Lu.jpg
Trong trận lũ lụt lịch sử vừa xảy ra tại miền Trung, nhiều người dân không kịp trở tay tìm nơi lánh nạn an toàn. Ảnh: Internet

>> Viettel khai mạc khoá đào tạo ứng dụng CNTT-VT dự báo thiên tai 

Tại buổi tọa đàm về các giải pháp dự báo, phòng chống và khắc phục thiên tai tại Việt Nam được tổ chức ngày 29/11, đại diện NEC nhận định: Trong mùa mưa bão vừa qua, từ tháng 7 đến tháng 11/2013, hàng trăm nghìn hộ dân miền Trung Việt Nam đã phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề về vật chất, tính mạng do lũ lụt gây ra. Như tại tỉnh Quảng Ngãi, mức nước lũ đã dâng lên cao nhất kể từ năm 1999, nhiều người dân không kịp trở tay.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các thảm hoạ tự nhiên trong khu vực châu Á. Hàng năm, Việt Nam phải trải qua ít nhất 6 trận bão lũ với hơn 70% dân số sinh sống trong khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp. Riêng năm 2013, tính đến tháng 11 Việt Nam đã phải hứng chịu 14 cơn bão.

Về vấn đề này, đại diện NEC nhận định diễn biến bão lũ ngày càng trở nên phức tạp, thảm hoạ thiên tai có yếu tố bất ngờ xảy ra ngày càng nhiều hơn.

NEC.jpg
Ông Keita Ito trao đổi tại sự kiện.

Thực tế trên cũng đặt ra thách thức: nếu không được ứng dụng những công nghệ cảnh báo tiên tiến, cơ quan quản lý và người dân không chủ động hơn trong việc ứng phó, phòng chống thì mức độ thiệt hại sẽ càng nặng nề hơn.

Đại diện NEC cho rằng, yếu tố để đảm bảo giảm thiểu thiệt hại bao gồm nhiều vấn đề, từ công tác cảnh báo, đối phó và cứu trợ khi thiên tai xảy ra cũng như các biện pháp truyền thông trong tình huống khẩn cấp, các chương trình điều phối, hợp tác giữa các đơn vị, ban ngành để xử lý hậu quả sau thiên tai theo tiêu chuẩn quốc tế.

Trao đổi với ICTnews, ông Keita Ito - Tổng Giám đốc NEC Việt Nam cho rằng, việc tích cực ứng dụng những công nghệ tiên tiến trong cảnh báo sớm thiên tai, lũ lụt sẽ Việt Nam có thể giảm thiểu được những thiệt hại nặng nề về vật chất, con người.

NEC đang cung cấp cho nhiều quốc gia thường xuyên gặp thiên tai (trong đó có cả Nhật Bản) hệ thống thu thập thông tin về thiên tai, những tình huống khẩn cấp với các công cụ quan sát với hệ thống quan sát dưới đáy biển, theo dõi động đất, quan sát mặt đất (sông, bờ biển, đập nước); các công cụ thu thập thông tin, hệ thống liên lạc bằng vệ tinh, hệ thống đài phát thanh mặt đất; công cụ phân tích dữ liệu và đưa ra quyết định như hệ thống dự báo động đất sớm, trung tâm đối phó thiên tai khẩn khấp; các công cụ báo động như hệ thống cảnh báo sớm quốc gia, hệ thống đài phát thanh quản lý thiên tai cho cộng đồng…