Tỉnh Tây Ninh có hơn 3.000 người Chăm đang sinh sống. Khác với đồng bào Chăm ở tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, người Chăm ở tỉnh Tây Ninh theo đạo Hồi giáo (Islam). Bà con sinh sống tập trung tại 7 khu vực thuộc các huyện Tân Châu, Tân Biên và TP. Tây Ninh. Ngoài ra, còn một số nhóm nhỏ cư trú rải rác tại xã Trí Bình (huyện Châu Thành) và xã Tân Hoà (huyện Tân Châu). 

Đảm bảo đồng bào được hỗ trợ, chăm lo kịp thời, không để ai bị bỏ lại phía sau

Là cộng đồng có tín ngưỡng riêng, đồng bào Chăm ở Tây Ninh theo đạo Islam và sinh hoạt tôn giáo dưới sự hướng dẫn của Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh. Đại đa số bà con sống bằng nghề nông hoặc làm thuê theo thời vụ, một số ít làm công nhân tại các khu công nghiệp; đời sống tuy ổn định dần nhưng vẫn còn không ít hộ gặp khó khăn.

Tỉnh Tây Ninh xác định công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng trong công tác Mặt trận, nhằm xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

01 Dong bao Cham TN.jpg

Trên địa bàn TP.Tây Ninh có 12 dân tộc sinh sống với 730 hộ/2.983 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 2,19% tổng dân số. Thực hiện công tác chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố và các xã, phường vận động và trao tặng quà cho đồng bào dân tộc nhân dịp lễ, Tết, hỗ trợ 915 phần quà với tổng trị giá 352.500.000 đồng, thiết thực chăm lo cho đồng bào thuộc hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Thành phố.

Song song với đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố và phường, xã thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho đời sống đồng bào về nhiều mặt như: trao học bổng tiếp sức đến trường cho con em đồng bào, khám bệnh cấp thuốc miễn phí, hỗ trợ sản xuất… đảm bảo đồng bào luôn được sự hỗ trợ và chăm lo kịp thời, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Với sự chăm lo của Đảng, Nhà nước và hệ thống MTTQ Thành phố, đời sống đồng bào dân tộc ngày càng khởi sắc, có sự cải thiện đáng kể, đến nay, đồng bào dân tộc ở thành phố Tây Ninh chỉ còn 1 hộ cận nghèo và 5 hộ nghèo tỉnh. Qua đó đồng bào dân tộc ở TP. Tây Ninh luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, gắn kết với khối đại đoàn kết chung của dân tộc và chung sức đồng lòng vì sự phát triển của thành phố.

Hình thành nếp sinh hoạt “sạch nhà - sạch bếp - sạch ngõ”

Năm ngoái, MTTQ xã Tân Hưng, huyện Tân Châu đã triển khai cho các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo đăng ký thực hiện Đề án “Phát huy giá trị đạo đức tôn giáo và xây dựng cơ sở tín ngưỡng tôn giáo văn minh”, thực hiện mô hình “Vận động nhân dân thu gom, phân loại phế liệu, rác thải nông nghiệp và vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp trong mỗi hộ gia đình” cho đồng bào dân tộc Khmer tại khu Bố Kết, ấp Tân Trung B. 

02 Dong bao Cham TN.jpg

Tại Thánh đường ấp Tân Trung A, công tác bảo vệ môi trường trong cộng đồng Chăm Islam dần được cụ thể hoá bằng những hành động thiết thực và gắn liền với đời sống tín ngưỡng thường nhật. Ban Quản trị Thánh đường phối hợp với MTTQ cơ sở tổ chức tuyên truyền, vận động bà con thay đổi thói quen sinh hoạt, loại bỏ việc xả rác bừa bãi, đốt rác gần nhà, không để chuồng trại sát nơi ở, tích cực tham gia thu gom rác, làm nhà vệ sinh hợp chuẩn…. từ đó hình thành nên nếp sinh hoạt đều đặn: “sạch nhà - sạch bếp - sạch ngõ”, gắn kết giữa đạo và đời, giữa tín ngưỡng và trách nhiệm cộng đồng.

Bà con không chỉ gìn giữ cảnh quan nơi thờ tự mà còn chủ động trồng hoa ven đường, trồng cây xanh quanh nhà, sử dụng nước sạch và không dùng vật dụng có nguy cơ gây hại môi trường. Ý thức giữ gìn môi trường không còn là khẩu hiệu mà đã trở thành hành động cụ thể, gắn chặt với đời sống tín ngưỡng và văn hoá cộng đồng.

Ngoài ra, cộng đồng Chăm cũng tự nguyện đóng góp hơn 10 triệu đồng để thắp sáng 3 tuyến đường trong khu dân cư ấp Tân Trung A, thể hiện tinh thần tự lực, tự cường và đoàn kết của cộng đồng. 

Mỹ Lệ