VietNamNet trân trọng giới thiệu những chia sẻ của Luật sư Nguyễn Xuân Bình, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ.
Ngày 12/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13. Tại hội nghị này, Trung ương đã thông qua phương án sáp nhập một số tỉnh, trong đó có Hải Dương và TP Hải Phòng. Đơn vị hành chính mới sau sáp nhập mang tên TP Hải Phòng.
Một sự "trở về", quy tụ nhiều giá trị cốt lõi để phát triển xa hơn
Là người từng nhiều năm gắn bó với công tác lãnh đạo tại TP Hải Phòng, tôi cho rằng chủ trương sáp nhập tỉnh Hải Dương với TP Hải Phòng là một quyết định mang tính lịch sử, tạo ra thế và lực phát triển mới, với không gian rộng lớn hơn, tầm nhìn xa hơn, trên nền tảng giá trị văn hóa - lịch sử lâu đời của vùng đất và con người nơi đây.
Nhìn lại suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, mảnh đất và con người Hải Dương và Hải Phòng vốn có chung những giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa đậm đặc, được gìn giữ lâu đời. Năm 1887, Hải Phòng được thành lập, trong đó có một phần từ Hải Dương.

Mảnh đất Hải Phòng, qua quá trình hình thành và phát triển, đã tự tạo thêm những giá trị lịch sử - văn hóa mới. Đặc biệt, nơi đây hình thành một đô thị gắn với công nghiệp và cảng biển, làm phong phú và sâu sắc thêm các giá trị truyền thống vốn có.
Vì vậy, theo tôi, việc sáp nhập tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng lần này, xét về góc độ lịch sử, chính là một sự "trở về", quy tụ nhiều giá trị cốt lõi để phát triển xa hơn, mạnh mẽ hơn.
Trong thời gian tới, các cơ quan có trách nhiệm của Trung ương và địa phương, các nhà quản lý và giới khoa học sẽ phải rà soát, đánh giá lại, từ đó hoạch định một không gian phát triển mới cho TP Hải Phòng sau sáp nhập.
Đương nhiên, cần khẳng định, đây không thể là một phép cộng giản đơn, cơ học giữa hai địa phương. Điều quan trọng là phải đánh giá cho đúng những lợi thế, tiềm năng, dư địa phát triển, những yếu tố hợp lý và tích cực trong các quy hoạch trước đây, để từ đó hoạch định, vẽ lại bản đồ phát triển với tầm nhìn cả trăm năm cho một trung tâm kinh tế - văn hóa lớn.
Giữ lại những giá trị tinh túy, mạnh dạn gác lại những gì đã lỗi thời
Sau sáp nhập, TP Hải Phòng mới, với hơn 4,6 triệu dân và diện tích gần 3.200 km2, có hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, sẽ có cơ hội bứt phá mạnh mẽ. Đặc biệt, thành phố sở hữu sân bay quốc tế, cảng nước sâu nằm trong top 20 cảng tốt nhất thế giới, mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa kết nối đa dạng, cùng lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Tất cả những yếu tố này cho phép chúng ta kỳ vọng và tin tưởng vào một tầm vóc kinh tế mới - với cả thế và lực mới - sau hợp nhất.
Hội tụ sẵn trong mình truyền thống văn hiến, sáng tạo, dám nghĩ xa và làm lớn, cùng lối sống công nghiệp và đô thị nơi đây, chắc chắn sẽ bổ sung và tạo xung lực phát triển mới, góp phần quan trọng kiến tạo một không gian phát triển rộng lớn cho vùng đất này.

Đành rằng, khi kiến tạo một tấm áo mới cho một cơ thể vạm vỡ hơn, cũng là lúc phải đánh giá xác đáng cái cũ, giữ lại những giá trị tinh túy, đồng thời mạnh dạn gác lại những gì đã lỗi thời.
Quá trình đó chắc chắn không đơn giản, đòi hỏi trách nhiệm, nghị lực và cả những “hy sinh” lợi ích nhất định, nhằm khắc phục những độ chênh, độ trễ trong phát triển kinh tế - xã hội, cũng như cơ chế, chính sách, bộ máy điều hành của mỗi địa phương trước đây.
Khi lãnh đạo hai địa phương về chung một mái nhà, cùng ngồi lại trong một ban thường vụ, điều cần làm là kiến tạo cái mới, bổ sung và nâng cao giá trị cốt lõi của mỗi địa phương, để tạo ra giá trị phổ quát cho TP Hải Phòng mới.

Dù đã nghỉ hưu, nhưng khi hay tin Hải Phòng và Hải Dương sáp nhập, trong tôi vẫn dâng lên cảm xúc rất đặc biệt. Tôi tin rằng, Hải Phòng mới sẽ là một chàng trai cường tráng, vững tay lái con thuyền vươn khơi, tạo dấu ấn mạnh mẽ ở khu vực và thế giới, trên cương vị là đô thị lớn thứ 3 của cả nước.


