Nữ nhà văn Việt kiều Tina Yuan tên thật là Nguyễn Thị Thương, hiện đang sống và làm việc tại Singapore. Với niềm đam mê chinh phục cùng khả năng nói thành thạo 4 ngoại ngữ, Tina Yuan từng đặt chân đến hơn 100 quốc gia. Cô tốt nghiệp hai văn bằng thạc sỹ ngành Luật truyền thông và ngành Kinh doanh toàn cầu của Đại học Coventry University (Anh).

Cô đã xuất bản 2 cuốn sách: “Lỡ hẹn Paris” và “Có hẹn với Bulgaria". Toàn bộ số tiền doanh thu từ cuốn sách đầu tay “Lỡ hẹn Paris” được tác giả dành cho hoạt động thiện nguyện.

W-03671b1f fa17 4bf7 9831 0c5a855becd5.jpg
Nữ nhà văn Tina Yuan.

Trong chuyến về Việt Nam lần này, cô chọn Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 để ra mắt 2 cuốn sách mới:  “Những dặm đường Tổ quốc” và “Dưới trời xanh Hy Lạp”. Tina Yuan khẳng định, Việt Nam là quê hương và mảnh đất xứ sở Địa Trung Hải xa xôi - nơi cô có nhiều kỷ niệm là gia đình thứ hai của cô.

Những cuốn sách cô từng xuất bản không chỉ là trải nghiệm, cảm nhận và câu chuyện của bản thân mà còn là cách để lan tỏa năng lượng sống tích cực và tình yêu tiếng Việt. 

“Mỗi cuốn sách tôi viết ra đều bắt đầu từ nhu cầu rất cá nhân: ghi lại hành trình, chữa lành, chia sẻ, kết nối và hy vọng có thể truyền một chút ngọn lửa tích cực đến với mọi người. Khi nó chạm tới người đọc, mang lại cảm hứng hay niềm an ủi nào đó thì tôi thấy mình được ghi nhận. Với tôi, tiếng Việt là “hơi thở”, là nơi mình được là chính mình, được mềm yếu, được sâu sắc và cũng được mạnh mẽ. Viết bằng tiếng Việt là cách tôi giữ mình kết nối với quê hương, dù sống ở đâu”, nữ nhà văn chia sẻ. 

Với hành trình qua hơn 100 quốc gia từ châu Á đến châu Âu, Tina Yuan đều cố gắng tìm cộng đồng người Việt. Ở đâu cũng có những người đang nỗ lực giữ gìn văn hóa dân tộc qua các hội nhóm, lớp học tiếng Việt cho con em, các buổi giao lưu Tết Trung thu, Tết Nguyên đán… 

Tuy nhiên, Tina Yuan cho rằng, để bảo tồn tiếng Việt thực sự thì vẫn còn nhiều thách thức, nhất là với thế hệ thứ hai, thứ ba lớn lên trong môi trường song ngữ, đa văn hóa. 

Cô kể: “Càng đi nhiều, tôi càng thấm thía một điều: Nếu chính mỗi gia đình không chủ động giữ gìn tiếng Việt trong nếp sống hàng ngày thì chúng ta rất dễ đánh mất bản sắc lúc nào không hay. Hiện tại có rất nhiều tập thể và cá nhân cùng chung ý tưởng mở ra những lớp tiếng Việt cho con em kiều bào và nhiều sinh viên trẻ muốn tìm hiểu về văn hoá của Việt Nam bằng ngôn ngữ. Tôi có khá nhiều bạn dạy tiếng Việt tại các trường đại học ở nước ngoài”. 

Về cuộc sống riêng, Tina Yuan đã có bến đỗ bên người đàn ông Bulgaria và lên kế hoạch sinh em bé. Nữ nhà văn cho biết, cô đã nghĩ nhiều đến việc nuôi dạy một đứa trẻ song ngữ để con hội nhập thế giới nhưng luôn yêu quê hương và ngôn ngữ Việt Nam.

“Tôi đang sống một cuộc đời rất bình dị, nhẹ nhàng và đầy ơn lành. Sau những biến cố, tôi học được cách trân quý hiện tại, yêu thương vừa đủ, tin tưởng vừa đủ. Quan trọng nhất là đồng hành cùng nhau trong sự thấu hiểu.

Hiện tại tôi chưa có em bé nhưng chúng tôi đang lên kế hoạch cho hành trình sinh con, cũng đã nghĩ rất nhiều về cách nuôi dạy một đứa trẻ song ngữ, đa văn hóa. 

Nếu có con, tôi chắc chắn sẽ cho bé học tiếng Việt từ nhỏ, không chỉ qua sách vở mà bằng chính lối sống: cùng nấu món ăn Việt, kể chuyện cổ tích Việt, cho con về quê ngoại, và hơn hết là để con thấy mẹ tự hào về cội nguồn của mình. Các con của tôi cũng sẽ là những nhân chứng cho tương lại, tiếp bước thế hệ chúng ta đưa văn hoá Việt Nam đi xa hơn mỗi ngày và chạm đến mọi nơi trên thế giới”, nữ nhà văn Tina Yuan nói.