Định hình thương hiệu “Du lịch biển Bà Rịa - Vũng Tàu”

Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ở vị trí cửa ngõ ra biển Đông của khu vực miền Đông Nam Bộ, Bà Rịa-Vũng Tàu thuận tiện kết nối với các địa phương khác bằng đường bộ, đường không, đường thủy. Đây là địa phương có bờ biển dài với các bãi cát thoai thoải và sạch đẹp, nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch.

Vung Tau anh 1   b10.jpg
Bãi Sau (Vũng Tàu) rợp sắc diều trong dịp lễ 30/4 vừa qua. Ảnh: Kim Vinh

Ngoài những di tích lịch sử, văn hóa và lễ hội đặc sắc, Bà Rịa - Vũng Tàu còn được thiên nhiên ưu đãi với khoảng 306km bờ biển, trong đó khoảng 156 km có thể dùng làm bãi tắm. Bà Rịa-Vũng Tàu còn có hệ thống núi Dinh, núi Minh Đạm có thể khai thác du lịch; có Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu với hệ động - thực vật phong phú và suối khoáng nóng tự nhiên. Bên cạnh đó, cùng với hệ thống 16 đảo lớn, nhỏ hoang sơ và cảnh quan xinh đẹp, huyện đảo Côn Đảo còn khá nổi tiếng khi được biết đến vừa là một di tích lịch sử cách mạng, vừa là khu bảo tồn thiên nhiên rừng-biển, một trong những khu Ramsar được thế giới công nhận. 

Chính vì thế, nơi đây hội tụ đầy đủ tiềm năng để phát triển thành khu du lịch quốc gia chất lượng cao, nhưng vẫn giữ vẻ hoang sơ đặc trưng. 

Năm 2025, du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu kỳ vọng đón gần 44 triệu lượt khách, trong đó khách lưu trú đạt 9 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 31 ngàn tỷ.

Đến năm 2030, du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến đón gần 65 triệu lượt khách, trong đó khoảng 17 triệu lượt khách lưu trú. Tổng doanh thu từ du lịch đạt gần 102.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026 - 2030 được đặt ở mức 13 - 14%/năm đối với khách quốc tế và 12 - 14%/năm đối với khách nội địa có lưu trú. Cơ sở lưu trú sẽ tăng lên 58.000 phòng, trong đó có nhiều khách sạn 4-5 sao và tổ hợp giải trí đẳng cấp quốc tế như sân golf, casino, bến du thuyền.

Đặc biệt, tỉnh sẽ tập trung phát triển các loại hình du lịch mang tính đặc trưng, bao gồm du lịch nghỉ dưỡng biển - đảo, du lịch MICE, du lịch sinh thái, văn hóa và di tích lịch sử. 

Vung Tau A02   b10.jpg
Tuyến đường ven biển Vũng Tàu-Bình Thuận ĐT994 đi qua khu vực Hồ Tràm, huyện Xuyện Mộc. Ảnh: Trà Ngân

Trong tầm nhìn xa, hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch tại Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ được đầu tư theo tiêu chuẩn quốc tế, nâng tổng doanh thu du lịch, thời gian lưu trú, mức chi tiêu bình quân của du khách lên gấp đôi so với năm 2030. Bên cạnh đó, tỉnh hướng đến phát triển hệ sinh thái du lịch bền vững, hiện đại, ứng dụng công nghệ số, gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa và môi trường. Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ không chỉ là một điểm đến du lịch, mà còn là trung tâm trải nghiệm đa dạng, đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.

Nhằm hiện thực hóa chiến lược này, tỉnh tập trung xây dựng hệ thống giá trị văn hóa du lịch, bảo tồn và phát huy các di sản, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội. Việc chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch cũng được đẩy mạnh để tối ưu hóa trải nghiệm du khách. Ngoài ra, tỉnh chú trọng phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao tại các cụm du lịch trọng điểm, đặc biệt là tại các khu du lịch quốc gia và đô thị du lịch Vũng Tàu. Những khu dịch vụ vui chơi, giải trí quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế sẽ được xây dựng nhằm thu hút khách du lịch. 

Khai thác tối đa tiềm năng từ du lịch tàu biển

Bà Rịa - Vũng Tàu có lợi thế là cụm cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải phù hợp cho các tàu lớn cập sát chân cảng. Hệ thống đường bộ kết nối từ cảng đến quốc lộ và các điểm tham quan nội tỉnh giúp du khách di chuyển thuận tiện, nhanh chóng. 

Nhờ đó, mấy năm gần đây, cảng liên tục đón các siêu tàu du lịch biển quốc tế mang theo hàng nghìn lượt khách từ nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ, châu Á... 

Chuyến tàu đầu tiên của năm - Norwegian Spirit cập cảng từ Brunei, đưa khoảng 2.000 du khách đến Bà Rịa - Vũng Tàu trước khi tiếp tục hành trình đến Nha Trang. 

Vung Tau A03.jpg
Tàu biển quốc tế Spectrum of the Seas chở hơn 4.000 du khách đa quốc tịch đã cập cảng Tân Cảng-Cái Mép, thị xã Phú Mỹ

Ngày 30/4/2025, tàu Mein Schiff 6 sẽ là chuyến tàu thứ 31 trong năm, đưa thêm 2.000 du khách từ cảng Chân Mây đến tỉnh, trước khi rời đi đến điểm đến tiếp theo. Mỗi chuyến tàu cập cảng mang theo từ 1.800 - 4.000 du khách, mở ra cơ hội lớn cho ngành du lịch địa phương. 

Con số này dự kiến sẽ tăng mạnh trong năm 2025, góp phần thúc đẩy tiêu dùng, phát triển các ngành dịch vụ, thương mại và du lịch địa phương.

Nhằm khai thác tối đa tiềm năng từ du lịch tàu biển, ngành du lịch tiếp tục duy trì kết nối chặt chẽ với các hãng tàu, đơn vị lữ hành và cảng biển, đảm bảo quy trình đón tiếp an toàn, chuyên nghiệp. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh quảng bá 48 di tích, danh thắng được xếp hạng cùng các làng nghề truyền thống đặc trưng thông qua nhiều tour chuyên biệt như: Tour ven biển Vũng Tàu, tour nội thành Vũng Tàu, tour liên tuyến Phú Mỹ - Bà Rịa - Long Điền, tour liên tuyến Bà Rịa - Đất Đỏ, tour mua sắm tại Bà Rịa, tour trải nghiệm đồng quê, nông thôn.

Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) mới đây đưa ra phân tích, du lịch tàu biển có giá trị doanh thu cao hơn khoảng 40% so với du lịch đường hàng không hay đường bộ. Đây cũng là lý do khiến du lịch tàu biển được tỉnh quan tâm và khai thác triệt để.

Phú Mỹ