
Tel Aviv đã phát động chiến dịch quân sự chống lại Iran vào ngày 13/6, dẫn đến việc Tehran trả đũa bằng cách phóng tên lửa vào lãnh thổ Israel. Hải quân Mỹ đã điều động 5 tàu khu trục lớp Arleigh Burke vào Đông Địa Trung Hải để hỗ trợ nếu cần. Các tàu khu trục của Mỹ gồm USS Thomas Hudner, USS Arleigh Burke, USS The Sullivans, USS Oscar Austin và USS Paul Ignatius được trang bị các tên lửa đánh chặn tiên tiến nhằm bắn hạ tên lửa đạn đạo của đối phương.
Giới chức Mỹ từng cho biết các tàu chiến nước này đã hỗ trợ phòng không cho Israel, nhưng không nói rõ liệu chúng đã bắn hạ vũ khí nào của Iran hay chưa.
Theo Business Insider, tới ngày 29/6, Hải quân Mỹ lần đầu tiên mới tiết lộ, các tàu khu trục của lực lượng này đã đánh chặn "nhiều" tên lửa đạn đạo của Iran kể từ ngày 14/6. Tuy nhiên, Hải quân Mỹ không nói rõ các tàu khu trục đã sử dụng loại tên lửa đánh chặn nào để thực hiện nhiệm vụ đó.

Thông tin trên được công bố sau khi ban lãnh đạo Hải quân Mỹ bày tỏ quan ngại về mức độ tiêu hao “đáng báo động” của một trong những tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo hàng đầu Standard Missile-3 (SM-3). Các tàu chiến Mỹ đã bắn tên lửa đánh chặn SM-3 để bảo vệ Israel khỏi đòn tấn công bằng tên lửa quy mô lớn của Iran vào tháng 4 và tháng 10/2024.
Theo Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ, SM-3 được sản xuất theo nhiều biến thể và giá dao động từ 10 – 30 triệu USD/quả. Tên lửa SM-3 là một thành phần quan trọng trong Hệ thống chiến đấu Aegis của Hải quân Mỹ, được trang bị trên các tàu khu trục lớp Arleigh Burke và tàu tuần dương lớp Ticonderoga.
Trên thực tế, SM-3 không phải là tên lửa đánh chặn duy nhất đang được Hải quân Mỹ sử dụng ở Trung Đông. Các chiến hạm Mỹ từng bắn hàng trăm tên lửa SM-2 và SM-6 để chống lại những vụ tập kích của nhóm vũ trang Houthi được Iran hậu thuẫn ở Yemen.
Các nhà hoạch định quân sự Mỹ nhấn mạnh, một trong những thách thức trong cuộc xung đột ở Biển Đỏ là Mỹ buộc phải sử dụng các tên lửa đánh chặn đắt tiền để đánh bại loạt máy bay không người lái (UAV) giá rẻ của Houthi.