quy trình. Sau đó thì tỉnh đã rút ra được những kinh nghiệm gì?

Sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ thì chúng tôi không bình luận. Nhưng trong 54 mỏ mà đoàn thanh tra kết luận chưa được (kết luận là cấp phép mỏ sai quy trình - PV), chúng tôi đã thực hiện đình chỉ hoạt động 54 mỏ này. Kết luận của thanh tra chưa chính xác và không thỏa đáng.

- Vậy tỉnh đã rút ra những kinh nghiệm gì?

Trước hết là mình phải chọn nhà đầu tư có năng lực, tuy nhiên, quy trình chọn nhà đầu tư cũng rất phức tạp; xây dựng các quy trình cấp phép đơn giản hơn và tăng cường công tác kiểm tra của các sở ngành liên quan.

- Có ý kiến cho rằng, việc cấp giấy phép khai thác TNTN phải đi qua rất nhiều cửa, mất nhiều thời và nhiều giấy tờ. Đây có phải là 'lỗ hổng' để các cơ quan chức năng 'bắt tay' với doanh nghiệp. Ý kiến của ông thế nào?

Như anh biết cấp phép thì qua quá nhiều quy trình như khảo sát, xin giấy phép. Để làm tốt vấn đề này thì bản thân Trung ương phải vào cuộc làm rõ khi ban hành vùng quy hoạch các loại khoáng sản, vùng cấm hoạt động khoáng sản.

Tiêu cực là do cơ chế?

- Vừa rồi, VietNamNet có phản ánh loạt bài về tình trạng chạy giấy phép khai thác mỏ. Đây là một điều có thật. Vậy phía tỉnh đã tiếp thu ý kiến phản ánh của báo như thế nào và đã có chỉ đạo gì để thắt chặt công tác quản lý, cấp phép mỏ khai thác khoáng sản chưa, thưa ông?

Tại vì những quy định của Trung ương về vấn đề khai thác khoáng sản chưa chặt chẽ. Nên sinh ra nhiều vấn đề có thể tiêu cực xảy ra. Còn mức độ như thế nào thì mình không nắm được con số cụ thể, là ai, là người nào? Để giải quyết vấn đề tiêu cực này thì tỉnh Nghệ An đã triển khai hàng loạt vấn đề để giảm các thủ tục, bớt các đầu mối xin giấy phép.

- Có nghĩa là ông khẳng định vấn đề tiêu cực trong việc chạy giấy phép khai thác mỏ là có. Và lỗ hổng của nó là do thủ tục cấp phép quá lòng vòng và đi qua nhiều cung đoạn?

Tiêu cực thì tôi không dám khẳng định, nhưng cơ chế mà hở thì xảy ra tiêu cực, mà nhiều cửa thì phát sinh tiêu cực.

Nếu mà làm một cửa liên thông thì đỡ hơn tiêu cực. Vì nhiều cửa thì anh quyền này, anh quyền kia nên dễ xảy ra tiêu cực. Sắp tới có đấu thầu thì sẽ giảm bớt tiêu cực. Nhưng đấu thầu cũng không đơn giản vì có thể xảy ra tình trạng thông thầu, lúc đó lại phát sinh tiêu cực.

Khai thác đá trắng tại miền Tây Nghệ An.

- Nhiều doanh nghiệp đi xin giấy phép khai thác mỏ cho rằng, trong các ‘cửa ải’ thì UBND tỉnh và Sở TN-MT là 'khó' nhất. Vậy ý kiến của ông như thế nào?

Họ nói như vậy là không chuẩn xác! Vấn đề là doanh nghiệp nào nói, có ai?

- Như ông nói ban đầu, chính vì nhiều cửa nên xảy ra tiêu cực. Vậy theo ông tiêu cực xảy ra ở đoạn nào trong quy trình cấp phép khai thác mỏ?

Tức là xảy ra ở nhiều đoạn. Do bản thân người đi làm muốn mau. Ví dụ: Để xin được cái giấy 5 ngày mới được thì anh chỉ muốn xin trong 1 ngày. Rõ ràng là anh 'sinh chuyện' với người ta, các anh còn hối lộ người ta để được làm nhanh (người ta là các cơ quan chức năng - PV). Việc này giai đoạn nào cũng có thể có nếu người xử lý không tốt và người xin vấn đề đó không tốt. Đây là anh tạo ra lì xì cho tôi.

- Trên thế giới, một số nước như Indonexia, một số tỉnh giàu tài nguyên lại là những tỉnh nghèo nhất. Thế nhưng, những nước như Na Uy thì họ lại làm giàu từ nguồn tài nguyên của mình. Việt Nam cũng vậy, một số địa phương như Cao Bằng, Bắc Cạn, dù giàu tài nguyên nhưng đời sống địa phương chỉ ở mức yếu kém. Vậy Nghệ An có chiến lược gì để phát triển bền vững, nhất là trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản?

Vấn đề này là do quan điểm của người sử dụng, nếu anh sử dụng không tốt thì huỷ hoại môi trường. Trước hết là anh chọn nhà đầu tư không tốt, đánh giá không đúng thì nguồn thu thuế không chuẩn. Sắp tới thì phần cấp phép chủ yếu là Trung ương, còn giao cho địa phương thì nhỏ lẻ.

Tôi cho rằng, nếu Nghệ An biết phát huy tốt thì nguồn tài nguyên vật liệu phải xây dựng khu tập trung, tạo ra các Nhà máy xi măng thì tạo ra nguồn nhân công lao lao động có việc làm và đóng thuế cho Nhà nước.

Như Nghệ An, có mỏ lớn là thiếc và Cao Bằng, Bắc Cạn thì cũng phải xin phép Chính phủ. Còn ở Nghệ An chỉ có đá xây dựng là tỉnh cấp hoàn toàn. Để làm tốt hơn thì phải có quy hoạch, nhưng ở ta có cái là hay điều chỉnh quy hoạch. Đó là khuyết điểm phát sinh tiêu cực.

- Xin cám ơn ông!

Quốc Huy - Hoàng Sang (thực hiện)