Hơn 20 năm vào Nam ra Bắc để "bắt" mạch nước ngầm ẩn sâu dưới lòng đất, người đàn ông kỳ lạ này đã cứu khát cho hàng ngàn hộ dân và cứu sống cho hàng trăm đồn điền trái cây, cà phê bạt ngàn khắp nơi. Danh xưng "thần nước" đối với ông Trần Huy Hoàng, ở xóm 12, xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đến nay vẫn chưa có người nào đủ năng lực để "soán ngôi". Ở tuổi 73, "thần nước" vẫn ngược xuôi lên rừng xuống biển để thực hiện "sứ mạng" dò tìm mạch nước, đặc biệt trong những ngày xứ Nghệ nắng nóng "như cái chảo lửa"
Mệt lử vì "đắt sô bắt mạch nước"
Vừa trở về từ chuyến đi "bắt mạch" tại miền Tây Nghệ An, ông Hoàng hồ hởi chia sẻ từ đầu năm đến giờ không mấy khi ở nhà vì lịch làm việc kín mít. Ngay từ đầu mùa nắng, những cú điện thoại "cầu cứu" của người dân ở tứ phương liên tục gọi đến cho ông. Nhiều người lặn lội từ Bắc vào, đưa cả ô tô đến "rước" ông đi tìm nước giúp.
Ông Hoàng nức tiếng với khả năng dò tìm mạch nước ngầm "trăm phát trăm trúng". Chỉ vào hai que sắt nhỏ hơn chiếc đũa, dài cỡ 50cm được uốn hình chữ L, mỗi đầu thanh sắt đều được mài nhọn, "thần nước" cười: "Bảo bối của tui đó, đơn giản rứa nhưng dò đâu trúng đó". Ông cũng không ngại biểu diễn tài bắt mạch nước ngầm (hay ông thường gọi là "thăm nước") ngay tại nhà mình. Hai tay cầm hai que sắt đưa về trước, ông Hoàng đột ngột đứng im, mắt nhìn như thôi miên vào "bảo bối". Chiếc que sắt từ từ dao động, ông cho biết chiếc que lắc mạnh về hướng nào là mạch nước ở hướng đó.
Với phương châm "cứu nước như cứu hỏa", chỉ cần nghe được lời của người dân ở vùng thiếu nước, vị "thần nước" cao niên sẽ ngay lập tức thu xếp đồ nghề lên đường không quản nắng mưa. Tóc đã bạc, da đã mồi, nhiều chuyến ông Hoàng vẫn một thân một mình bắt xe khách ngồi lắc lư vài trăm cây số lên đến tận những vùng đất thuộc miền núi giáp biên để tìm nước sạch cho người dân. Dã chiến nhất là những chuyến vào Nam kéo dài hàng nghìn cây số qua mấy ngày đêm ăn ngủ trên xe, người trẻ nghĩ đến còn "ngán" nhưng ông thì vẫn tỉnh như không. "Thần nước" cười, ông nói chỉ cần nơi đâu đang đói nước là ông sẵn sàng xách "bảo bối" đi đến cùng trời cuối đất.
Tuy nhiên, năm nay thời tiết quá khắc nghiệt. Mới đầu mùa cái nắng đã dữ dội, nhiều nơi đất nứt nẻ, không có một hạt mưa, hàng loạt giếng tại các nhà dân đồng loạt cạn trơ đáy. Ông Hoàng vì thế cũng không thể ngồi yên. Điện thoại reo liên tục. Ông cũng đi về như thoi đưa. Dù được xem là người có sức khỏe dẻo dai và một tinh thần phục vụ người dân hết mình nhưng "ông thần" 73 tuổi cũng không tránh được những lúc kiệt sức vì cường độ công việc quá nhiều.
Ông cho biết việc "thăm nước" yêu cầu sự tập trung cao độ và một tinh thần hết sức tĩnh tại, điềm đạm. Người ngoài nhìn vào thấy ông chỉ cầm hai que sắt đi qua đi lại, tưởng việc "bắt mạch nước" dễ như ăn kẹo nhưng thực tế công việc này tiêu tốn khá nhiều năng lượng, trong người nếu mệt mỏi, không thoải mái hoặc vội vàng hấp tấp đều không thể "bắt" được nước. Ông Hoàng rất "khoái" đi làm giúp cho những người đã biết đến tài nghệ và tin tưởng tuyệt đối vào khả năng thần kỳ của ông bởi "đến những nơi được mọi người tôn trọng tui rất phấn khởi, phát hiện ra mạch nước sẽ được tin tưởng ghi nhận. Người dân hiểu tui mần thật chứ không nghi ngờ này nọ".
Ông Hoàng giở cuốn sổ ghi chép những chuyến "thăm nước" từ trước đến nay. Ông ghi khá tỉ mỉ từ tên tuổi, địa chỉ liên lạc đến đặc điểm vùng đất và kết quả đi "thăm". Thậm chí có một số nơi cần dò tìm mạch nước ngầm một cách quy mô, ông còn vẽ cả bản đồ các mạch ngầm chằng chịt dưới lòng đất khiến gia chủ chỉ còn nước bái phục.
