Từ những con đường bê tông sạch đẹp, những tuyến đường hoa rực rỡ, đến mô hình bảo vệ môi trường, phong trào phụ nữ Điện Biên chung tay xây dựng nông thôn mới (NTM) đang tạo nên những hành động tích cực trong cộng đồng.

Đáng chú ý, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Điện Biên đang đảm nhiệm hai nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gồm: hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và gìn giữ các giá trị gia đình Việt thông qua hai cuộc vận động lớn là “5 không, 3 sạch” và “5 có, 3 sạch”. Trên cơ sở đó, các cấp hội đã linh hoạt lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các hoạt động hội, vận dụng sáng tạo để phù hợp với điều kiện đặc thù từng vùng miền.

Một trong những mô hình mang lại hiệu quả rõ nét là hướng dẫn phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình bằng chế phẩm sinh học IMO4. Với hơn 1.000 hội viên tham gia, mô hình không chỉ giúp cải tạo đất, tăng năng suất rau màu mà còn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong từng gia đình.

Chị Nông thị Huyền, hội viên phụ nữ xã Mường Chà chia sẻ, từ ngày tham gia mô hình phân loại rác và sử dụng IMO4, vườn nhà chị luôn xanh tốt, không còn mùi hôi. Quan trọng hơn là cả gia đình có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh chung, không vứt rác bừa bãi như trước.

W-điện biên111.jpg
Mô hình phát triển sản xuất của phụ nữ Mường Chà (Điện Biên).

Song hành với các hoạt động môi trường, phong trào phụ nữ khởi nghiệp cũng ngày càng phát triển mạnh mẽ. Thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ tiếp cận vốn vay, xây dựng kế hoạch kinh doanh, nhiều chị em đã tự tin khởi sự kinh doanh từ những sản phẩm đặc trưng của địa phương như: thổ cẩm dân tộc Mông, chè sạch Tủa Chùa, mật ong rừng Mường Nhé…

Nhiều tổ hợp tác, nhóm sản xuất do phụ nữ làm chủ được thành lập, từng bước hình thành chuỗi giá trị, kết nối với thị trường tiêu thụ. Qua đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, khơi dậy tinh thần tự chủ, sáng tạo trong phát triển kinh tế của chị em vùng cao.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, phụ nữ Điện Biên còn là những người giữ lửa cho bản sắc văn hóa dân tộc. Các mô hình như “Đường hoa phụ nữ”, “Đoạn đường tự quản”, “Tổ phụ nữ phát triển du lịch cộng đồng”, “Thu gom rác thải làm sạch đồng ruộng”, “Xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh” được triển khai rộng khắp, vừa thiết thực với đời sống, vừa gắn với truyền thống, bản sắc từng bản làng.

Ở Tủa Chùa, nhiều tổ phụ nữ đã mạnh dạn phát triển mô hình du lịch cộng đồng, mở homestay, làm hướng dẫn viên, chế biến món ăn truyền thống phục vụ du khách. Qua đó, phụ nữ đã góp phần quảng bá văn hóa dân tộc, trực tiếp mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình và địa phương.

Nhân tố trung tâm trong phát triển cộng đồng

Để phong trào đi vào chiều sâu, công tác đào tạo cán bộ Hội cũng được tỉnh Điện Biên đặc biệt chú trọng. Trong năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề về xây dựng NTM cho 80 cán bộ hội cơ sở, tập trung nâng cao kỹ năng vận động, tổ chức phong trào, xây dựng mô hình phù hợp thực tế.

Công tác tuyên truyền cũng không ngừng đổi mới. Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu chương trình xây dựng NTM thu hút hơn 8.600 lượt hội viên tham gia, là minh chứng cho sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào trong cộng đồng.

Các lớp tập huấn về khởi nghiệp, du lịch cộng đồng, kỹ năng làm mẹ, xây dựng gia đình hạnh phúc... cũng được tổ chức đều khắp, đáp ứng sát nhu cầu thực tế.

Từ những việc làm giản dị đến những mô hình sáng tạo, phụ nữ Điện Biên đang ngày càng khẳng định vai trò là nhân tố trung tâm trong phát triển cộng đồng. Họ vừa làm đẹp làng bản, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, họ còn là những người giữ gìn, lan tỏa các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc.

Có thể nói, phong trào phụ nữ Điện Biên chung tay xây dựng nông thôn mới không dừng lại ở khẩu hiệu mà đã thấm sâu trong từng hành động, từng bước chân của chị em. Qua đó, họ đang góp phần thay đổi diện mạo quê hương, vun đắp một vùng nông thôn trù phú, bền vững và đậm đà bản sắc.