Hành trình "mua một bán mười"
Những ngày giáp Tết được xem là thời điểm hái ra tiền của dân buôn bán trái phép hàng cấm như pháo nổ. Nhưng ít ai ngờ, trong đó có cả những “ tay buôn có hạng” đang ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Chưa ý thức được việc mình đang làm nghiêm trọng mức nào nên các teen cứ hồn nhiên lao vào những cuộc làm ăn phi pháp mà không màng tới hậu quả.
Sau khi nghe một số anh lớn “mách nhỏ” về cách “làm giàu không khó”, Ninh (15 tuổi) xin địa chỉ của các “mối” để liên lạc làm ăn, rồi lôi kéo thêm một nhóm bạn cùng chơi (khoảng hơn chục bạn) cùng hợp sức làm vài vụ kiếm chút tiền tiêu Tết.
Theo lời Ninh, vì không buôn nhiều pháo nên không thể bị coi là vi phạm pháp luật được. Cả nhóm chia ra thành nhiều top nhỏ, mỗi top khoảng 3 người, phân công nhau đi lấy pháo và bán. Khách hàng chủ yếu của nhóm này là các bạn học sinh từ lớp 5 đến lớp 12, do bạn bè giới thiệu hoặc “giao dịch” qua chatroom.
Ninh kể: “Em thường đi khoảng 30- 60 km mới lấy được hàng, thường phải đi từ tối đến đêm, có hôm đến sáng mới về. Vất vả một chút nhưng lãi lắm, được cầm nhiều tiền cũng sướng!”
Khác với Ninh, Vinh (18 tuổi) có kinh nghiệm buôn pháo từ 2 năm nay nên công việc làm ăn quy mô và chuyên nghiệp hơn. Vinh cùng nhóm của mình (khoảng 5 người) luôn giữ liên lạc với “mối quen” và xác định điểm giao hàng trước khi đi lấy pháo.
Địa điểm giao hàng không bao giờ cố định, có khi phải vào tận Thanh Hóa, khi thì Nam Định…
![]() |
Sau khi lấy được hàng, Vinh cùng “chiến hữu” bỏ vào cặp sách mang về nhà, nếu khách muốn mua thì điện thoại trước, hàng giao tận nơi. Vinh tiết lộ: “Chỉ cần đi vay hoặc cầm đồ để lấy chút vốn, chỉ cần bán vài quả pháo gỡ vốn được ngay, tiền lãi thường gấp ít nhất 4 -5 lần”.
Tùy theo nhu cầu của khách hàng mà các “đường dây” kinh doanh nhiều loại pháo khác nhau (pháo cối, pháo diêm, pháo tép, pháo thăng thiên). Trung bình từ 40 – 100.000 đồng một quả pháo. Như vậy, chi cần nhịn ăn sáng hoặc bớt tiền tiêu vặt vài ngày là các “thượng đế” có thể “nổ” đủ tới hết Tết.
…và những điều teen chưa biết
Khoảng vài tuần trước Tết, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lí hàng loạt các vụ án liên quan đến việc buôn bán và sử dụng trái phép pháo cấm.
Thế nhưng, đường dây buôn bán, tàng trữ và sử dụng pháo cấm vẫn ngầm hoạt động một cách tinh vi trong đó có cả các chủ buôn tuổi teen.
Những bạn trẻ vì thiếu kiến thức xã hội, pháp luật nên chưa ý thức được mức độ nghiêm trọng của việc mình đang làm. Hầu hết các teen chỉ biết rằng pháo bị Nhà nước cấm, nhưng bán ít thì không được coi là vi phạm. “ Có phải lúc nào bọn em cũng bán đâu? Làm một vài lần rồi nghỉ Tết thì việc gì? Buôn nhiều mới sợ chứ!...” - Ninh nói.
Còn Vinh, cậu cũng chỉ biết bán pháo vi phạm vào điều cấm chứ cũng không hề biết nếu bị phát hiện thì sẽ bị xử lí như thế nào.
Vinh lúng túng: “… Miễn có tiền tiêu là được , nếu bị phát hiện chắc là bị phạt tiền thôi!”
Từ việc buôn bán pháo đang trở thành phong trào trong một bộ phận giới trẻ, hành động nổ pháo, đốt pháo tùy tiện tại các nơi công cộng, những điểm tụ tập chơi bời của teen cũng tràn lan khắp phố phường.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã thắt chặt quản lí nhưng tình trạng mua bán và sử dụng pháo chỉ có thể bớt căng thẳng khi ý thức và hiểu biết pháp luật của mọi người dân được nâng lên.
Một số quy định của Bộ Luật hình sự xử lý các hành vi sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, mua bán pháo nổ 1. Người nào có hành vi sản xuất pháo nổ, chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc pháo, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất nổ chất cháy" theo Điều 96 Bộ luật hình sự. 2. Người nào có hành vi mua bán các loại pháo nổ, hoặc có hành vi tàng trữ, vận chuyển với mục đích buôn bán ở trong nước các loại pháo nổ, các loại pháo do nước ngoài sản xuất, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "buôn bán hàng cấm" theo Điều 166 Bộ luật hình sự. 3. Người nào có hành vi mua bán vận chuyển qua biên giới các loại pháo nổ, các loại pháo do nước ngoài sản xuất, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới" theo Điều 97 Bộ luật hình sự. |
Thu Thảo (K28, Học viện Báo chí - Tuyên truyền)