Ổ cứng “sống sót” trong nước và lửa

Sau trận lụt ở Minnesota City (Mỹ) hồi tháng trước, gia đình MacLennan rất lo lắng bởi chiếc máy tính chứa những bức ảnh quý giá của họ bị nhấn chìm trong bùn và nước nhiều ngày liền.

Họ cầu viện những chuyên gia phục hồi dữ liệu và mọi tệp tin trong chiếc máy đã hồi sinh chỉ trong vòng vài ngày.

“Chúng tôi cực kỳ hạnh phúc”, Jenna MacLennan thốt lên, “Với nước, bùn, đủ thứ khác, chúng tôi không biết những rỉ sét hỏng hóc gì có thể đã xảy ra”.

“Phép màu” đến với gia đình MacLennan từ 2 phía: bản thân cấu trúc của ổ cứng và kỹ thuật phục hồi dữ liệu. Theo Richard M.Smith, chuyên gia tư vấn của hãng Boston Software Forensics, ổ cứng thường hỏng khi các bộ phận cơ khí cũ mòn, nhưng chúng thường tỏ ra rất bền bỉ trước các yếu tố bên ngoài như nước lụt. “Nếu nhìn vào chiếc ổ cứng, ta sẽ thấy nó được niêm kín. Trong hầu hết các trường hợp, nước không thể lọt vào”, Smith cho biết.

Chủ nhân của những chiếc máy tính hỏng trong lũ lụt hoặc hỏa hoạn thường cho rằng các biểu mẫu, ảnh và mật khẩu của họ không thể phục hồi được. Tuy nhiên, theo các chuyên gia máy tính, dù thiết bị lưu trữ có hỏng hoặc lỗi đến đâu chăng nữa, ít nhất một số dữ liệu vẫn có thể cứu được. “Chúng tôi từng phục hồi dữ liệu từ 1 chiếc máy laptop rơi từ máy bay trực thăng, 1 chiếc laptop khác bị ngập trong nước biển suốt 1 năm”, Todd Johnson, phó giám đốc bộ phận kỹ thuật của công ty tư vấn Kroll Ontrack tiết lộ. “Một lần, thậm chí chiếc ổ cứng còn bị đạn bắn xuyên qua”.

Thông thường, chi phí để phục hồi mỗi chiếc ổ cứng từ 400 đến 2.500 USD, tùy thuộc vào tỷ lệ dữ liệu có thể hồi sinh. Cùng với sự phổ biến của máy tính cá nhân, nhu cầu phục hồi dữ liệu cũng ngày càng tăng cao, tạo ra cơ hội làm ăn ngày càng lớn trong lĩnh vực này. Bộ phận kỹ thuật của Kroll Ontrack có doanh thu quý 2 lên tới 141 triệu USD.

Người dùng có kinh nghiệm thường sao lưu dự phòng (back up), nhưng đáng tiếc là hầu hết chưa đúng cách, bởi họ thường để bản back up ngay gần máy tính, và khi tai họa xảy ra thì chúng lại bị tiêu hủy trước cả ổ cứng. Bởi vậy, các chuyên gia khuyên, nên để bản sao lưu dự phòng ở một nơi khác, và tốt nhất là trong két sắt bảo mật của ngân hàng.

Ở một khía cạnh khác, khi bỏ đi chiếc máy tính cũ, người dùng thường muốn xóa sạch dữ liệu sao cho nó không thể phục hồi nhằm giảm khả năng ổ cứng chứa thông tin cá nhân của họ rơi vào tay kẻ xấu. Trong trường hợp này, một số chuyên gia đề nghị chạy những chương trình xóa dữ liệu vận hành bằng cách liên tục ghi đè lên thông tin bằng các dãy số nhị phân. Các chuyên gia khác đề nghị giữ lại ổ cứng và bỏ đi phần còn lại. Lựa chọn cực đoan hơn sẽ là “xé xác” chiếc ổ cứng và ném các mảnh của nó ở nhiều nơi cách xa nhau.

Theo VTC/AP