Ở các trường đại học tại Singapore, sinh viên đang chạy đua giành lấy một chỗ trong các câu lạc bộ tài chính - nơi được xem là “bàn đạp” để bước chân vào ngành ngân hàng danh giá sau này. Để được lựa chọn, họ phải trải qua nhiều vòng phỏng vấn kéo dài và làm việc căng thẳng hàng giờ với các bản trình chiếu.

“Mức độ cạnh tranh quá khủng khiếp”, Maya - một cựu sinh viên ngành khoa học xã hội của Đại học Quốc gia Singapore (NUS), hiện làm việc tại một công ty thanh toán toàn cầu, chia sẻ. Dù vậy, cô vẫn cho rằng tất cả áp lực đó đều đáng giá.

“Nếu không có câu lạc bộ ấy, tôi sẽ không thể thuyết phục được nhà tuyển dụng khi họ có cả ngàn ứng viên để lựa chọn”, cô nói.

sinh vien.jpg
Thị trường việc làm ảm đạm tại trung tâm ngân hàng, tài chính khiến cuộc cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn đối với sinh viên ngành tài chính. Ảnh: The Straits Times

Cạnh tranh gay gắt là điều dễ hiểu trong bối cảnh ngành tài chính tại Singapore đang cắt giảm tuyển dụng. Các câu lạc bộ tài chính vì thế trở thành một dòng quan trọng trong hồ sơ xin việc của sinh viên, bên cạnh điểm số, các khóa học tăng cường và chuỗi thực tập liên tục.

Theo thống kê, số lượng sinh viên tốt nghiệp các ngành kinh doanh và quản trị tại Singapore liên tục tăng trong suốt một thập kỷ qua, vượt mốc 3.500 người vào năm 2023. Mặc dù 84% sinh viên ngành này tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp năm ngoái, tỷ lệ đó vẫn thấp hơn so với hai năm trước.

Những rủi ro từ chiến tranh thương mại, thị trường tài chính biến động và sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo đang khiến triển vọng nghề nghiệp trong ngành ngân hàng càng thêm bất ổn - đặc biệt tại Singapore, nơi ngành tài chính được xem là con đường rõ ràng nhất dẫn tới thành công cho giới trẻ.

Theo SCMP, các ngân hàng lớn tại Singapore như Citigroup khẳng định rằng họ đánh giá ứng viên dựa trên nhiều tiêu chí. Tuy nhiên, ông Ernest Phang, Giám đốc Nhân sự của Ngân hàng OCBC (Ngân hàng Hoa kiều Singapore) - cho biết việc tham gia các câu lạc bộ tài chính có thể là “chỉ dấu quan trọng” phản ánh năng lực, tinh thần lãnh đạo và cam kết của ứng viên.

Đường vào đầy thử thách

Rachel Ng - hiện là chuyên viên môi giới tại một ngân hàng đầu tư - cho biết cô từng nộp đơn vào các nhóm tư vấn và đầu tư ngay từ năm nhất đại học vì lo lắng sẽ không kiếm được vị trí thực tập tốt.

“Bạn cùng khóa của tôi đã bắt đầu đi thực tập ở các ngân hàng danh tiếng nhờ tham gia cuộc thi tình huống và có quan hệ từ các câu lạc bộ. Tôi nhận ra rằng nếu muốn được như họ, tôi cũng phải tham gia câu lạc bộ", Rachel, 23 tuổi, nhớ lại.

Tuy nhiên, được vào đã khó, duy trì vị trí trong câu lạc bộ còn khó hơn.

Tại Đại học Quản lý Singapore (SMU), Quỹ đầu tư do sinh viên quản lý chỉ nhận khoảng 20 thành viên mỗi năm từ hơn 200 đơn đăng ký - tức tỷ lệ trúng tuyển chỉ khoảng 10%. Ứng viên phải trình bày bài phân tích tài chính, thuyết trình về một mã cổ phiếu và tham gia “coffee chat” để kiểm tra “cảm nhận” từ ban điều hành.

Một khi đã được nhận, lịch làm việc của các thành viên dày đặc với những buổi họp kéo dài 3-8 tiếng mỗi cuối tuần. Họ được đào tạo xây dựng mô hình tài chính, thiết kế bản trình bày và học hỏi từ cựu sinh viên thành công.

Câu lạc bộ này lấy cảm hứng từ các quỹ sinh viên nổi tiếng tại nước ngoài, như Black Diamond Capital Investors của Đại học Harvard - được đánh giá là một trong những quỹ dự phòng do sinh viên điều hành thành công nhất tại Mỹ.

Năm nay, thành viên của quỹ tại SMU còn được “tiếp lửa” khi các cựu sinh viên đóng góp 130.000 đôla Singapore (gần 2,9 tỷ đồng) để đầu tư vào các ý tưởng tốt nhất do hội đồng (gồm giảng viên và cựu thành viên) lựa chọn. 

Hy sinh tuổi trẻ để gây ấn tượng

Dylan Liew, người sáng lập câu lạc bộ tư vấn sinh viên tại NUS vào năm 2018 sau thời gian du học tại Mỹ, hiện đã tốt nghiệp và làm việc trong lĩnh vực tư vấn. Anh cho biết từng xây dựng một đội hơn 60 sinh viên cung cấp dịch vụ tư vấn cho các tổ chức.

“Câu lạc bộ chính là một câu chuyện hay để kể với nhà tuyển dụng. Họ thấy rằng tôi từng sáng lập một tổ chức và như thế là đủ để tin rằng tôi có năng lực xử lý công việc”, anh nói.

Tuy nhiên, áp lực cũng không hề nhỏ. Maya kể rằng trong thời gian tham gia câu lạc bộ tư vấn, cô thường trải qua những ngày “cắm trại” liên tục 12 giờ trong phòng Zoom để chỉnh sửa slide trước buổi làm việc với khách hàng. Khi đi học trao đổi tại châu Âu, cô cũng phải thường xuyên thức xuyên nửa đêm để họp với khách hàng do lệch múi giờ tới 7 giờ.

“Lẽ ra tôi phải được tận hưởng kỳ học trao đổi, nhưng tuần nào cũng cảm giác như đang chịu cực hình vì lo không kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp”, Maya, 24 tuổi, chia sẻ. 

Dù căng thẳng như vậy, nhu cầu gia nhập các câu lạc bộ tài chính này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

“Thật đáng tiếc, nhưng hiện nay có quá nhiều sinh viên có điểm GPA rất cao, học trường tốt. Vậy thì bạn cần phải có thứ gì đó để tạo sự khác biệt. Nếu tham gia câu lạc bộ khiến bạn tự tin hơn khi phỏng vấn, thì tại sao không?”, bà Bethan Howell, Giám đốc tuyển dụng của công ty Selby Jennings tại Hồng Kông, đưa ý kiến.

Hàng loạt tiến sĩ mới ra trường thất nghiệp
HÀN QUỐC - Người trẻ sở hữu tấm bằng tiến sĩ ngày càng đối mặt với những thách thức lớn từ nền kinh tế, khi theo số liệu mới công bố, gần 3/10 số tiến sĩ không thể tìm được việc làm.