
Mồng 5 ở một
góc phố
Hai thanh niên dừng xe trước chợ Tân Định. Phía sau mỗi xe, một giỏ to chứa đầy
bánh ú. Mới 5h30 sáng, người trên phố chưa đông. Tranh thủ, hai người đều cố tìm
trong giỏ những chiếc bánh đẹp nhất để trưng bày.
Cả hai anh đều là dân Long An. Một anh quê Thủ Thừa một người quê Tân Trụ. Trong
những chuyến buôn xa, hai người kết thân làm đôi bạn.
Hải, tên người thanh niên đứng tuổi hơn cho biết: "Chúng tôi nhận bánh từ một lò
ở Tân An từ lúc 3g sáng. Hôm nay là mồng 5 nên tạm dừng những món hàng quen
thuộc hàng ngày, chuyển sang bán bánh ú. Năm ngoái cũng ngày mồng 5 cũng nhờ
bánh ú mà kiếm được kha khá hơn hẳn một ngày buôn chuyến bình thường".
![]() |
Xe đẩy bánh ú đông khách |
Cách đó không xa, góc Nguyễn Hữu Cầu – Hai Bà Trưng, một chiếc xe đẩy của một người đàn bà đứng tuổi. Tên chị là Xuân, chị đã bán trái cây ở góc đường này khá lâu, hôm nay cũng bán bánh ú. Chị là người địa phương nên khách hàng vốn là người quen đi thể dục về ghé mua.
Dưới đó vài chục mét, một cô bé bán bông. Những bó hoa tươi vàng rực được gói nhanh giao cho khách. Bên cạnh cô bé, hai vợ chồng đang đếm từ bó lá đã được cột chặt có thắt nút. Anh chồng cho biết, tục lệ ngày mồng 5 sau khi cúng giữa trưa xong, bó lá này sẽ được treo trước nhà... để trừ tà.
Càng trưa, những xe bánh ú, những hàng hoa, hàng lá
càng đông khách. Mỗi người trên tay một giỏ nặng trĩu để đến trưa sẽ bày ra
ngoài sân, giữa nhà cúng.
Tết Đoan Ngọ, tết diệt sâu bọ
Theo tục lệ, trong mâm cơm cúng tết Đoan Ngọ, ngoài những món mặn hoặc chay còn
có trái cây, chè xôi, cơm rượu và dứt khoát không thể thiếu bánh ú tro.
![]() |
Hai thanh niên ở Long An chờ khách trước chợ Tân Định |
Bánh ú tro là loại bánh truyền thống của người Việt, được gói bằng nếp bọc bên ngoài bằng lá sậy. Tro bếp được ngâm nước vài giờ chắt lấy nước trong rồi ngâm nếp 3 ngày đêm. Sau đó, nếp được vớt ra vo lại với nước sạch rồi để cho ráo. Lá sậy được quấn thành hình chóp rồi cho vào một lượng nếp vừa phải, bẻ góc xếp lại thành bánh ú. Có 2 loại bánh, không nhân và có nhân. Nhân bánh thường là đậu xanh.
Lý do để chọn ngày mồng 5 tháng 5 được nhiều tài liệu giải thích: “Theo học thuyết âm dương ngũ hành, Ngọ được xếp vào quẻ Ly, thuộc hành Hỏa. Trong một ngày, dương khí cao nhất là giờ Ngọ. Trong một tháng, dương khí cao nhất vào những ngày Ngọ, nhất là ngày Ngọ thượng tuần (đầu tháng). Trong năm, dương khí cao nhất vào tháng Ngọ (tháng 5). Như vậy, dương khí đạt cực điểm vào giờ Ngọ của ngày Ngọ đầu tiên trong tháng Ngọ”.
![]() |
Cúng phải có hoa, cô hàng hoa đắt khách |
Thời khắc này nằm trong giai đoạn chuyển mùa từ xuân sang hè. Thời tiết lúc này thuận lợi cho sâu bọ phát triển gây hại cho người và vật nuôi. Vì thế, người xưa thường cúng vào dịp này để cầu mong sâu bọ bị tiêu diệt, đem lại cho mọi người cuộc sống bình an.
Đối với người Việt, tết Đoan Ngọ hay Đoan Dương còn là ngày tết giết sâu bọ. Ngày này còn có một ý nghĩa lớn đối với dân tộc bởi :
“Tháng năm ngày tết Đoan Dương
Là ngày giỗ mẹ Việt Thường Văn Lang”
Ngày mồng 5 tháng 5 còn là ngày vía bà Linh Sơn thánh mẫu ở núi Bà Đen (Tây
Ninh).
Theo Wikipedia, Tết Đoan Ngọ lưu truyền vào Việt Nam từ bao đời nay. Phát xuất từ câu chuyện
Khuất Nguyên, tác giải bài thơ Ly Tao đời chiến quốc bị thất sủng vì vua nghe
lời nịnh thần. Ông trầm mình tại sông Mịch La vào đúng ngày mồng 5 tháng 5 nên
từ đó nhìều người thương cảm ông chọn ngày này để tưởng nhớ một người hết lòng
vì nước.
Trải qua nhiều triều đại, ngày nay, tết Đoan Ngọ ở Việt Nam đúng ý nghĩa của một
ngày tết diệt sâu bọ bởi nếu ở nông thôn thường thấy: “Sáng sớm cho trẻ ăn hoa
quả, rượu nếp, trứng luộc, bôi hồng hoàng vào thóp đầu, vào ngực, vào rốn để
giết sâu bọ. Người lớn thì giết sâu bọ bằng cách uống rượu (hoà ít tam thần đơn)
hoặc ăn rượu nếp. Trẻ em giết sâu bọ xong khi còn ngồi trên giường, rồi rửa mặt
mũi, chân tay xong bắt đầu nhuộm móng tay móng chân, đeo chỉ ngũ sắc.
![]() |
Bánh ú và bó lá trừ tà, mặt hàng không thể thiếu ngày mồng 5 |
Tuy vậy, nhân dân ta quen dùng thảo mộc chữa các chứng bệnh, biết phân biệt loại có độc, chẳng hạn lá ngón, cà độc dược, lá sắn... dẫu người nặng đầu óc mê tín cũng chẳng dám hái. Ngược lại, các cây cỏ chữa bệnh thông thường có tác dụng trừ phong ích khí thì hái nhiều hơn như ích mẫu, ngải cứu, sả, tử tô, kinh giới, lá tre, lá bưởi, cam, chanh, quýt, mít, muỗm, hành, tỏi, gừng, chè, ổi, trầu không, sài đất, sống đời, bồ công anh, sen, vông, lạc tiên, nhọ nồi...
Trong nhịp sống hối hả của một thành phố nhộn nhịp nhất nước là TP.HCM, người dân vẫn cố giữ một truyền thống tốt đẹp tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà, thầy cô trong ngày tết Đoan Ngọ. Tinh thần đó luôn là điểm son của người Việt chúng ta...
- Trần Chánh Nghĩa