- Tổng Bí thư thăm Trung Quốc; Bộ trưởng Đinh La Thăng phát lệnh khởi công đường sắt đô thị; sương mù bao phủ HN sáng 10/10; cụ rùa Hồ Gươm nổi đúng ngày giải phóng Thủ đô; trần tình của bác sỹ lái 'xe điên'; phá băng cướp tiệm vàng nguy hiểm nhất... là những thông tin nổi bật trong ngày 10/10.

TỔNG BÍ THƯ THĂM TRUNG QUỐC

Chuyến thăm diễn ra từ ngày 11 đến 15/10 sẽ là chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của ông Nguyễn Phú Trọng trên cương vị người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam.

Mục đích của chuyến đi là tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc. Lãnh đạo cấp cao hai nước sẽ trao đổi các lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục và những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ hai nước.

Tháng 9 vừa qua, đoàn đại biểu Trung Quốc do ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ, dẫn đầu đã sang thăm Việt Nam và tham dự phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc. Trong cuộc gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Đới Bỉnh Quốc đã bày tỏ các lãnh đạo Trung Quốc mong Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sớm sang thăm Trung Quốc.

BỘ TRƯỞNG ĐINH LA THĂNG PHÁT LỆNH KHỞI CÔNG ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã phát lệnh khởi công xây dựng Depo và toàn tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông vào sáng nay (10/10), tại Ba La, phường Phú Lương, quận Hà Đông.

Dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài là 13,08 km. Tuyến ĐSĐT này đi qua địa bàn các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Từ Liêm và Hà Đông của thành phố Hà Nội được Bộ GTVT giao Ban Quản lý Dự án Đường sắt làm đại diện chủ đầu tư.

Tổng mức đầu tư của dự án là 8.769, 965 tỷ VNĐ (tương đương 552,86 triệu USD). Trong đó, vốn vay tín dụng ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc là 1,2 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 169 triệu USD); vốn vay ưu đãi bên mua là 250 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 2.123 tỷ.

Phát biểu tại lễ khởi công, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông là một trong hai dự án đường sắt, vận chuyển hành khách khối lượng lớn, đang được các đơn vị thuộc Bộ GTVT triển khai để nhanh chóng hình thành mạng đường sắt đô thị, là một trong những giải pháp chiến lược nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại thủ đô Hà Nội.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Bộ trưởng Thăng đã yêu cầu chủ đầu tư là Cục Đường sắt VN, Ban Quản lý dự án và nhà thầu phối hợp tốt hơn nữa để nhanh chóng giải quyết hoặc báo cáo để được giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án, nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục công trình hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, tuyệt đối an toàn.

BÁC SỸ LÁI 'XE ĐIÊN' ĐÃ KHÔNG ĐIỀU KHIỂN ĐƯỢC

Tiếp xúc với người nhà bác sĩ Huy, được biết vào buổi chiều định mệnh đó, như thường lệ bác sĩ Huy lái xe từ Bệnh viện Nhi Đồng 1 ra đường Lý Thái Tổ dừng trước nhà thuốc Hạnh Nhận để đón vợ là bà Mỹ Chi để cùng về nhà.

Bà Mỹ Chi vừa ra khỏi nhà thuốc đã nghe tiếng nhốn nháo của người dân và người đi đường khi phát hiện xe của bác sĩ Huy lao vào một xe gắn máy dựng trên đường rồi vọt ra đường đâm vào chiếc taxi, va tiếp vào một xe 4 chỗ, đâm đầu vào hông một xe du lịch khác trước khi húc thẳng vào nhóm xe gắn máy đang chờ đền đỏ tại giao lộ Sư Vạn Hạnh – Lý Thái Tổ.

Chứng kiến sự việc, bà Chi hốt hoảng vừa chạy vừa la cầu cứu nhưng chiếc xe do chồng bà cầm lái vẫn điên cuồng lao tới không ngăn lại được.

