Theo quan sát từ thực tiễn, sau 3 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA), đặc biệt khi Anh chính thức tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) kể từ ngày 15/12/2024, nhiều mặt hàng thủy sản của Việt Nam được đánh giá có lợi thế khi xuất khẩu sang thị trường tiềm năng này.

Với lợi thế về thuế quan từ Hiệp định UKVFTA, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã tạo lập được lập lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ thương mại khác như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Brazil… do các nhà cung cấp này chưa ký kết hiệp định thương mại tự do với UK. Trong đó, mặt hàng tôm cũng được hưởng lợi từ cam kết theo Hiệp định UKVFTA. 

Cụ thể, về cam kết thuế nhập khẩu ưu đãi, Hiệp định UKVFTA có cơ chế tiếp nối Hiệp định EVFTA, cho nên, cam kết thuế nhập khẩu hầu hết các loại tôm nguyên liệu vào Anh giảm từ 10-20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Để được hưởng mức thuế ưu đãi như trong Hiệp định UKVFTA đã cam kết, các sản phẩm thủy sản của Việt Nam phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ. 

Quy định về Quy tắc xuất xứ trong UKVFTA tương tự với EVFTA, với tiêu chí xuất xứ đối với thủy sản nguyên liệu và thủy sản chế biến trong UKVFTA là xuất xứ thuần túy. Điều này có nghĩa là thuỷ sản thô, sơ chế và thuỷ sản chế biến xuất khẩu của Việt Nam được coi là có xuất xứ theo Hiệp định UKVFTA khi nguyên liệu thuỷ sản dùng trong quá trình sản xuất có xuất xứ thuần tuý từ Việt Nam (được sinh ra hoặc nuôi dưỡng, đánh bắt và chế biến hoàn toàn tại Việt Nam), không được phép nhập khẩu từ nước thứ ba ngoài Hiệp định.

Không thể phủ nhận, thị trường Anh ngày càng quan trọng đối với mặt hàng thủy sản của Việt Nam, do nhu cầu nhập khẩu lớn từ thị trường này.

Hiện nay, Anh là thị trường đơn lẻ lớn thứ 6 về nhập khẩu tôm của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 5,5% trong tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam đi các thị trường. Tôm cũng là sản phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất (70%) trong tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Anh. Sản phẩm tôm xuất khẩu chính của Việt Nam sang Anh có thể kể đến như tôm chân trắng bóc vỏ, bỏ đuôi đông lạnh, tôm chân trắng PD đông lạnh, tôm chân trắng hấp, luộc đông lạnh, tôm chân trắng tươi, đông lạnh, tôm chân trắng tẩm bột xù…

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, năm 2024, xuất khẩu tôm sang Anh đạt hơn 212 triệu USD. Tháng 1/2025, XK tôm Việt Nam sang Anh đạt hơn 16 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này cho thấy xuất khẩu tôm đi Anh vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng của năm 2024.

Như vậy, với lợi thế về thuế quan từ 2 hiệp định thương mại tự do (FTA), tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các đối thủ thương mại khác như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Brazil,…