![]() |
Ông Hoàng biểu diễn "bắt mạch nước" |
Làm "thần" cũng lo thất truyền
Hầu như ông chưa lần nào từ chối đi "thăm nước", đơn giản vì "nước cần lắm". Có người trong điện thoại còn vừa khóc vừa mếu máo kể đã mất cả trăm triệu để đào vài ba chiếc giếng khoan liền tìm nước tưới cho cây cà phê mà vẫn không có một giọt nước. Có người còn "ăn vạ" trong điện thoại gây "áp lực" để "thần" mau chóng thu xếp đi nhanh vì: "Bác mà không đến nhanh cứu chúng con thì cả người cả vật đều chết hết".
Nhiều người nghĩ ông "làm nghề" chắc kiếm được khối tiền nhưng ông Hoàng khẳng định mình làm việc không phải vì tiền. Khi giúp làng trên xóm dưới ông không bao giờ lấy công. Khi đi xa, phần lớn người nhờ ông đều để ý lo tiền tàu xe, còn lại tiền cảm ơn thì tùy tâm, ông không đòi hỏi. Có khi là đôi con gà, vài cân cam cây nhà lá vườn nhưng là chân tình của gia chủ thì ông rất phấn khởi. Chỉ khi tuổi đã cao, có những chuyến phải nhờ người đưa đi ông mới yêu cầu thêm "chế độ" cho người phụ tá.
Ông kể: "Ban đầu tui chỉ loanh quanh tìm nước giúp những nhà lân cận gọi là mần hay hay rứa thôi. Bắt đầu từ năm 1992 tui mới phát hành đi xa giúp người". Giờ thì tiếng lành đồn xa, hầu như lúc nào ông cũng bận rộn vì đi "cứu nước". Dân hết nước dùng cũng nhờ ông, hạn hán cũng kêu ông, giếng nhà nào bỗng dưng cạn trơ đáy lại cũng cầu cứu ông. Ông Hoàng cứ tất tả với công việc "bắt mạch thăm nước" mà cả đời ông đã coi như sứ mệnh.
Bắt đầu từ năm 14 tuổi, ông đã theo cụ thân sinh học nghề và bắt đầu công việc giúp dân: "Cha tui ngày trước cũng làm nghề "bắt mạch" ni. Nhưng ông cụ chỉ dùng xâu tiền trinh chứ không dùng que sắt". Theo ông Hoàng, cách "thăm nước" từ đời cha truyền cũng chính xác nhưng khá mất công và tốn thời gian. Đến năm 1990, tình cờ có một người mách ông dùng que sắt, ông mày mò thử một thời gian thì thấy quả là ưu việt hơn và sử dụng đến tận bây giờ.
Mơ ước của ông là truyền được nghề cho càng nhiều người càng tốt vì càng đi nhiều ông càng thấy thương người dân ở nhiều vùng đất chưa từng biết đến một giọt nước sạch. Mặc dù ông sẵn sàng "dạy nghề" miễn phí cho bất kỳ ai có nhu cầu học nhưng đến nay vẫn chưa có "đệ tử" nào luyện được chiêu "bắt mạch nước" kỳ lạ này. Phần lớn mọi người khi được ông bày dạy khi cầm que sắt vẫn cứng đờ, chẳng có cảm giác gì. Cá biệt có người nhúc nhích được tí chút nhưng không điều khiển được "bảo bối", que sắt cứ xoay như chong chóng nên các "đệ tử" đành chóng mặt bó tay.
Theo "thần nước", đã có nhiều nhà khoa học về tìm gặp ông để kiểm chứng và nghiên cứu về khả năng đặc biệt trên nhưng đến nay vẫn chưa có lời giải đáp thấu đáo. Bản thân ông Hoàng không thể lý giải được về khả năng của mình. Biệt tài "bắt" được chính xác mạch nước ngầm trên mọi địa hình của ông Hoàng hiện cũng vẫn là ẩn số.
Ông Hoàng tâm sự, trong số 8 người con của ông, duy chỉ có cô con gái út là có phản ứng rất tốt với các mạch nước. Ông tình cờ phát hiện khả năng của "ái nữ" trong một lần cô gái bắt chước cha sử dụng que sắt thử "bắt mạch". 24 tuổi, nữ truyền nhân xinh đẹp hiện đang chuyên tâm cho công việc kế toán. Cô gái hoàn toàn ủng hộ việc làm của cha nhưng bản thân cô chưa từng có ý định sẽ nối nghiệp làm "thần nước".
Theo ông Hoàng, từ nhỏ các con ông đã thấy ông ngược xuôi, việc làm mất nhiều thời gian mà không thể tính về thu nhập nên mỗi người đều lựa chọn cho mình một nghề riêng để theo đuổi. Ông Hoàng thừa nhận cũng không thể sống và nuôi vợ con nhờ làm "thần nước" nhưng khi mỗi ngày một tuổi cao sức yếu, đối với việc "thăm nước" giúp dân, ông vẫn canh cánh nỗi buồn vì "cha truyền" mà chưa có "con nối".
Theo Tuyết Lan – Đào Bình/ PLVN