Giáo hoàng đến Vương cung Thánh đường Thánh Peter bằng chuyên xa Popemobile dành riêng cho Giáo hoàng. Theo tạp chí Time, buổi lễ thường bắt đầu bằng hoạt động viếng mộ Thánh Peter bên trong Vương cung thánh đường, sau đó sẽ có những nghi thức cầu nguyện.
Giáo hoàng mới sẽ được trao dây Pallium và nhẫn Ngư phủ, biểu tượng cho việc tiếp nhận vai trò lãnh đạo giáo hội Công giáo. Giáo hoàng Leo XIV cũng có bài giảng trước công chúng, nêu ra một số chủ đề về triều đại Giáo hoàng của ông.

Lễ nhậm chức kéo dài khoảng 3 giờ, sau đó Giáo hoàng dự kiến gặp nhiều lãnh đạo thế giới. Tờ National Catholic Reporter đưa tin, hơn 200 nhà lãnh đạo chính trị trên toàn cầu sẽ tham dự lễ nhậm chức của tân Giáo hoàng, gồm cả Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Hoàng tử Anh Edward, hoàng gia Tây Ban Nha, vợ chồng Phó Tổng thống Mỹ JD Vance, Tổng thống Argentina Javier Milei, Tổng thống Israel Isaac Herzog và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Giáo hoàng Leo XIV (69 tuổi) được bầu hôm 8/5 sau cuộc bỏ phiếu của mật nghị hồng y tại Vatican. Ông trở thành nhà lãnh đạo mới của 1,4 tỷ tín đồ Công giáo trên thế giới.
Đức Giáo hoàng Leo XIV kết thúc Thánh lễ
Giáo hoàng Leo XIV cúi lạy bàn thờ chính ở Quảng trường và kết thúc Thánh lễ. Sau đó, Ngài chào mọi người, trò chuyện với các giáo sĩ, trước khi tiến vào Vương cung Thánh đường Thánh Peter. Tiếng chuông Nhà thờ Thánh Peter reo lên sau khi Đức Giáo hoàng Leo XIV kết thúc thánh lễ nhậm chức. Ngài dự kiến sẽ tiếp một số phái đoàn trong những giờ tới, gặp gỡ đại diện từ hàng chục quốc gia đã đến tham dự sự kiện lịch sử ngày hôm nay.

Giáo hoàng gặp riêng Tổng thống Ukraine Zelensky
Vatican xác nhận, sau thánh lễ, Giáo hoàng sẽ có cuộc gặp riêng với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ngài Leo XIV, vị giáo hoàng đầu tiên đến từ Mỹ, từng tuyên bố sẽ "nỗ lực hết sức" để giúp chấm dứt xung đột ở Ukraine. Ông cũng gợi ý Vatican có thể là nơi diễn ra các cuộc đàm phán hòa bình.

Giáo hoàng cảm ơn những người tham dự
Giáo hoàng Leo XIV phát biểu trước đám đông, cảm ơn tất cả những người có mặt tại Quảng trường Thánh Peter, và các phái đoàn đã có mặt tại sự kiện.
Ngài cũng nhắc đến người tiền nhiệm là cố Giáo hoàng Francis. Tân Giáo hoàng cho biết ngài có thể "cảm nhận" được sự hiện diện của Giáo hoàng Francis trong thánh lễ. "Tôi có thể cảm nhận được sự hiện diện thiêng liêng của Đức Giáo hoàng Francis, người đồng hành cùng chúng ta từ bầu trời, từ thiên đường", Giáo hoàng Leo XIV nói.
150.000 người tham dự lễ nhậm chức của Giáo hoàng
Theo Văn phòng Báo chí Tòa thánh, “có khoảng 150.000 tín đồ có mặt tại Quảng trường Thánh Peter và khu vực xung quanh” để tham dự thánh lễ nhậm chức của Giáo hoàng Leo XIV.
Hàng nghìn người bắt tay, trao nhau dấu hiệu hòa bình
Hàng nghìn người bắt tay với những người xung quanh, sau khi tân Giáo hoàng khuyến khích mọi người trao cho nhau dấu hiệu hòa bình. Đây là một thông lệ phổ biến trong thánh lễ. Sự kiện hôm nay có nhiều nhà lãnh đạo thế giới tham gia bao gồm Phó Tổng thống Mỹ JD Vance.