Một người bạn, cùng là đồng liêu với bác sĩ Huy thuật lại: “Tôi là người đầu tiên được Huy gọi điện thông báo về tai nạn đã gây ra. Huy nói trong trạng thái thảng thốt: Tôi đã đụng vào 3 xe du lịch nên túi khí đã bung ra đập vào mặt khiến tôi choáng váng không điều khiển xe được. Tôi gây tai nạn chắc nhiều người chết lắm. Có gì anh lo giùm 2 đứa con tôi”.

Theo điều tra ban đầu của Công an quận 10, kiểm tra bác sĩ Huy ngay sau khi tai nạn xảy ra đã không ghi nhận được nồng độ cồn trong cơ thể.

Như vậy, nguyên nhân vì sao gây ra tai nạn vẫn còn đang trong vòng nghi vấn và cơ quan điều tra vẫn phải tiếp tục tìm hiểu để có kết luận chính xác.

SƯƠNG MÙ BAO PHỦ HN

Sáng 10/10, toàn thành phố Hà Nội bị bao bọc ở một lớp sương mù khá dày. Điều này khiến tầm nhìn của người đi đường bị hạn chế. Nhiệt độ sáng sớm 10/10 cũng xuống thấp hơn hẳn so với nhiệt độ của ngày 9/10.

Toàn bộ tuyến đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên – Hà Nội) có sương mù khá dày.

Người đi đường khi đi đến đoạn cầu Chương Dương, cầu Long Biên càng thấy lớp sương mù này dày đặc hơn.

Đến khu vực Tràng Tiền, Bà Triệu, sương mù có vẻ mỏng hơn do các tòa nhà cao tầng che khuất không gian, tầm nhìn.

Nhưng đến khu vực hầm Kim Liên, công viên Thống Nhất thì tình trạng sương mù dày đặc lại tái hiện.

Lý giải hiện tượng này, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TW cho biết nguyên nhân gây ra hiện tượng sương mù là do nhiệt độ ban ngày cao, ban đêm lại thấp. Sự chênh lệch nhiệt độ càng lớn thì sương mù càng nhiều (và ngược lại).

THIỆT HẠI .1000 TỶ VÌ LŨ Ở ĐBSCL

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của 8 tỉnh bị ảnh hưởng của lũ lụt, triều cường ở đồng bằng sông Cửu Long, tính đến hết ngày 9/10, thiệt hại do lũ lụt, triều cường tại các tỉnh này là gần 1 tỷ đồng.

Tính đến hết ngày 9/10, toàn bộ khu vực này đã có 24 người chết, trong đó có 21 người là trẻ em (dưới 16 tuổi).

Thiệt hại về của cải do đợt lũ, lụt, triều cường này gây ra cũng rất nặng nề. Tổng cộng có gần 60.000 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, tốc mái, ngập trong nước. 645 điểm trường bị ảnh hưởng với 75 phòng học ngập nước. Đợt lũ lịch sử này cũng khiến gần 240.000 học sinh, sinh viên phải nghỉ học.

Thiệt hại về hoa màu, đê bao cũng rất lớn. Diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại (ngập úng) là khoảng 27.000 ha, trong đó có khoảng 10.000 ha là thiệt hại 100%. Diện tích cây công nghiệp và diện tích cây ăn quả cũng bị ngập gần 12.000ha, trong đó có hơn 1.000 ha bị mất trắng. Các bờ bao, đê các cấp bị tàn phá nặng. Có tổng cộng hơn 250.000 m đê bối, bờ bao bị thiệt hại, hơn 55.000 m tỉnh lộ, quốc lộ bị thiệt hại.

CỤ RÙA NỔI ĐÚNG NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ

Khoảng 8h10 sáng 10/10, người dân thủ đô Hà Nội tưng bừng chào đón ngày kỷ niệm giải phóng Thủ đô, cụ rùa hồ Gươm lại nổi. Hàng trăm người dân, trong đó có nhiều du khách từ phương xa đến đã chen lấn để tận mắt nhìn thấy rùa thiêng và cố gắng ghi lại hình ảnh của cụ.

Trước đó, khoảng 11h30 trưa 9/10, tại khu vực hồ tiếp giáp với góc ngã tư Hàng Bài - Hàng Khay (Hà Nội), rùa Hồ Gươm nổi lên phơi nắng trong tiếng hò reo của nhiều người chứng kiến.

