Tác giả Trương Thanh Thùy vừa cho ra mắt 2 cuốn sách Thiên linh cái và Linh thú cùng tiểu thuyết 2030. Cả 2 cuốn sách đều in theo kiểu ngược đầu nhau, cũng là dụng ý của tác giả về sự ngược đời cả về hình thức lẫn nội dung. Đây cũng là 2 cuốn sách tác giả viết hoàn toàn theo lối phương Tây.
Với 2030, bắt đầu từ một nhân vật có cái tên Mỹ ở giữa bối cảnh những người da vàng xung quanh, Trương Thanh Thùy đã có thể giản đơn giải thích sự việc hợp lý dựa trên một lời nguyền của nhà tiên tri mù Vanga về ngày châu Âu sụp đổ năm 2016. Tác giả cũng hợp lý hóa cách đặt tên nhân vật nửa Tây – nửa Việt, một phong cách mà đa phần những tác giả đời đầu 8x không thích, không lưu tâm cho tác phẩm của mình một cách rất dễ chấp nhận – đó là sự cố gắng dung hòa giữa con người với con người bằng trái tim bao dung, cố tìm cách hòa hợp từ những hành động tưởng chừng nhỏ nhất và đơn giản nhất.
![]() |
Hoàn toàn không có một câu nào giáo điều về tình yêu, tình bạn, tình nhân ái, nhưng “2030” là tác phẩm giả sử viết và tôn vinh những thứ tình cảm cao đẹp này, từ chính hành động của các nhân vật. Tất cả mọi thứ đến rất tự nhiên, như cách tác giả “thả” tự nhiên từng câu thoại thể hiện cá tính riêng cho tất cả mỗi nhân vật xuất hiện trong tác phẩm của mình khiến chủ đề của tác phẩm lộ dần và rõ hẳn khi độc giả đi đến tận cùng của câu chuyện.
“2030” mang khá nhiều yếu tố điện ảnh và kịch nghệ, là một tác phẩm văn học đẹp, đáng đọc và đáng ngẫm chính từ những điều thật sự giản đơn trong cuộc sống trên một sự giả sử mà tác giả Trương Thanh Thùy đã đặt ra.
Thiên linh cái và Linh thú, là truyện dài vừa “Thiên linh cái” viết về bùa ngải Thiên Linh và một là truyện dài vừa “Linh thú” viết về hủ tục của một bộ lạc da đỏ. Điều đặc biệt nhất ở ấn phẩm này có lẽ là sự đối nghịch trong khả năng xử lý đề tài của tác giả ở chính hai tác phẩm này.
![]() |
“Thiên Linh cái” được lấy cảm hứng từ một câu chuyện có thật của một nhân vật từng gây chấn động cả vùng Đồng Tháp Mười là Thầy Tưng. Câu chuyện này được viết với văn phong miền Nam Việt Nam khá “ngọt” và giản dị, nhưng đủ sức lột tả hết tâm lý và thói quen hành xử của người dân vùng này, ngay cả khi bản thân họ lâm vào một hoàn cảnh chưa từng bao giờ lường trước được. Ngược lại, “Linh thú” lại được tác giả xử lý “rất Tây”, lối kể chuyện nhanh, mạch lạc nhưng đòi hỏi tư duy logic cao để xâu chuỗi được câu chuyện thật về ảo vọng quyền lực của một bộ lạc da đỏ đã đi vào truyền thuyết.
T.Lê