Việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là đầu tư cho phát triển bền vững đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của cả nước.

Bởi vậy, việc xây dựng nội dung chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thiết kế gắn với xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

anhtitle_1.png

Triển khai Tiểu dự án 3: Phát triển kinh tế xã hội - mô hình bộ đội gắn với dân bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thuộc thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi), cán bộ, chiến sĩ lực lượng bộ đội đã triển khai hỗ trợ 383 dự án, mô hình chăn nuôi, trồng trọt với 36.654 hộ tham gia; hỗ trợ dự án “Nâng bước em tới trường” cho 21.165 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 12, trong đó 1.600 em được nhận nuôi tại các đơn vị quân đội và hỗ trợ tại gia đình cho 19.565 em.

Đánh giá chung về Tiểu dự án 3, tại Báo cáo Tổng kết giai đoạn I của Chương trình MTQG 1719 ghi nhận việc triển khai thực hiện các mô hình chuỗi giá trị, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế gắn với tiềm năng cây trồng, vật nuôi đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tạo sự thay đổi nhận thức cho người dân và từng bước tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng sản xuất hàng hoá để phát huy hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh và điều kiện của lực lượng lao động trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

anhtitle_2.png

Từ những bản làng heo hút với sự đói nghèo, lạc hậu đến những mái nhà sàn khang trang, bạt ngàn rừng quế, đương quy, cuộc sống người dân từng bước ấm no, hạnh phúc, từ lớp học vùng biên rộn tiếng cười trẻ thơ đến những bữa cơm trưa ấm bụng nơi điểm trường cheo leo giữa núi rừng... 

Băng qua những cung đường khúc khuỷu, xung quanh Quế Phong, Nghệ An, trải rộng một màu xanh ngút ngàn trùng điệp của cây rừng, vườn tràm, chanh leo xen kẽ những ngôi nhà khang trang mọc lên. Sự khởi sắc ở dải biên cương nơi đây có đóng góp không nhỏ của những người lính Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 4 luôn bám bản, giúp dân bản xóa đói, giảm nghèo, đẩy lùi lạc hậu, góp phần cùng các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới.

Chia sẻ với báo chí, đại diện Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, đời sống của đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới của tỉnh Đắk Lắk đang còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhất là khó khăn về nhà ở. Với việc quan tâm, đồng hành của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong thời gian qua đã góp phần cùng với lực lượng Bộ đội Biên phòng và cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ giúp đỡ nhân dân xóa nhà tạm, nhà dột nát. Mỗi căn nhà được khởi công xây dựng đã thắp lên cơ hội ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo của bà con nhân dân biên giới.

Thực hiện “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”, Dự án “Cán bộ chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”,…. BĐBP tỉnh Hà Giang (cũ) đã nhận nuôi, chăm sóc, hỗ trợ 317 cháu, với kinh phí hỗ trợ tối thiểu 500.000 đồng/tháng/cháu, trong số đó có 27 cháu được đưa về nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy dỗ tại các đồn Biên phòng. Trong số đó có 60 cháu tốt nghiệp trung học phổ thông, có 8 cháu đang học tại các trường đại học; 14 cháu đang học tại các trường cao đẳng nghề trên toàn quốc, số còn lại đang là lực lượng lao động chính, công dân tốt tại địa phương.

Hay như, BĐBP Kon Tum (cũ) đã phối hợp với các địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền và mở những chuyên mục, chuyên trang, lập các Fanpage, nhóm Zalo, Facebook tuyên truyền hiệu quả. Duy trì, củng cố, phát huy các mô hình phát triển kinh tế hay, đồng thời xây dựng nhiều mô hình mới phù hợp với tình hình thực tiễn như: "Tổ phụ nữ liên kết trồng sâm dây”; “Tổ phụ nữ liên kết nuôi lợn thịt”; "Tổ hợp tác nuôi bò sinh sản"; "Trồng cây mít Thái". Phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp trao hàng nghìn suất quà tặng hội viên phụ nữ, trẻ em nghèo ở khu vực biên giới".

minhhoa.jpg

Dọc nhiều bản làng biên giới Lai Châu, Điện Biên, Thanh Hoá, Quảng Trị (cũ)… mô hình “Tiếng loa Biên phòng”, định kỳ hàng tuần, hàng tháng, cán bộ, chiến sĩ đi khắp khu dân cư, thôn bản, sử dụng xe máy chở theo loa di động để tuyên truyền. Đồng thời, phối hợp với địa phương tổ chức các buổi tuyên truyền tập trung. Nội dung tuyên truyền chủ yếu là chính sách, pháp luật về phòng chống ma túy, mua bán người, phương thức, thủ đoạn của tội phạm, kỹ năng phòng ngừa, phát hiện... để nâng cao nhận thức cho nhân dân, chủ động phòng tránh để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. Ngoài tuyên truyền bằng tiếng Kinh, nội dung tuyên truyền được cán bộ phụ trách triển khai bằng chính tiếng nói của đồng bào.

Con đường “thắm tình quân dân” là công trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn Lũng Mác Tào, xóm Cốc Phia (Cao Bằng). Chỉ sau 15 ngày thi công, người dân trong xóm đã có tuyến đường bê tông với tổng chiều dài 800m, rộng 1m. Tuyến đường tạo điều kiện cho trẻ em đi học dễ dàng, thuận lợi để nhân dân lưu thông hàng hóa, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn của xóm, xã sáng đẹp hơn...

Đó là những minh chứng sống động cho những đổi thay tích cực mà lực lượng bộ đội đã và đang góp sức triển khai Chương trình MTQG 1719 (Tiểu dự án: Phát triển kinh tế xã hội - mô hình bộ đội gắn với dân bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi).

Chính nhờ tinh thần không ngại khó, ngại khổ “3 bám, 4 cùng” (bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách và cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào) với người dân, cán bộ, chiến sĩ bộ đội đã tận tâm, tận lực cùng với cấp ủy, chính quyền các xã biên giới xây dựng hệ thống chính trị, giúp đỡ nhân dân các dân tộc xóa đói, giảm nghèo, củng cố, tăng cường tình đoàn kết góp phần Giữ bản – Giữ biên – Giữ niềm tin.

anhminhhoa0 4.jpg