Tính từ ngày 12/7, thời điểm rùa được thả lại hồ Gươm, đến nay đã gần 3 tháng tổng cộng cụ Rùa đã nổi lên mặt nước 3 lần và lần đầu tiên là ngày 24/9 cụ Rùa nổi một lúc ở đường Đinh Tiên Hoàng rồi lặn mất.

KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG HỌC SINH VƯỢT SÔNG ĐẾN TRƯỜNG

Sau khi VietNamNet và một số cơ quan báo chí phản ánh về tình trạng học sinh tại xã Giao An, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) và bản Ông Tú, bản Ka Oóc, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) phải vượt sông đến trường, Bộ GTVT đã tiến hành kiểm tra thực trạng.

Bộ GTVT đã chỉ đạo Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa nghiên cứu xây dựng bến đò có cáp hỗ trợ để sớm thay thế bè mảng.

Trước đó, theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, trong năm 2010 - 2011, Ban An toàn giao thông tỉnh đã trang bị cho xã Giao An 45 áo phao cứu sinh, 2 thuyền phao.

Ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, do dòng sông hẹp (khoảng 20m), cạn và địa hình nhiều đá, không thể sử dụng đò máy được, nên Bộ GTVT đã yêu cầu UBND huyện Minh Hóa cấp 2 đò nhỏ để đưa đón, học sinh đi học; yêu cầu Trường tiểu học bản Hưng tổ chức đưa, đón các em học sinh tại vị trí bờ sông. Đồng thời, đã cấp phát cho Trường Tiểu học bản Hưng 50 áo phao.

KHÔNG ĐỘI MŨ BẢO HIỂM CÒN QUẤY RẦY TƯỚNG NHANH

Vào khoảng 21h ngày 9/10, trong khi làm nhiệm vụ tại ngã tư Hoàng Minh Giám – Trần Duy Hưng và phát hiện một tốp thanh niên điêu khiển mô tô không đội mũ bảo hiểm, tổ công tác Y4/141 – CATP đã tiến hành chặn giữ hai chiếc xe wave màu đỏ và Dream không BKS chở các thanh niên có hành vi vi phạm giao thông theo đúng luật định.

Lực lượng CSGT đã yêu cầu kiểm tra, thanh niên trên đã không xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy phép lái xe và đăng ký xe buộc tổ công tác phải lập biên bản tạm giữ.

Trước thái độ cương quyết của tổ công tác, lúc này thanh niên trên đã lớn tiếng nạt nộ: “Chúng mày tuổi gì mà đòi giữ xe tao?”.

Trong lúc tổ công tác chuyển chiếc xe vi phạm trên lên xe tải chuyên dụng của CSGT, thanh niên trên sau một hồi hùng hổ giằng co đã cởi phăng chiếc áo phông trắng đang mặc để khoe ngực trần và lớn tiếng mạt sát, văng tục chửi bậy cả tổ công tác.

Trong quá trình bị khống chế, đối tượng trên còn liên tục chống cự, vùng vằng bất tuân hiệu lệnh trước sự “cổ súy” của cô bạn gái và nhóm bạn đi cùng.

Sau đó, vụ việc đã được nhóm thanh niên trên lớn tiếng thổi phồng, gọi điện thẳng cho Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh - GĐ Công an Hà Nội để vu khống” tổ công tác tự nhiên đánh chảy máu mũi, máu mồm công dân đang đi trên đường.

Tuy nhiên, qua phân tích bức ảnh chụp ngay tại hiện trường lúc đó (không hề có vết chảy máu mồm, máu mũi) người dân chứng kiến đã phủ nhận việc thanh niên trên bị hành hung và sẵn sàng đứng ra làm chứng toàn bộ vụ việc.

PHÁ BĂNG CƯỚP TIỆM VÀNG NGUY HIỂM NHẤT

Xác nhận với PV VietNamNet vào ngày 10/10, một lãnh đạo của Bộ Công an (cơ quan thường trực phía Nam xác nhận), Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (C45B) vừa phối hợp với các cục nghiệp vụ của cơ quan này vừa bắt giữ được 1 băng nhóm chuyên cướp tiệm vàng bằng súng.