Nghi thức Phụng vụ Thánh thể
Một trong những khoảnh khắc quan trọng trong các thánh lễ là phát bánh và rượu cho những người tham gia sự kiện. Trước đó, Giáo hoàng đã chủ trì lễ thánh hiến bánh và rượu, tượng trưng cho thân thể và máu của Chúa Jesus. Ông bẻ bánh và nâng ly rượu trước đám đông. Đây là nghi lễ tưởng niệm sự hy sinh và cứu chuộc của Chúa Jesus, đồng thời thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa Thiên Chúa và con người.
Các thành viên giáo hội đã tản ra quanh khu vực Quảng trường Thánh Peter, phát bánh Thánh (Thánh thể) cho những người tham dự. Nhiều người trong đám đông đang xếp hàng trước các linh mục và phó tế để chờ đến lượt mình.

Giáo hoàng kêu gọi đoàn kết

Giáo hoàng đã kết thúc bài giảng của mình. Trong đó, ông nói về nhu cầu duy trì sự "đoàn kết". "Anh chị em thân mến, tôi muốn rằng mong muốn lớn đầu tiên của chúng ta là một giáo hội đoàn kết, một dấu hiệu của sự đoàn kết và hiệp nhất, trở thành chất men cho một thế giới hòa giải", tân Giáo hoàng nói bằng tiếng Italia.
"Tôi được chọn không phải do công trạng nào. Với tâm tình khiêm tốn, tôi đến với mọi người như bất kỳ một người nào trong các anh chị em. Mong được cùng bước đi với anh chị em trên con đường tình yêu của Chúa. Chúng ta hãy xây dựng một Giáo hội đặt nền trên tình yêu của Chúa", Giáo hoàng phát biểu.
Nhắc lại những vấn đề ưu tiên của người tiền nhiệm, cố Giáo hoàng Đức Francis, tân Giáo hoàng chỉ trích hệ thống kinh tế toàn cầu mà ngài cho là "khai thác tài nguyên của Trái đất, và gạt những người nghèo nhất sang bên lề". Ngài cũng cảnh báo về việc tập trung quyền lực cho Giáo hoàng, và nói sẽ tìm cách dẫn dắt "mà không bao giờ khuất phục trước cám dỗ trở thành một nhà độc tài". Ngài kết thúc bằng cách kêu gọi các tín đồ hãy "cùng nhau như một dân tộc", "bước về phía Chúa và yêu thương lẫn nhau".
Dây Pallium và nhẫn Ngư phủ được trao cho tân Giáo hoàng
Giáo hoàng đã được trao dây Pallium, một dải len lông cừu, và được đeo trên vai bằng 3 chiếc ghim nhằm tượng trưng cho những chiếc đinh từ cuộc đóng đinh của Chúa Kitô. Ngài còn được trao tặng chiếc nhẫn Ngư phủ được đặt theo tên của vị giáo hoàng đầu tiên là Thánh Peter, một người làm nghề đánh cá.

Quảng trường Thánh Peter chật cứng người
Một phó tế sẽ sớm đọc phúc âm cho những người tới tham dự lễ nhậm chức của Giáo hoàng mà theo ước tính lên tới 250.000 người.

Hình ảnh buổi lễ tại Quảng trường Thánh Peter



Đoàn rước tiến ra quảng trường

Theo NBC News, Giáo hoàng Leo XIV đi bộ qua Vương cung thánh đường đến Quảng trường Thánh Peter. Giáo hoàng Leo XIV, cùng các hồng y và giáo sĩ diễu hành qua Vương cung thánh đường và tiến vào Quảng trường Thánh Peter, nơi hàng chục nghìn người đang đứng cầu nguyện thầm lặng khi ngài xuất hiện.
Đoàn rước mang theo dây Pallium và nhẫn Ngư phủ, biểu tượng cho việc tiếp nhận vai trò lãnh đạo giáo hội Công giáo, được đưa lên từ hầm mộ.
Giáo hoàng cầu nguyện tại lăng mộ Thánh Peter
Giáo hoàng Leo XIV cùng các Thượng phụ của các Giáo hội Công giáo Đông phương đã đi xuống nhà nguyện mộ Thánh Peter để cầu nguyện và xông hương. Dây Pallium, một trong những phẩm phục quan trọng được trao cho Giáo hoàng trong lễ nhậm chức, đã được đặt tại đây.
Sau đó, đoàn rước tiến từ Vương cung Thánh đường ra quảng trường, Giáo hoàng Leo XIV đi phía cuối đoàn. Quan khách ở hai bên đều đứng dậy chào đón ông và đoàn rước.
Giáo hoàng lần đầu tiên xuất hiện trên chuyên xa Popemobile
Video: CNN