apple-recycling.jpg

>> Google là công ty công nghệ “xanh” nhất thế giới

Dù thủ phủ Apple tại Cupertino chỉ cách San Francisco vài dặm, các cơ quan của thành phố này sẽ không còn được mua sản phẩm của “quả táo” nữa. Theo thời báo phố Wall, 50 cơ quan của San Francisco không được phép thu mua sản phẩm Apple sau khi công ty đề nghị thu hồi 39 sản phẩm của mình ra khỏi chứng nhận của EPEAT, tổ chức thiết lập tiêu chuẩn đánh giá sản phẩm thân thiện môi trường.

Tiêu chuẩn của EPEAT yêu cầu sản phẩm phải dễ tháo lắp để người dùng có thể gỡ bỏ các linh kiện độc hại như pin. Trong khi đó, những thiết bị mới nhất của Apple không dễ tháo rời, vì thế không thể nhận chứng nhận “xanh” nữa. Ví dụ, mẫu MacBook Pro mới nhất “gần như không thể tháo rời” vì pin được gắn với vỏ máy và màn hình gắn liền với phần nắp máy.

Đồng thời, một chính sách có từ năm 2007 yêu cầu các đại lý San Francisco chỉ được mua desktop, laptop, màn hình có chứng nhận của EPEAT. Thực tế, thành phố không chi quá nhiều tiền cho sản phẩm của Apple. Năm 2010, San Francisco bỏ ra 45.579 USD cho thiết bị Apple, so với 3,8 triệu USD cho số desktop, laptop.

Đáp lại những chỉ trích vì rút khỏi EPEAT, Apple cho biết hãng sử dụng tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt để đánh giá sản phẩm, song nhiều tiêu chuẩn không được cơ quan đăng kí áp dụng. Theo Apple, mọi sản phẩm của hãng đều đáp ứng tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng khắt khe nhất của Chính phủ Mỹ là Energy Star 5.2.

Apple cũng có một khu vực riêng trên trang web để đăng các thông tin về môi trường như lượng độc tố đầu ra, khí thải carbon, và số lượng sản phẩm tái chế mỗi năm. Tuy nhiên, EPEAT lại tập trung vào tái chế phần cứng thay vì đo lượng độc tố và khí thải carbon. Tái chế là một vấn đề lớn trong thế giới máy tính, vì có nhiều linh kiện độc hại thường kết thúc trong các bãi chôn lấp.

Dù đã đưa ra câu trả lời, Apple vẫn không làm rõ nguyên nhân vì sao hãng đột ngột rút khỏi tiêu chuẩn EPEAT. Hiện Apple chưa có bình luận gì về thắc mắc này.

Theo Cnet/WSJ