Sở hữu 82 km chiều dài bờ biển và diện tích vùng biển lên tới 761.000 km2 cùng 6 cửa lạch lớn nhỏ, với tổng trữ lượng hải sản khoảng 80.000 tấn và nhiều bãi biển đẹp, Nghệ An luôn được xem là tỉnh có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế biển. 

Bên cạnh đó, Nghệ An cũng là địa phương có vị trí địa lý kinh tế - chính trị hết sức thuận lợi. Vùng biển và ven biển được xem là cửa ngõ quan trọng không chỉ riêng của tỉnh Nghệ An mà cả khu vực Bắc Trung Bộ, là cầu nối đặc biệt quan trọng trong các hoạt động giao lưu, hội nhập quốc tế và bảo vệ chủ quyền đất nước.

W-cửa lò nghe an.png
Nghệ An là tỉnh có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế biển. 

Với lợi thế và tiềm năng đó, thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã nỗ lực đẩy mạnh các giải pháp căn cơ nhằm cơ cấu lại ngành kinh tế biển. Đồng thời, chú trọng thực hiện việc đầu tư nâng cấp hạ tầng, giao thông, cảng biển.

Theo đó, một trong những điểm nhấn quan trọng để giúp kinh tế biển Nghệ An phát triển nhanh, bền vững chính là dự án đường ven biển Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cửa Lò (Nghệ An). Dự án có tổng chiều dài 59,91 km, với mức đầu tư hơn 4.600 tỷ đồng và dự kiến sẽ hoàn thành bàn giao trong tháng 9/2025.

Theo đại diện Ban Quản lý dự án các công trình giao thông Nghệ An thông tin, dự án đường ven biển này là một trong những công trình trọng điểm, sử dụng nguồn vốn đầu tư trung hạn. Khi dự án hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông của tỉnh, giảm tải cho các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn. Đặc biệt, tạo kết nối liền mạch với tuyến đường ven biển ở khu vực Bắc Trung Bộ, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của địa phương.

Cùng với đó, Nghệ An cũng bố trí kế hoạch tập trung đầu tư các dự án động lực phát triển vùng kinh tế biển như các dự án đầu tư phát triển hạ tầng ven biển thuộc địa bàn Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An với số vốn đầu tư lên đến 1.050 tỷ đồng, dự án Đại lộ Vinh - Cửa Lò 465 tỷ đồng, dự án nâng cấp, mở rộng đường Bình Minh hơn 300 tỷ đồng,…

Ngoài ra, Nghệ An cũng nỗ lực kêu gọi các nhà đầu tư phát triển một loạt bến cảng như cảng cạn IDC, cảng Đông Hồi, cảng nước sâu Cửa Lò quy mô dự kiến 3.300 tỷ đồng... Trong đó, cảng Đông Hồi đã quy hoạch để thu hút đầu tư xây dựng phục vụ trực tiếp Khu Công nghiệp Đông Hồi và các khu công nghiệp lân cận, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa cho khu vực Bắc Nghệ An.

Về đường thủy nội địa, hiện Nghệ An đang khai thác 8 tuyến, tổng chiều dài 263 km, đưa vào khai thác có hiệu quả tuyến vận tải thủy ven biển phục vụ nhu cầu trao đổi hàng hóa đi lại, kết nối du lịch, dịch vụ nội tỉnh, liên tỉnh. 

Có thể nói, hệ thống cơ sở hạ tầng cảng biển và vùng ven biển được xem là lợi thế vượt trội của tỉnh Nghệ An. Nếu như được đầu tư đồng bộ, hiện đại hơn nữa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí, có sức cạnh tranh với các đơn vị khác trong và ngoài nước. Điều này đồng nghĩa với việc góp phần gia tăng lượng hàng hoá xuất nhập khẩu, tạo nguồn thu ngân sách lớn cho địa phương.

Nhờ chuyển biến về hạ tầng, năm 2024 tỉnh Nghệ An đã ghi nhận bước tiến vượt bậc trong hoạt động xuất khẩu khi các doanh nghiệp trong tỉnh đã đưa hàng hóa tới 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Theo Sở Công Thương Nghệ An, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 toàn tỉnh đạt hơn 3,9 tỷ USD, tăng 25,8% so với năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt trên 3,2 tỷ USD, tăng 31,57% so với năm 2023 và vượt 16,9% kế hoạch năm.

Trước đó, quy hoạch tổng thể tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 xác định sẽ tập trung phát triển hiệu quả, bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái biển. Đồng thời, hành lang kinh tế ven biển, gắn với trục Quốc lộ 1, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường ven biển, đường sắt quốc gia và đường biển sẽ phát triển đô thị, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ tổng hợp và các ngành kinh tế biển.

Nghệ An cũng đặt ra chỉ tiêu đến năm 2030, kinh tế của vùng ven biển sẽ chiếm khoảng 57 - 60% tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh. Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm bình quân của vùng ven biển giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 12,5 - 13,5%/năm. 

Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp kinh tế ngành du lịch vùng ven biển chiếm hơn 50% và đến năm 2030 sẽ chiếm hơn 75% kinh tế ngành du lịch toàn tỉnh.