- Với người trồng hoa, Tết vẫn là vụ hoa lớn nhất trong năm. Nhưng đến thời điểm này, tưởng như bước vào “mùa thu hoạch” thì thời tiết bất thường và rất nhiều lo lắng khác khiến người nông dân “ăn không ngon, ngủ không yên”.


Ăn không ngon, ngủ không yên

Những ngày giá rét bao phủ miền Bắc, trời lạnh 9 – 10 độ C, người nông dân tại các làng hoa quanh Hà Nội vẫn phải run rẩy xuống đồng mà không khỏi lo lắng.
 
Khắc khoải lo giữ ấm cho hoa hồng


Vừa chụp bông chống lạnh cho những bông hồng trên ruộng, vợ chồng anh Nguyễn Văn Quang (làng Thường Lệ - Mê Linh) vừa cho biết, vì thời tiết giá lạnh, hoa hồng năm nay bông nhỏ, nụ “đinh” và kém hẳn so với năm ngoái.

Bất chấp trời rét thấu xương, gia đình anh vẫn phải nai nịt ra đồng, lo tăng cười tưới tắm và áp dụng các biện pháp chống lạnh cho hoa, mong “vớt vát” mùa vụ.

Anh Quang nói: “Đêm thắp đèn điện, ngày che lưới, chụp bông giấy, chăng nilon giữ ấm cho hoa, tăng cường tưới nước bón phân, tỉa lá… tốn kém thêm nhiều chi phí công sức nhưng chẳng biết có ăn thua không. Nhà trồng hoa, ăn Tết cũng trông cả vào hoa, nếu cứ lạnh mãi thế này thì chắc Tết năm nay “bé” lắm”.

Anh Quang cho biết, hoa hồng cho bông quanh năm, nhưng để cho hoa đẹp, ra đúng vụ thì phải suốt ngày chăm bón, bận hơn con mọn. Nghề trồng hoa vất vả là thế, nhưng vẫn phụ thuộc vào thời tiết.

“Năm nào cũng lo, cũng tính trước mà vẫn không “lại” được với ông Trời” – anh chia sẻ.

Ảm đạm không kém là những ruộng hoa ly, thạch thảo, loa kèn Trung Quốc… mà người dân Mê Linh mới đưa về trồng. Do không chống chịu được rét, nên mặc dù được mắc đèn sưởi, nhiều ruộng hoa vẫn không kịp ra hoa đúng vụ, nếu có hoa thì cũng rất “đìu hiu”, không được như kì vọng của người trồng hoa.

“Bỏ bao nhiêu công sức, nhưng cả mấy sào hoa cũng chỉ có được vài trăm bông cúc nở rộ. Từ nay nay đến Tết, mong trời hửng lên tí chút may ra còn có Tết” – chị Thành (thôn Mê Linh) tâm sự.

Tại làng hoa Nhật Tân, thời điểm này hầu hết đào đã được đưa ra khỏi ruộng, được bọc nilon, thắp đèn sưởi để “thúc” hoa.

“Rét nên đào cho hoa nhỏ và không đều. Chăm đào thời điểm này không quá vất vả nữa nhưng lúc nào cũng phấp phỏng” – chủ một vườn đào Nhật Tân nói.

Thức đêm canh hoa

Trên ruộng hoa, người nông dân tất bật và lo lắng bao nhiêu, thì trên những con phố Hà Nội nơi hoa đào đã được bày bán, nỗi lo lắng ấy vẫn không hề thuyên giảm.

Người dân dựng lều, chăng bạt, nilon, thắp đèn bảo vệ hoa ngay trên phố. Có nhà còn cử người thức thâu đêm canh hoa dưới trời rét mướt.
 

 

 
Dựng lều trông hoa thâu đêm

Anh Nguyễn Văn Thăng – làng đào Phú Thượng cho hay: “Đào mang ra đây rồi cũng vẫn phải được tưới nước, “cho ăn” đều đều, nếu không sẽ không đẹp, mất giá. Cho đào ăn lúc này cũng không đơn giản: B1 giã nhỏ, hòa vào nước tưới gốc hoặc phải dùng thuốc “đầu trâu” cho cây “ăn”…”.
 
Trang bị xích sắt để bảo vệ những gốc đào giá bạc triệu


Nhận xét về thị trường đào năm nay, anh Thăng cho rằng có phần “đìu hiu” hơn năm ngoái.

“Giá cây giao động ở mức 4 triệu đồng/ cây, với cây nhỏ thì khoảng vài trăm đến một triệu. Tuy nhiên tầm này người dân chưa đi mua mấy. Có lẽ phải đợi sau rằm mới biết được “chiều chợ” – anh Thăng phỏng đoán.

Anh tiết lộ, “cao thủ” nhất là một công ty tư nhân đặt mua cây đào giá 10 triệu, được đặt cách đây hơn 1 tuần và mới được cho xe đánh về hôm trước.

Tuy nhiên, vườn đào hơn 200 gốc nhà anh năm nay không có được nhiều cây đào “vip” như vậy. Những cây to, đẹp, nhiều tay, nhiều hoa đều đã được khách chọn mua. Trong số những cây đào được mang bày ra phố, anh mới chỉ bán được khoảng 10 – 15 gốc.

Canh cánh bên những chậu đào, anh Thăng chia sẻ, càng gần Tết anh lại càng lo, vì những vấn đề phát sinh bất ngờ.

“Mới hôm thứ hai mang cây ra đây đã bị mấy thanh niên tóc xanh, tóc vàng đến “khuân” đi một cây. Mình “đơn thương độc mã” nên đành chịu “bó tay”, hôm sau phải nhanh chóng trang bị xích sắt để “xích” cây lại cho an toàn” – anh Thăng kể lại.

Minh Tâm