Với hơn 6 triệu người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, tiếng Việt là sợi dây thiêng liêng kết nối những người con xa xứ với quê hương, truyền thống văn hóa - lịch sử của dân tộc và những giá trị tốt đẹp của cha ông.
Nhiều gia đình kiều bào đã bước sang thế hệ thứ 4, thứ 5 nhưng truyền thống gìn giữ ngôn ngữ mẹ đẻ vẫn được tiếp nối. Các cháu nhỏ sống trong môi trường ngôn ngữ khác nhưng luôn hướng về cội nguồn qua trang phục dân tộc, món ăn ngày Tết và tiếng Việt thân thương.

Chị Dung Nguyễn định cư ở Canada từ những năm 90 của thế kỷ trước. Dù sinh ra và lớn lên tại đây, sử dụng tiếng Anh để học tập, sinh hoạt nhưng các con của chị luôn được mẹ dạy tiếng Việt nên thành thạo cả tiếng Việt và tiếng Anh.
Theo chị Dung, dạy con yêu tiếng Việt và gìn giữ bản sắc văn hóa quê hương là một hành trình kiên trì của cha mẹ. Ngay khi con nhỏ, chị luôn nói tiếng Việt ở nhà, kể cho các con nghe về văn hóa thờ cúng tổ tiên, Tết Nguyên đán, Trung thu, những câu chuyện lịch sử… cho đến dạy nấu món ăn Việt. Thấm nhuần văn hóa Việt nên mỗi lần về thăm quê hương, các bạn nhỏ đều có sự kết nối tình cảm với ông bà, họ hàng.
Tại nước sở tại, hiểu và nói tiếng Việt tốt cũng hỗ trợ nhiều cho các bạn trong học tập. Ví dụ khi có tiết học về quốc gia, con chị Dung tự tin giới thiệu về Tổ quốc, về lá cờ, ẩm thực và những người thân của mình ở Việt Nam. Trong bài viết về kỷ niệm với quê hương, con chị Dung kể về phong tục đi chùa đầu năm và nhận được điểm đánh giá tối đa từ thầy cô. Qua các dự án đó, con của chị càng thêm tự hào về gốc gác, nguồn cội của mình.
Hiện nay, các con chị Dung đã lập gia đình và làm việc trong các doanh nghiệp địa phương. Với vai trò là người bà, chị tiếp tục lan tỏa tình yêu tiếng Việt đến các cháu nội của mình.
“Hai vợ chồng con trai tôi không ở riêng vì các con muốn sống với cha mẹ như truyền thống ở Việt Nam. Trong việc nuôi dạy cháu nội, các con rất ủng hộ việc ở nhà sẽ giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Việt. Bà nội dạy về giao tiếp, văn hóa; bố mẹ đọc sách, kể chuyện tiếng Việt cho các cháu trước khi đi ngủ.
Ngoài ra, các cháu sẽ dành thời gian học tiếng Việt trên VTV4. Khi lớn hơn, tôi dạy các cháu mỗi ngày viết một lá thư tiếng Việt cho bà. Cứ như vậy, tiếng Việt thẩm thấu và ngấm dần vào các bé một cách tự nhiên nhất”, chị Dung kể.
Chị Dung khẳng định, dù đi bất cứ đâu hay lớn lên ở môi trường khác, nếu mỗi gia đình kiều bào trân trọng, quan tâm gìn giữ ngôn ngữ mẹ đẻ thì các thế hệ trẻ cũng sẽ yêu nguồn cội, tiếng Việt.
Khác với Canada, tại Pháp, nhiều gia đình đã sang định cư từ cuối thập niên 1930 như gia đình ông Đinh Ngọc Riệm, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại New Caledonia. Ông không chỉ là người gìn giữ tiếng Việt trong cộng đồng kiều bào sở tại mà còn là biểu tượng của tình yêu với văn hóa và cội nguồn dân tộc.
Sinh ra và lớn lên tại hòn đảo New Caledonia xa xôi, ông Riệm vẫn luôn giữ mối dây gắn kết với quê hương qua "gia tài" tiếng Việt mà cha mẹ đã truyền lại. Nhiều năm qua, ông không chỉ giúp đỡ cộng đồng người Việt mà còn lan tỏa giá trị văn hóa Việt đến thế hệ sau.
Theo ông Riệm, cha mẹ ông luông nhắc nhở các con không được quên tiếng mẹ đẻ và yêu cầu phải duy trì tiếng Việt trong sinh hoạt gia đình. Sau này trưởng thành, mỗi lần về thăm quê, ông lại tranh thủ cập nhật từ vựng, làm phong phú thêm ngôn ngữ Việt của mình.
Với tình yêu tiếng mẹ đẻ, ông Riệm đã lên kế hoạch mở lớp học tiếng Việt miễn phí tại Lãnh sự quán dành cho con em kiều bào và nhận được hỗ trợ 200 cuốn sách tiếng Việt từ Bộ Ngoại giao. Ông Riệm mong rằng, các con, các cháu ông và các thế hệ kiều bào trẻ sẽ tiếp tục nói tiếng Việt, bảo tồn và tiếp nối công tác lan tỏa văn hóa Việt như ông và bà con kiều bào đang làm.