Nắm bắt kịp thời xu hướng, thị hiếu tiêu dùng, tận dụng tối đa cơ hội thị trường cùng với nền tảng quản trị tốt ... là những yếu tố quan trọng giúp công ty Kinh Đô miền Bắc liên tục tăng trưởng trong khủng hoảng.

Giữ vững tốc độ tăng trưởng 30 - 40%/năm

Những khó khăn của nền kinh tế kể từ đợt khủng hoảng 2007 khiến rất nhiều công ty thua lỗ, phải giải thể hoặc kinh doanh cầm cự. Tuy nhiên, công ty Kinh Đô miền Bắc vẫn giữ vững được tốc độ tăng trưởng đều 30 - 40%/năm và mở rộng được thị phần.

Ông Trần Quốc Việt, Tổng Giám đốc công ty Kinh Đô miền Bắc.
Phía sau ông là biểu đồ tăng trưởng đều đặn của Kinh Đô từ 2001 - 2011

“Trong khi các đối thủ cạnh tranh của Kinh Đô cho rằng khủng hoảng là một giai đoạn trầm lắng tất yếu, thị trường đang xuống, nhu cầu đang giảm thì Kinh Đô lại xác định rằng đây là một cơ hội tốt để phát triển thị trường và gia tăng thị phần. Vì vậy cần phải có những giải pháp pháp phù hợp để có thể giải được bài toán này ông Trần Quốc Việt, Tổng Giám đốc công ty Kinh Đô miền Bắc cho biết.

Xác định khủng hoảng là một cơ hội để phát triển, thời điểm đó, Ban lãnh đạo Kinh Đô miền Bắc đã đồng thời triển khai 3 giải pháp:

Thứ nhất là giải pháp thâm nhập sâu (Penetration): Đội ngũ kinh doanh của Kinh Đô được đầu tư nhiều hơn, dồn sức để thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường. Những cơ hội nào có thể bán được hàng cho dù là nhỏ cũng phải khai thác triệt để.

Thứ hai là giải pháp tập trung (Focus): Trong khủng hoảng, Kinh Đô tập trung vào những mặt hàng, ngành hàng có doanh thu cao và có thể tạo ra lợi nhuận ngay lập tức. Tập trung vào những dự án tạo ra ngay doanh số trong thời điểm đó và chỉ tập trung vào những lĩnh vực cần thiết.

Các giải pháp quản trị tiên tiến giúp Kinh Đô khắc phục được những hạn chế và liên tục phát triển
Thứ ba là giải pháp quản trị (Management): Thời kỳ khủng hoảng cũng là cơ hội tốt để Kinh Đô nhận ra được những hạn chế của mình. Từ đó chú trọng đổi mới công tác quản trị, rà soát, tinh giảm các mặt hoạt động của công ty. Đầu tư các hệ thống quản trị tiên tiến như ISO 9001: 2008; hệ thống kiểm soát mối nguy HACCP và sắp tới là hệ thống ISO 22.000, và các công cụ quản lý 5S trong sản xuất và hoạt động của Công ty.

Kể từ khủng hoảng kinh tế năm 2007, doanh thu của công ty vẫn đảm bảo tăng trưởng 30 - 40%, số lượng nhân công tăng và lợi nhuận cũng tăng đều. Đặc biệt, trong năm 2011 mặc dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng công ty vẫn đạt mức tăng trưởng khá cao, doanh thu dự kiến đạt 1.300 tỷ đồng (tăng 30%), lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 150 tỷ đồng (tăng 50% so với cùng kì năm trước). Kết quả này cho thấy công ty đã có chiến lược khá bài bản và vững chắc.

