Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 22/11 quanh chuyện thủy điện xã lũ gây ngập hạ du, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói, trước mùa lũ phải đi kiểm tra các hồ chứa, đánh giá xem các hồ có bảo đảm chất lượng không rồi mới cho phép tích nước.
Phải kiểm tra nghiêm việc xả lũ
Sau khi Chính phủ đã ban hành quy trình vận hành liên hồ, cần giám sát việc thực hiện chặt chẽ hơn.
"Đây là quy trình nghiêm ngặt, ví dụ quy định nói rõ, trên mức nước dâng bình thường là phải xả. Nếu ông vận hành bảo thương dân giữ lại nước là vi phạm quy trình, khi vỡ hồ dân còn chết nữa. Quy trình quy định không xả lũ cao hơn lưu lượng lũ về, mức chênh chính là lũ nhân tạo cho hạ du. Chúng tôi đi kiểm tra thì chưa phát hiện ra sai sót này. Còn nếu vi phạm thì trưởng ca mất chức ngay lập tức", Phó Thủ tướng giải thích.Theo ông Hoàng Trung Hải, qua kiểm tra, hầu như các dự án khu vực miền Trung đều tuân thủ tốt quy trình. Riêng với thủy điện Ba Hạ tuy có sơ suất nhưng cũng không gây chết người.
Liên quan đến câu hỏi của các ĐBQH về việc ban quản lý thủy điện sông Ba Hạ khi xả lũ không thông báo với UBND tỉnh, Phó Thủ tướng cho hay, đây cũng chỉ là thủ tục hành chính, doanh nghiệp không làm sai.
![]() ![]() |
Cũng chiều 22/11, khi được mời giải trình thêm với Quốc hội về mối quan hệ giữa thủy điện - lũ lụt, Bộ trưởng TN&MT Phạm Khôi Nguyên khẳng định, nguyên nhân xảy ra lũ lụt do biến đổi khí hậu, phá rừng, thiếu sót trong quy trình vận hành liên hồ thủy điện, thủy lợi.
Rút kinh nghiệm chuỵên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bị đại biểu "phê" vì kết luận không có số liệu, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nêu rành rẽ ví dụ về biến đổi khí hậu:
"Tại Ninh Thuận, tổng lượng mưa trong 7 ngày từ 29/10 đến 5/11 bằng mưa cả năm. Chỉ riêng ngày 1/11 đã chiếm 42% lượng mưa cả năm. Ở Nha Trang, lượng mưa trong 4 ngày xấp xỉ bằng mưa cả năm".Thủ tướng đã kịp thời phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu từ cuối năm 2008.
Ông Nguyên thiết tha đề nghị Quốc hội bố trí một phiên họp sớm để Chính phủ báo cáo toàn bộ kịch bản về biến đổi khí hậu.
Nguyên nhân thứ hai dẫn đến lũ lụt là do mất rừng và phá rừng.
"Lẽ ra rừng là nguồn sinh thủy cho nhà máy thủy điện, nhưng làm nhà máy thủy điện thì lại lấy vào rừng. Trong cam kết,các chủ đầu tư đều xin trồng bù lại rừng nhưng một số địa phương thời gian vừa qua không có đất để trồng bù lại rừng", ông Nguyên giải thích.
Liên quan đến quy trình vận hành, Bộ trưởng TN&MT cho rằng, trước tháng 10/2008, chỉ 4 công trình thủy điện lớn là Thác Bà, Sơn La, Hòa Bình và của Tuyên Quang có quy trình vận hành và mục tiêu bảo đảm cho hạ du.
Chính phủ sau đó đã khắc phục bằng các quy định như công trình có trữ lượng nước bao nhiêu sẽ phải quan tâm đến hạ du, xả lũ trước khi mùa lũ về, rồi quy trình vận hành liên hồ chứa.
"Đến nay đã thực hiện xong 5 quy trình vận hành của 5 lưu vực sông lớn đấy là 4 hồ chứa lớn của sông Hồng, 3 hồ lớn của sông Vũ Gia và Thu Bồn, 5 hồ chưa lớn của Sông Ba Hạ, 4 hồ chứa của sông Sê San và 4 hồ chứa của sông Serepok", ông Nguyên báo cáo.Thời gian tới sẽ xây dựng quy trình vận hành cho 6 lưu vực sông còn lại.
Điều quan trọng, theo Bộ trưởng Nguyên, là các bộ và địa phương phải kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt việc xả lũ.
Thiếu điện vẫn do thiếu vốn
Để làm rõ thêm các thông tin với ĐBQH về tình hình điện, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải "xin nhận trách nhiệm về thiếu điện trước QH, cử tri".
Ông khẳng định lại quan điểm đã được Bộ trưởng Công thương nêu, nguyên nhân thiếu điện vì thiếu vốn: "Từ 2006 đến nay, chúng ta vấp phải những khó khăn rất lớn do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và khu vực, việc huy động vốn cho các dự án là hết sức khó khăn, trong nước có lúc lên đến 18, 19%, kể cả ngành điện đi vay với lãi suất như vậy cũng không đủ".
Huy động vốn nước ngoài cũng khó. Có những công trình đã ký được hợp đồng nhưng Chính phủ phải điều hành các ngân hàng cho vay nóng mới khởi công được.
Trong khi đó, giá điện Việt Nam vẫn nằm trong nhóm mức giá thấp.
"Giá hiện nay là 5,2 cent bình quân nếu tính sang đôla và so với các nước trong khu vực thì Thái Lan là 8,5, Singapo là 13,5, Malaysia 7,6 v.v... Chính sự không hấp dẫn của giá điện làm cho việc huy động vốn cho các công trình đặc biệt là các công trình của tư nhân, kể cả trong và ngoài nước kém hấp dẫn", Phó Thủ tướng lý giải.Ngoài ra còn có nguyên nhân khác như giải phóng mặt bằng, năng lực của chủ đầu tư và các nhà thầu, ý thức tiết kiệm điện.
Thời gian tới, VN sẽ phải áp dụng rất nhiều biện pháp tổng thể như tái cơ cấu ngành điện, xây dựng thị trường phát điện cạnh tranh.
Ông Hải cho hay, sẽ tách các nhà máy
điện ra khỏi EVN, chỉ để lại một số nhà máy điện chiến lược. Phần truyền tải,
phân phối vẫn do EVN đảm nhiệm ở giai đoạn đầu...
"Chúng tôi đang xây dựng đề án thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường, mong cử tri và đại biểu Quốc hội ủng hộ. Chúng ta đã vận hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, bước đầu đã thành công", Phó Thủ tướng nói.
-
Lê Nhung