Trong chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo, tỉnh An Giang phấn đấu có từ 50 - 70% quy trình được tự động hóa qua ứng dụng thông minh, 70 - 80% diện tích lúa chất lượng cao được cấp mã số vùng trồng.
An Giang là tỉnh có lợi thế lớn về nông nghiệp với trên 80% diện tích là đất nông nghiệp, nguồn nước ngọt quanh năm, khí hậu ôn hòa, 65% lao động nông thôn có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, nhất là cây lúa.
Với lợi thế đó, An Giang định hướng ngành lúa gạo trở thành hạt nhân, động lực của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước...
Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh việc duy trì hơn 200.000 ha đất trồng lúa, An Giang đã ban hành đề án “Xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó tập trung xây dựng các vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu ổn định, hiệu quả và bền vững, góp phần đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Ảnh minh hoạ
Thay vì chạy đua về sản lượng như trước đây, tỉnh An Giang sẽ tập trung vào việc nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm dựa trên những ứng dụng công nghệ mới.
Trọng tâm của chiến lược là việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong toàn bộ chuỗi giá trị gạo. Từ các ứng dụng thương mại điện tử giúp kết nối trực tiếp nông dân với thị trường quốc tế, đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm, An Giang đang từng bước số hóa ngành nông nghiệp truyền thống của mình.
Ngành hàng lúa gạo An Giang đã và đang hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, cấp mã số vùng trồng. Còn trong chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo, tỉnh An Giang phấn đấu có từ 50 - 70% quy trình được tự động hóa qua ứng dụng thông minh, 70 - 80% diện tích lúa chất lượng cao được cấp mã số vùng trồng. An Giang phấn đấu đến năm 2025, ứng dụng công nghệ số cấp mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu cho 70 - 80% diện tích lúa chất lượng cao; diện tích lúa sản xuất được bao tiêu đạt từ 200.000 - 250.000 ha thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã.
Với việc chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị dữ liệu đầu vào, An Giang sẽ có nhiều cơ hội trở thành trung tâm liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản của vùng, đưa thương hiệu lúa gạo Việt Nam vươn ra thế giới, qua đó góp phần phát triển ngành hàng lúa gạo tỉnh An Giang nói riêng, cả nước nói chung theo hướng bền vững.
Đầu năm 2023, Trung Quốc ra mắt một nền tảng dữ liệu lớn cho toàn bộ ngành lúa gạo nhằm thúc đẩy quá trình số hóa và thông tin hóa ngành lúa gạo của nước này.
Theo đó, nền tảng tập trung vào việc tạo dữ liệu, thu thập, lưu trữ, xử lý, phân tích và các dịch vụ dữ liệu. Big data bao trùm toàn bộ hoạt động từ sản xuất, lưu kho, tiếp thị, buôn bán, tiêu thụ, khoa học và công nghệ liên quan đến ngành lúa gạo.
Nền tảng trên theo định kỳ sẽ công bố các báo cáo nhằm cải thiện năng lực và mức độ dịch vụ. Bên cạnh đó, nền tảng dữ liệu lớn cũng sẽ kết nối chính xác người dùng đầu cuối và cung cấp các dịch vụ như nhận diện thông minh côn trùng gây hại, dịch bệnh, việc sản xuất hạt giống, hướng dẫn, phục hồi và phân tích dữ liệu từ xa. Trong tương lai, nền tảng này sẽ được nâng cấp thành nền tảng dịch vụ, tạo ra một hệ sinh thái số của ngành lúa gạo, bao trùm toàn bộ sản xuất số hóa và kết nối các mạng lưới dịch vụ.