Ở Việt Nam Nokia bất khả chiến bại
Nokia là nhãn hiệu điện thoại di động (ĐTDĐ) đứng đầu thị trường Việt Nam với 54% thị phần, vượt áp đảo so với hai đối thủ gần liền kề là Samsung và Motorola.
Theo công bố mới nhất của hai công ty nghiên cứu thị trường GFK và Synovate, kết quả này tiếp tục đưa Nokia lên vị trí dẫn đầu trong tổng phân khúc thị trường nói chung và phân khúc thị trường điện thoại phổ thông nói riêng.
Thật vậy, thị trường ĐTDĐ trong những tháng đầu năm 2006 đã trở nên nhộn nhịp khi các hãng ĐTDĐ cùng đồng loạt tung ra nhiều sản phẩm mới đáp ứng các nhu cầu đa dạng của người sử dụng. Trong khi các hãng vẫn tạo tính cạnh tranh và khác biệt trong các phân khúc đa phương tiện, giải pháp dành cho giới doanh nhân, hay những người yêu thích thời trang và âm nhạc chẳng hạn như L’Amour của Nokia, W800i của Sony Ericsson hay V3 của Motorola… thì đại đa số công chúng vẫn tìm đến điện thoại phổ thông với mức chi phí thấp nhưng vẫn thoả mãn đầy đủ các nhu cầu về nghe, thoại, giải trí và hình ảnh… Không những thế, sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp mạng di động VinaPhone, MobiFone, Viettel, S-Fone… cùng việc ra đời của nhiều dịch vụ mạng mới (chẳng hạn như S-Fone với dịch vụ gói cước Forever, không giới hạn thời gian gọi và nghe) đã giúp cho chi phí sử dụng điện thoại giảm, làm cho sức mua tăng đáng kể, đặc biệt trong phân khúc điện thoại phổ thông.
Theo nghiên cứu của Synovate, xu hướng hiện nay của phần lớn người tiêu dùng Việt Nam thiên về điện thoại phổ thông, bởi điện thoại phổ thông có tính năng đơn giản, gần gũi với người sử dụng, chất lượng cũng không thua kém điện thoại tầm trung hoặc cao cấp. Ngoài ra, những yếu tố như độ bền, bắt sóng tốt và phần mềm dễ sử dụng cũng là những yếu tố được người tiêu dùng quan tâm đều có ở những dòng điện thoại phổ thông này.
Ưu thế vẫn thuộc về Nokia
Tuy nhiên, uy tín của thương hiệu và giá thành hợp lý đóng vai trò quan trọng trong quyết định mua hàng. Theo thăm dò: “Bạn thích sử dụng ĐTDĐ nào?” thì có tới 69% người Việt Nam trả lời thích sử dụng điện thoại Nokia (tăng 9% so với đầu năm 2005), tiếp đó: 20% cho Samsung (giảm 6% so với đầu năm 2005) và Motorola: 3%. Đây là chỉ số quan trọng quyết định đến thị phần của các thương hiệu ở thị trường VN. Nokia tăng ở tất cả các phân khúc, đặc biệt trong giới trẻ chiếm 71%.
Gần đây, GFK công bố: Trong các dòng sản phẩm phổ thông, sản phẩm Nokia 1100 (giá khoảng 950.000 đồng) vẫn là điện thoại bán chạy nhất trong phân khúc điện thoại phổ thông màn hình trắng đen. Những điện thoại có màn hình màu như Nokia 3120, 1600, 2600, 6030, 6060… cũng chiếm ưu thế trong phân khúc điện thoại phổ thông, khi nhu cầu về giao diện màu và hình ảnh ngày càng tăng cao. Ngoài ra, Nokia cũng đã tạo đột phá khi tung ra các mẫu điện thoại phổ thông chụp ảnh như 6020 và 3220, đáp ứng nhu cầu về “lưu giữ khoảnh khắc đáng nhớ” của người tiêu dùng Việt Nam.
Cũng theo Synovate, thương hiệu Nokia vẫn là thương hiệu được nhiều người muốn mua nhất tại Việt Nam với 87%, so với Samsung 44%, và Motorola 11%. Điều này minh chứng, Nokia đã tạo được vị thế trong thị trường ĐTDĐ tại Việt Nam gần 10 năm qua.
Sẽ tiếp tục “bứt phá”?
Cùng với những cuộc cạnh tranh giữa các mạng ĐTDĐ thông qua việc giảm giá cước, đưa thêm các dịch vụ mới vào phục vụ người tiêu dùng, “cuộc chiến” thị phần giữa các hãng ĐTDĐ sẽ không dừng lại ở con số thống kê trên. Ngôi vị “đầu bảng” hiện tại của Nokia có thể bị hoán đổi, hoặc giảm bớt nếu như “đại gia” này không ra sức bảo vệ cũng như phát triển thêm thị phần của mình bằng cách tiếp tục đưa các sản phẩm công nghệ, tính năng ưu việt đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, từ nay đến cuối năm, thị trường này chắc chắn sẽ có sự “bứt phá”, bởi mới đây công ty TNHH Phân phối FPT- nhà phân phối chính thức ĐTDĐ Nokia tại Việt Nam đã công bố phát hành tem chính hãng mới cho hãng điện thoại này. Cũng từ thông tin của FPT, dự kiến sẽ có hơn 1,5 triệu tem mới này phát hành, có nghĩa- tương đương 1,5 triệu chiếc ĐTDĐ Nokia được bán ra ra thị trường.
Với loại tem mới này, người tiêu dùng dễ dàng nhận biết, phân biệt hàng chính hãng với hàng ngoài luồng. Có thể coi đây là cam kết giữa nhà sản xuất và nhà phân phối sản phẩm về chất lượng, cũng như về dịch vụ được khai thác trên ĐTDĐ của Nokia dành cho người tiêu dùng. Điều này lại khẳng định: Nokia luôn đi trước–đón đầu. Người tiêu dùng đang đợi các “đối thủ” của Nokia có chiêu gì mới tung ra trên thị trường ĐTDĐ?
Hồng Tú
27/3/2006