Xây nền móng vững chắc từ thị trường

Theo ông Trần Quốc Việt, việc giữ được tăng trưởng đều cả về doanh số và lợi nhuận trong khủng hoảng của Kinh Đô miền Bắc còn là nhờ nền móng vững chắc mà công ty tạo dựng được từ những ngày đầu mở rộng thị trường ra phía Bắc

Sau 3 năm phát triển tại thị trường phía Nam (từ 1992 đến 1995), ban lãnh đạo công ty Kinh Đô xác định phải phát triển ra thị trường phía Bắc để đảm bảo mở rộng thị trường nội địa cũng như giữ vững thị phần của Kinh Đô ở phía Nam. Với Kinh Đô, Công ty đã có gần 6 năm (1995 đến 2001) để chuẩn bị một cách kỹ lưỡng để mở rộng ra thị trường phía Bắc, bước đầu tìm đến các chợ đầu mối bánh kẹo để tìm hiểu thị trường và đặt vấn đề hợp tác mở đại lý. Nhưng bài toán đặt ra, làm thế nào để phát triển thị trường phía Bắc. Lúc đó, đã có khá nhiều công ty phía Nam Bắc tiến và Kinh Đô có thể học hỏi các bài học kinh nghiệm từ họ. Đồng thời đây cũng là giai đoạn các tỉnh phía Bắc “trải thảm đỏ” đón nhà đầu tư.

Xác định khó khăn lớn nhất khi Bắc tiến là làm sao chinh phục được người tiêu dùng và chiếm lĩnh thị phần, công ty quyết định đưa sản phẩm ra trước, chấp nhận chịu chi phí vận chuyển. Các sản phẩm ưu tú nhất của Kinh Đô thời điểm đó (như Snack, Cookies, Bánh mì tươi…) cùng đội ngũ kinh doanh phát triển thị trường đã thực hiện hành trình từ Nam ra Bắc để chinh phục miền đất mới. Thời điểm đó, có những lúc cao vụ công ty công ty phải vận chuyển hang từ miền nam ra bẳng đường hàng không để đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng phía Bắc.

Dây chuyền sản xuất Cup Cake hiện đại của Kinh Đô
Khi thị trường đã ổn định với hệ thống phân phối vững chắc, Kinh Đô mới quyết định xây dựng nhà máy tại Hưng Yên năm 2001. Một mặt công ty tiếp tục tăng cường phát triển các chủng loại bánh, mặt khác bắt đầu nghiên cứu nhu cầu thị trường để sản xuất ra các sản phẩm phù hợp thị hiếu tiêu dùng miền Bắc.

Trong vòng 10 năm, nhà máy của Kinh Đô đã liên tục mở rộng quy mô, từ ban đầu chỉ sử dụng 1 hecta đến dùng hết 2,3 hecta của quy hoạch ban đầu và tăng lên đến 17 hecta như hiện nay. Ngoài ra, Kinh Đô cũng liên tục đầu tư thêm các dây chuyền sản xuất hiện đại nhập khẩu từ Italia, Đức, Đan mạch…tiếp tục nghiên cứu để mang đến thị trường những hương vị bánh kẹo độc đáo, mang tính địa phương cao. Hiện có thể nói Kinh Đô đang sở hữu hệ thống dây chuyền sản xuất thuộc hạng hiện đại nhất Đông Nam Á.

“Chiến lược công ty đưa ra là phát triển mạnh tại thị trường miền Bắc. Vì vậy, các bước xâm nhập và chinh phục thị trường được xây dựng rất bài bản. Từ việc đầu tư xây dựng thị trường trước sau đó mới xây dựng nhà máy, nghiên cứu phát triển sản phẩm phù hợp với thị trường, … đều là những bước đi chắc chắn và tạo đà cho bước phát triển sau này”, ông Việt cho biết.

Trong vòng 10 năm tiếp theo, Kinh Đô miền Bắc đặt mục tiêu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và vững chắc từ 20 - 30%/năm. Đến năm 2020, doanh thu dự kiến đạt hơn 7.000 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 750 tỷ đồng.

Các con số ấn tượng của Kinh Đô miền Bắc sau 10 năm hoạt động:
Doanh thu: 5.600 tỷ đồng
Lợi nhuận sau thuế: 600 tỷ đồng
Nộp ngân sách nhà nước trong 10 năm: 305 tỷ đồng
Vốn điều lệ: tăng từ 10 tỷ (2001) lên 150 tỷ (2011)
Hoạt động từ thiện, tài trợ: 7,650 tỷ đồng

  • Huyền My