![]() |
Người dùng có thể điều khiển bộ ổn nhiệt Nest qua ứng dụng smartphone hoặc qua internet. |
PassivEnergy kiểm soát năng lượng gia đình thông minh
Đối với những người thường xuyên vắng nhà trong thời gian dài, cơn ác mộng khi trở về nhà chính là đường ống dẫn ga có thể bị nổ bất cứ lúc nào. Điều này có thể thay đổi khi tham gia thử nghiệm hệ thống năng lượng gia đình thông minh có tên gọi PassiveEnergy. Hệ thống cho phép người dùng điều khiển các thiết bị năng lượng ở nhà từ xa, ví dụ như hệ thống sưởi hay bộ điều nhiệt ngay trên màn hình cảm ứng lắp đặt tại nhà, hay qua mạng hoặc từ ứng dụng ngay trên điện thoại thông minh. Nguyên tắc hoạt động khá đơn giản: ban đầu cài đặt chế độ cơ bản, sau đó hệ thống tự động “học” thời gian ngôi nhà cần sưởi ấm hoặc làm mát, khi nào chủ nhân cần nước nóng… và hành động phù hợp.
Colin Calder - người sáng lập công ty PassivSystems (Anh) cho hay, nền tảng được thiết kế với giao diện đơn giản, giúp quản lí mọi nhu cầu năng lượng bao gồm máy điều hòa nhiệt độ, tấm năng lượng mặt trời và máy bơm nhiệt. Công ty thành lập năm 2008 khi Calder đang xây ngôi nhà “zero carbon” (lượng phát thải carbon bằng không). Theo ông, nếu Hiệp ước Kyoto thực sự hướng chúng ta tới các ngôi nhà “zero carbon”, làm thế nào để chúng ta quản lí những ngôi nhà này hiệu quả trong khi sử dụng quá nhiều hệ thống khác nhau và không được tích hợp. “Nếu bạn không tìm ra giải pháp trên thị trường, hãy sáng tạo nó”, Calder chia sẻ.
Ý tưởng tạo ra ứng dụng PassivEnergy trên iPhone giúp kiểm soát nhiệt độ ngôi nhà khi đang trên đường xuất phát từ việc hầu hết mỗi người đều có thiết bị di động và mong muốn điều khiển mọi thứ từ điện thoại, trong khi 47% những người này đều không biết chút gì về phương thức hoạt động của máy sưởi. Ứng dụng PassivEnergy sẽ gửi dữ liệu 10 phút mỗi lần tới máy chủ đám mây công ty để các chuyên gia tính toán và cân bằng nguồn điện. Một số ý kiến cho rằng nếu dữ liệu được lưu trữ trên hệ thống như đám mây sẽ cho phép tin tặc xâm nhập khi chủ nhà vắng mặt, tạo ra các lỗ hổng cho bọn trộm mò vào. Tuy nhiên, Calder đảm bảo dữ liệu được mã hóa đầy đủ và không thể tiếp cận. Hơn nữa, hệ thống giúp chủ nhà cắt giảm được tới 23% hóa đơn tiền điện hàng tháng.
Bộ ổn nhiệt Nest
Colin Calder không đơn độc trong “mặt trận” khai các thiết bị tiêu dùng, điện toán đám mây và Internet để sáng tạo ra những sản phẩm năng lượng thông minh. Phía bên kia Đại Tây Dương, nhà thiết kế iPod – Tony Fadell cũng tìm thấy động lực khi đang thiết kế ngôi nhà xanh thân thiện môi trường tại hồ Tahoe (Mỹ). Công nghệ đang tiến về phía trước và tiết kiệm năng lượng ngày càng trở nên quan trọng. Trong khi đó, một thiết bị có khả năng kiểm soát 50% năng lượng cho gia đình lại không hề đổi mới và mắc kẹt trong những năm 1980. Đó là lí do ông tạo ra bộ ổn nhiệt Nest thân thiện với người dùng, khiến mọi người đều mong sở hữu Nest trong ngôi nhà của mình. Sau vài cài đặt ban đầu, Nest sẽ học cách bạn làm ấm hoặc làm mát ngôi nhà trong khoảng một tuần. Nest ghi nhớ thói quen của hộ gia đình, hướng dẫn quản lí năng lượng tốt hơn và vô cùng có ích khi nhà vắng chủ. Người dùng có thể truy cập Nest trực tuyến hoặc thông qua ứng dụng smartphone. Trung bình, Nest tiết kiệm cho gia đình từ 15% đến 25% hóa đơn tiền điện. Dự định của Fadell là tạo ra Nest có thời gian sử dụng lâu dài, từ 10 năm tới 15 năm và chỉ thay đổi phần mềm bên trong để Nest thông minh hơn theo thời gian. Nest cũng được mã hóa để ngăn chặn xâm nhập và chỉ dựa vào đám mây để cập nhật và phân tích dữ liệu.
Theo ông Tadj Oreszczyn, Giáo sư năng lượng và môi trường kiêm Giám đốc Học viện năng lượng trường Đại học London (UCL), khai thác công nghệ tiêu dùng dựa trên đám mây có thể hướng tới hành vi điều hòa năng lượng tốt hơn. Ông cho rằng điều tuyệt vời nhất đối với các sản phẩm hiện tại chính là “một số người rất thông minh đang bắt đầu suy nghĩ về điều này vô cùng nghiêm túc”. Cải thiện hiệu quả năng lượng không chỉ dựa vào các nhà cung cấp mà còn trông cậy vào cách sử dụng điện năng trong các tòa nhà.
Theo BBC
Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 150 ra ngày 16/12/2011.