Hiện nay, số lượng người Việt sinh sống ổn định, làm việc tại Lào khá lớn. Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã giúp đại bộ phận kiều bào ta có địa vị pháp lý và cuộc sống ổn định, hội nhập sâu hơn vào xã hội sở tại.
Cùng với đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xây dựng đất nước Lào, cộng đồng người Việt ở đây luôn tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động hướng về cội nguồn, gìn giữ bản sắc văn hóa và tiếng Việt.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, việc dạy tiếng Việt ở nước ngoài không chỉ là hoạt động giáo dục, mà còn là một sứ mệnh văn hóa. Nhiều năm qua, có một ngôi chùa Việt giữa lòng Thủ đô Viêng Chăn vẫn âm thầm, bền bỉ gìn giữ những giá trị văn hóa dân tộc.

Chùa Phật Tích ở Viêng Chăn không chỉ là nơi gửi gắm niềm tin tâm linh của cộng đồng người Việt tại Lào, mà còn là nơi lan tỏa tiếng Việt, góp phần giữ gìn ngôn ngữ mẹ đẻ cho các thế hệ kiều bào sinh ra và lớn lên trên đất bạn.
Năm 2016, lớp học tiếng Việt đầu tiên được khai giảng trong chùa do chị Thu Huyền – một doanh nhân tâm huyết với văn hóa quê hương mở ra. Chị cho biết, lớp học cũng xuất phát từ mong muốn của bản thân không muốn con mình bị quên tiếng mẹ đẻ.
Ban đầu lớp học chỉ có vài học sinh, chị Huyền cùng một vài phụ huynh trực tiếp đứng lớp giảng dạy. Qua thời gian, lớp phát triển, trở thành nơi gặp gỡ của nhiều gia đình người Việt để giao lưu và sử dụng tiếng Việt. Sau này, nhằm nâng cao chất lượng, chị Huyền đăng ký tham gia các lớp tập huấn giảng dạy tiếng Việt của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao).
Từ những kinh nghiệm tích lũy và kiến thức của các chương trình tập huấn, chị truyền đạt lại cho các giáo viên và cùng chung tay xây dựng giáo trình giảng dạy ngày một chuyên nghiệp, bài bản.
Hiện, lớp học tiếng Việt tại chùa Phật Tích được tổ chức đều đặn 6 buổi mỗi tuần, chia thành hai cấp độ, cơ bản và nâng cao, phù hợp với trình độ và nhu cầu của từng học viên.
Lớp cơ bản tập trung rèn luyện các kỹ năng nền tảng nghe, nói, đọc, viết, giúp học viên làm quen và sử dụng thành thạo tiếng Việt trong giao tiếp hằng ngày.
Lớp nâng cao dành cho những học viên đã có nền tảng nhất định, tiếp tục nâng cao khả năng sử dụng tiếng Việt, đồng thời mở rộng kiến thức về văn hóa, lịch sử, địa lý Việt Nam, góp phần bồi đắp tình yêu quê hương trong mỗi bài học.
Những lớp học này không đơn thuần chỉ dạy chữ, mà còn để trao truyền bản sắc, giữ gìn ngôn ngữ mẹ đẻ cho thế hệ thứ ba, thứ tư của người Việt sinh ra trên đất Lào và truyền bá về lịch sử, văn hóa Việt Nam.
Không chỉ truyền đạt kiến thức, các giáo viên của lớp còn là người truyền cảm hứng yêu tiếng Việt cho học trò. Qua từng bài giảng, từng câu hát, từng giờ học, tiếng Việt âm thầm lan tỏa và bén rễ giữa lòng Thủ đô Viêng Chăn.
Ngoài lý thuyết, ngữ pháp, các cô lồng ghép các câu chuyện về phong tục tập quán, văn hóa ứng xử và bài hát Việt vào bài giảng. Với các em học sinh, mỗi lần cất giọng hát là một lần được kết nối sâu sắc hơn với quê hương, thêm một lần được dùng tiếng Việt.