Thực hiện nhiệm vụ bảo tồn tiếng Việt, trong hai ngày 21 và 22/6/2025, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Khỏn Kèn (Thái Lan) phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức Khoá tập huấn bồi dưỡng, nâng cao năng lực dạy học tiếng Việt lần đầu tiên cho giáo viên kiều bào tại Đông Bắc Thái Lan theo hình thức trực tuyến. 

Khoá tập huấn thu hút hơn 80 giáo viên kiều bào tại Đông Bắc Thái Lan - nơi hiện có hơn 100.000 bà con người Việt sinh sống, cùng nhiều chuyên gia giáo dục trong nước, các nhà quản lý văn hóa – ngôn ngữ và đại diện hội đoàn người Việt tại Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc. 

W-74d6753b 56d9 4328 8542 c5d089cdd31e.jpg
Tiếng Việt tiếp tục được nuôi dưỡng trong thế hệ trẻ kiều bào.

Khai giảng khóa tập huấn, Tổng Lãnh sự Đinh Hoàng Linh nhấn mạnh, tiếng nói là tài sản thiêng liêng của dân tộc. Nếu văn hoá là ánh sáng soi đường thì tiếng Việt chính là ngọn lửa thắp sáng tinh thần yêu nước, gắn kết kiều bào với quê hương, với cội nguồn văn hoá Việt Nam.

Ông nhắc lại dấu mốc lịch sử gần 100 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở lớp dạy tiếng Việt cho kiều bào ta lần đầu tiên tại Udon Thani. Từ đó đến nay, nhiều thế hệ người Việt ở Thái Lan đã gìn giữ và truyền lại tiếng Việt như "ngọn lửa thiêng" thắp sáng lòng yêu nước nồng nàn cho các thế hệ sau…

Chương trình tập huấn đã giới thiệu và hướng dẫn sử dụng hệ sinh thái tài liệu tiếng Việt phong phú, hiện đại và miễn phí phục vụ cộng đồng, bao gồm: Hệ thống sách giáo khoa điện tử dễ truy cập, thuận tiện sử dụng tại cổng truy cập do nhà xuất bản cung cấp; các chương trình truyền hình như “Chào tiếng Việt” và “Tiếng Việt diệu kỳ”, đang được phát sóng trên VTV4. 

Các bài giảng trong khoá bồi dưỡng được thực hiện bởi đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm. Không chỉ cung cấp kiến thức chuyên môn như ngữ âm học, cảm thụ văn học dân gian, chương trình còn giúp giáo viên kiều bào tự tin hơn trong việc tổ chức lớp học, kết nối với học sinh, đặc biệt là thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. 

Trong 2 ngày, học viên được trao đổi trực tiếp, thực hành tại chỗ và kết nối mạng lưới hỗ trợ chuyên môn sau khi khoá tập huấn kết thúc. Nhiều giáo viên kiều bào xúc động chia sẻ, đây là một dịp quý báu để các giáo viên vừa được tiếp thêm lửa, vừa được trang bị kiến thức chuyên sâu mà trước đây chưa từng có cơ hội tiếp cận.

Sự chuẩn bị công phu của Nhà xuất bản Giáo dục được các chuyên gia đánh giá cao, đặc biệt là việc tích hợp các công cụ hiện đại như sách giáo khoa điện tử và chương trình truyền hình dạy tiếng Việt. Đây là hướng đi đúng, vừa tiếp cận công nghệ, vừa giữ được bản sắc văn hoá dân tộc giúp lan truyền ngọn lửa tiếng Việt cho các thế hệ trẻ kiều bào, dù sinh ra ở nước ngoài, luôn gắn bó với nguồn cội dân tộc. Qua đó, tiếng Việt sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng trong thế hệ trẻ kiều bào, không chỉ như một ngôn ngữ, mà còn như một phần của bản sắc và lòng tự hào dân tộc.

Những năm qua, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tích cực tham gia triển khai Đề án “Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2030” thông qua công tác phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao tặng các “Tủ sách tiếng Việt” cho nhiều cộng đồng kiều bào trên thế giới.

Đồng thời, góp phần xây dựng không gian văn hoá học và đọc tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đóng góp hiệu quả vào việc cổ vũ, khuyến khích bà con ở xa Tổ quốc học tập và sử dụng tiếng Việt, thể hiện sinh động tấm lòng vì cộng đồng người Việt Nam ở xa Tổ quốc.