Bảo tồn và tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng kiều bào là chủ trương lớn được Đảng, Nhà nước quan tâm trong những năm qua. Với sự hỗ trợ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, nhiều hoạt động thúc đẩy và lan tỏa tiếng Việt đã được triển khai tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Cùng với các lớp dạy tiếng Việt, một hoạt động nhận được sự quan tâm của kiều bào là xây dựng tủ sách và phát triển văn hóa đọc. Từ năm 2023, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài kết hợp cùng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã xây dựng tủ sách tiếng Việt cho cộng đồng người Việt ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Fukuoka (Nhật Bản), Budapest (Hungary), Đài Loan (Trung Quốc), Paris (Pháp), Praha và Brno (Séc)... 

W-0ceb8d39 cb4e 48e7 b795 9a843f27397b.jpg
Phong trào đọc sách tiếng Việt giúp thế hệ kiều bào trẻ yêu thích học tiếng Việt. 

Thông qua tủ sách tiếng Việt, các thế hệ người Việt ở nước ngoài dễ dàng tiếp cận với văn hoá dân tộc, củng cố tình yêu quê hương, đất nước. Đồng thời thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hoá, tăng cường kết nối giữa người Việt Nam trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; đặc biệt là góp phần gìn giữ ngôn ngữ mẹ đẻ – tiếng Việt.

Chị Minh Hằng, kiều bào ở Trung Quốc cho rằng: “Cần khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi, hình thành thói quen đọc sách tiếng Việt cho mọi người, đặc biệt là thế hệ kiều bào trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài”. 

Bên cạnh xây dựng tủ sách tiếng Việt, phát triển các lớp dạy tiếng Việt, bà con kiều bào được khuyến khích đến các thư viện lâu đời có sách tiếng Việt để đọc, tra cứu, tìm hiểu thông tin…

Điển hình như Thư viện BULAC Paris (Pháp) được thành lập năm 2011, tập hợp hơn 1,5 triệu tư liệu, ấn phẩm của 350 ngôn ngữ và 80 hệ chữ trên thế giới. Tại đây, có hơn 9.000 đầu sách tiếng Việt, khoảng 100 đầu báo và tạp chí học thuật, trong đó có khoảng 20 đầu báo vẫn hiện hành cho tới ngày nay.

Theo chồng sang định cư ở Paris gần 10 năm, vợ chồng chị Thủy Nguyễn sinh được 2 cậu con trai. Dù là con lai nhưng hai bé nói tiếng Việt khá tốt. Ngay từ nhỏ, chị thường trò chuyện với con bằng tiếng Việt, đọc sách tiếng Việt cho con nghe. Trong khi đó, chồng chị sử dụng tiếng Pháp để con nói được song song 2 ngôn ngữ. 

“Việc đọc sách được tôi tạo thành nếp cho con ngay từ khi còn bé. Qua năm tháng, vốn tiếng Việt của các cháu cũng tăng theo. Thời gian rảnh rỗi, tôi đưa các con đến thư viện có sách tiếng Việt tìm đầu sách hay. Tôi nghĩ phát triển văn hóa đọc thực sự hữu ích và thúc đẩy việc dạy ngôn ngữ Việt ở nước ngoài”, chị Thủy nói. 

Ngoài các hội chợ sách, thư viện hay sự kiện của cộng đồng kiều bào, sách Việt và văn học Việt được đặt thêm trong các không gian gần gũi, đó là các nhà hàng Việt. Chủ nhà hàng có thể giới thiệu tới khách nước ngoài về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa, ẩm thực... của Việt Nam.

Chị Phương Mai là chủ của một quán phở Việt ở thành phố Ostende (Bỉ). Các con chị thích đọc sách tiếng Việt, tuy nhiên thư viện địa phương rất ít sách tiếng Việt. Năm 2023, cùng với kênh Việt Happiness Station, nhà hàng của chị đã được đặt một tủ sách văn học Việt với đầu sách phong phú. Bà con kiều bào cũng tham gia ủng hộ cho thư viện sách này. 

Chị Hồng Chang ở Đài Loan (Trung Quốc) bày tỏ: “Những quyển sách tiếng Việt không chỉ là công cụ mà còn là cánh cửa mở ra thế giới, mở ra kiến thức về văn hóa cho con em kiều bào. Đó là động lực để các con học tiếng Việt trong môi trường không có tiếng Việt và giữ được nhu cầu học lâu dài. Tôi luôn khơi dậy niềm yêu thích sách cho các con. Nhờ vậy, các con yêu thích tiếng Việt hơn vì phải học tiếng Việt mới đọc được sách văn học Việt”. 

Cách để chị Hồng Chang đồng hành cùng con trong việc xây dựng thói quen đọc sách tiếng Việt là mỗi tuần 3 mẹ con chọn 1 quyển sách, cùng đọc, thảo luận nội dung và đặt ra các câu hỏi... Đến nay, 2 con của chị đã sử dụng tiếng Việt thành thạo cho nghiên cứu tài liệu, kiến thức.