- Tết năm nay đến cùng đợt Hà Nội lạnh kỷ lục. Rau củ, thịt cá đều đua nhau tăng vùn vụt. Các bà nội trợ ai nấy đều "méo mặt" vì bão giá, đau đầu tính làm sao cho thực đơn ngày Tết vừa tiết kiệm, vừa đầy đủ.

Đi chợ bằng bàn phím và chuột

Giá thực phẩm ngoài chợ mỗi ngày một tăng. Tại chợ Giáp Bát, cà chua hôm trước có giá 11 nghìn/kg, hôm sau chị Minh Hằng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) phát hoảng vì sau 1 đêm đã tăng lên đến 18 nghìn/kg. Nỗi lo thực phẩm tăng giá vì trời lạnh khiến chị Hằng mấy hôm nay lên cơ quan chỉ tập trung trao đổi với các chị em cùng phòng về chuyện lên thực đơn cho mùa Tết thế nào mà vừa không tốn kém lại vừa tiện lợi.

Nhiều chị em chọn giải pháp lên mạng sắm đồ ăn Tết

Chị Hằng cho biết, với thời tiết lạnh thế này, thật sự chị em cảm thấy rất khó khăn khi phải sờ tay vào nước lạnh, rồi đi chợ trong trời rét căm căm. Qua mấy chị em cùng phòng, chị quyết định chọn giải pháp an toàn và ít tốn kém hơn cả: Đó là lên mạng để mua đồ Tết.

Lướt qua một loạt các trang web về mua sắm hoặc diễn đàn cho các chị em, không khó khăn để thấy rằng, các thực phẩm Tết đang được bán rất sôi động, giá cả có phần còn mềm hơn tự đi chợ. Hoa lay ơn thời điểm này ở chợ giá khoảng 8.000đ/bông thì trên mạng có thể mua với giá 6.000đ/bông. Chả mực Hạ Long ở ngoài giá khoảng 200.000đ/kg thì ở trên mạng được chào bán với giá 180.000đ/kg. Gần như các mặt hàng đều rẻ hơn một giá so với giá ngoài chợ.

Những người bán hàng trên mạng cho rằng, do không tốn tiền thuê địa điểm nên giá rẻ hơn. Hơn nữa, chỉ cần một cú gọi điện thoại là hàng có thể giao tận nơi chứ không phải ra ngoài đường cho lạnh.

Nhiều chị em chọn giải pháp này để mua các mặt hàng thiết yếu cho ngày Tết như dưa cà, thịt lợn bản, bánh chưng, giò …

Càng những ngày gần Tết, trời Hà Nội không có dấu hiệu bớt lạnh thì chợ Tết online trên mạng càng sôi động hơn.

Trăm cách tiết kiệm cho thực đơn ngày Tết

Trời càng lạnh, thực phẩm càng tăng thì các bà nội trợ lại càng nghĩ ra nhiều cách để tiết kiệm tiền sắm Tết mùa bão giá.

Nhiều chị em cho rằng, năm nay trời lạnh nên rất ngại nấu nướng. Nickname Meong… trên một diễn đàn xã hội cho rằng: Tính cả tiền gas, tiền công, tiền dầu ăn … thì chi phí cho đồ ăn ngày Tết có khi còn lên cao hơn là mua trực tuyến trên mạng đồ ăn sẵn. Hơn thế, ngày Tết đã nhiều việc lại còn vất vả cơm nước, thò tay vào rửa rau, rửa bát ngày rét thế này còn khổ hơn. Chung suy nghĩ đó, nhiều bà nội trợ không ngần ngại ngồi văn phòng, lướt web xem đồ ăn rồi gọi điện, hẹn đến sát Tết thì chuyển thẳng về nhà.

Việc lựa chọn thực phẩm ngày Tết sao cho vừa tiết kiệm, vừa ngon miệng đang khiến các bà nội trợ đau đầu

Một số người lựa chọn giải pháp đi chợ sớm, đến các chợ đầu mối tích trữ dần rau củ quả có thể để lâu được như su su, cà rốt, khoai tây … để cất sẵn, tránh đến ngày 29, 30 dễ bị tăng giá.

Cách được nhiều chị em chọn nhất vẫn là đi chợ thực phẩm online. Chị Hương Anh (quận Ba Đình, Hà Nội), một khách hàng trung thành của chợ online phổ biến kinh nghiệm: “Cuối năm thế này, thay vì tất bật đi chợ mua sắm, mặc cả giữa trời lạnh thì chỉ cần click chuột, đặt hàng, cả gia đình sẽ có bữa ăn ngon. Chất lượng thực phẩm cũng tạm yên tâm vì mọi thông tin, phản hồi đều được cung cấp trên mạng”.

Một lí do khác khiến thực phẩm online thu hút nhiều bà nội trợ đó là các sản phẩm rất độc đáo và khó kiếm. Đa số các đồ ăn được rao bán trên internet đều là đặc sản truyền thống, đặc sản vùng miền, vừa tốn thời gian chế biến, vừa khó kiếm nhiên liệu. Lạp xưởng gác bếp, thịt chua Phú Thọ, lợn mường gác bếp… là những thứ không thể dễ dàng tìm thấy trong bất kì khu chợ hay siêu thị nào.

Các chị em khéo léo còn nghĩ ra cách mua các sản phẩm này về biếu bố mẹ 2 bên, sau đó ngày Tết chỉ ăn bữa tất niên ở nhà, còn lại thì cả nhà đi ăn 2 bên gia đình nội ngoại. Như vậy, vừa tiết kiệm được công nấu nướng, tiết kiệm nhiên liệu, cả nhà lại vui vẻ.

Thu Lý