
Xã Lục Ngạn (Bắc Ninh) là vùng trồng cam nổi tiếng với chất lượng quả ngon, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Cam Lục Ngạn chủ yếu gồm các loại như cam ngọt, cam lòng vàng và cam V2. Diện tích trồng cam ở Lục Ngạn khoảng 1.530ha, sản lượng ước tính khoảng 6.086 tấn/năm.

Anh Lê Thanh Định (người dân xã Lục Ngạn) nổi tiếng với mô hình cam đường canh sản xuất theo hướng hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Định đã chuyển đổi 1,7ha từ vườn bưởi Diễn sang trồng cam và áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ, sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Vườn cam của anh được chăm sóc theo chu kỳ "một năm ra quả, một năm nghỉ ngơi" để đảm bảo sức khỏe và năng suất cây trồng.
![]() |
![]() |
Bên cạnh đó, sau khi tham dự nhiều đợt tập huấn trong tỉnh và các tỉnh lân cận, anh Định đầu tư áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt cho vườn cam nhà mình để tiết kiệm nước, chống úng đồng thời tối ưu nhân công.
Về phân bón, anh Định dùng phân hữu cơ được ủ từ phân trâu và lân trong vòng 1 năm rồi mới bón cho cây. Thuốc bảo vệ thực vật được anh sử dụng các loại có nguồn gốc sinh học để trị nhện và rầy.

Việc ứng dụng KHCN vào trồng trọt giúp vườn cam nhà anh tăng cao về năng suất và chất lượng. Hiện nay, gia đình anh đang sở hữu hơn 1.000 cây cam đường canh ghép trên gốc bưởi Diễn, tuổi đời hơn 10 năm và sản lượng mỗi năm thu về 40-50 tấn quả, doanh thu trên 2,5 tỷ đồng.

Tương tự, trên địa bàn xã Sơn Động, người DTTS cũng gặt hái nhiều thành quả sau thời gian được hỗ trợ từ địa phương, đồng thời tham gia tập huấn mở rộng kiến thức và áp dụng KHCN vào chăn nuôi giống gà hiếm.
Gà lục đinh là sản phẩm đặc hữu của địa phương, cần được bảo tồn, nhân giống và kết hợp với làm kinh tế. Do vậy, thông qua nhiều nguồn lực, chính quyền xã Sơn Động đang nỗ lực hỗ trợ người dân nhân rộng mô hình này.

Anh Vy Văn Giới (dân tộc Tày) là một điển hình trong phong trào làm kinh tế. Anh Giới cho biết, trước kia anh nhân giống gà theo phương pháp tự nhiên nhưng chất lượng và số lượng không đều, hiệu quả chưa cao.
"Sau khi tìm hiểu kiến thức thông qua những đợt tập huấn với chính quyền địa phương, tôi quyết định áp dụng việc thụ tinh nhân tạo cho gà nhằm tăng sản lượng trứng đậu, qua đó giúp kiểm soát tốt sức khỏe của đàn mới, tránh dịch bệnh. Từ đó, tôi cung cấp ra thị trường những giống tốt hơn", anh Giới chia sẻ.



Gà lục đinh có đặc điểm nổi bật là mỗi chân có tới 6 ngón thay vì 4 hoặc 5 ngón như gà thông thường. Đây là một nét độc đáo thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, đặc biệt vào dịp lễ Tết, khi nhu cầu mua gà ngon, gà lạ tăng cao.

Không chỉ vậy, gà lục đinh của Sơn Động còn nổi tiếng cho thịt chắc, thơm ngon, là thực phẩm giàu dinh dưỡng. Trước đây, do không được phát triển đúng cách, giống gà này có nguy cơ mai một. Với số lượng ít ỏi, cả xã Sơn Động chỉ có khoảng 1.000 con gà lục đinh. Nếu không có các biện pháp bảo tồn thích hợp, giống gà này có thể sẽ dần biến mất.

Nhờ việc ứng dụng KHCN vào chăn nuôi, trồng trọt, nhiều địa phương tại tỉnh Bắc Ninh ngày một đi lên về kinh tế. Đời sống của người DTTS được đảm bảo, từng bước thoát nghèo, tiến đến vững vàng về kinh tế.