Thông tin ban đầu của VietNamNet, băng cướp này có 7 thành viên và bắt đầu hành nghề cướp tiệm vàng bằng súng một cách chuyên nghiệp gần 10 năm nay. Tuy nhiên, cho đến nay cơ quan công an xác định có 2 đối tượng đã chết vì sốc ma túy; 5 thành viên còn lại thì đến nay có 4 kẻ đã bị bắt giữ.

Bước đầu các đối tượng đã khai nhận từ năm 2002 đến nay đã thực hiện 8 phi vụ dùng súng cướp tiệm vàng ở TP.HCM và nhiều tỉnh thành phía Nam như: Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Vĩnh Long…  để chiếm đoạt hàng trăm lượng vàng.

ÔSIN SẼ ĐƯỢC ĐÓNG BHXH

Một trong những điểm mới được bổ sung của Bộ luật Lao động sửa đổi là khi thuê người giúp việc gia đình (GVGĐ, người dân còn gọi là ô sin), người thuê phải ký hợp đồng lao động và thực hiện những quyền lợi cho lao động theo quy định.

Ông Đặng Đức San, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTB&XH) cho biết: Dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động lần cuối đã hoàn chỉnh và sẽ được trình Chính phủ trong tháng 10 tới để xin ý kiến.

Theo ông San, sang kỳ họp năm sau, nếu không phải sửa đổi gì thì trình Quốc hội xét duyệt thông qua. Sau đó, các vấn đề liên quan sẽ có các nghị định quy định cụ thể.

Trong Dự thảo Bô luật lần này, sẽ hướng tới quy định về hợp đồng bằng văn bản đối với những công việc mang tính chất dài hạn. Hợp đồng sẽ quy định về thời giờ làm việc. Người thuê lao động GVGĐ phải dành cho người GVGĐ thời gian nghỉ phép, có ngày nghỉ.

Sẽ có các quy định về tiền lương, điều kiện làm việc, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, thời gian làm thêm giờ, quy định về cho thôi việc, trả trợ cấp thôi việc… Trong trường hợp người GVGĐ có nhu cầu đi học, chủ sử dụng phải tạo điều kiện, đóng BHXH...

NỮ SINH ĐÁNH NHAU TRỌNG THƯƠNG

Sáng 10/10,  các bác sĩ khoa Ngoại chấn thương - Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cho biết, đã tiếp nhận cấp cứu và điều trị cho em Hệ Thị Yến H. (SN 1994, học lớp 11/6 Trường THPT Bắc Trà My, H.Bắc Trà My), bị chấn thương nặng vào đầu do bị một người dùng mũ bảo hiểm đập liên tiếp vào đầu khiến em bất tỉnh tại chỗ.

Theo hồ sơ điều tra ban đầu tại công an Thị trấn Bắc Trà My, em H. và Nguyễn Thị Yến Nhi (học lớp 11/7, cùng trường) có hiểu lầm, xích mích sau khi H. mất điện thoại di động.

Sau đó, chị gái và 3 bạn của Nhi đã tìm đến nơi H. ở để hành hung, nhưng được nhiều người can ngăn.

Biết được sự việc, gia đình H. đã gửi đơn tố cáo lên Công an thị trấn Bắc Trà My, cơ quan này đã triệu tập những người liên quan đến để lấy lời khai.

Tuy nhiên, đến ngày 8/10, H. bị Trần Thị Ái Na (SN 1994, trú tổ Đồng Bào, thị trấn Bắc Trà My) chặn lại và đánh vào đầu gây thương tích nặng khiến bị ngất xỉu tại chỗ.

Người nhà phát hiện nên đã đưa H. vào bệnh viện cấp cứu nhưng vết thương quá nặng phải chuyển viện.

Tại cơ quan công an, Trần Thị Ái Na thừa nhận đánh H. để cảnh cáo vì đã báo công an xử lý 4 người tấn công H. trước đó.

ĐỌC CHẬM

Hiểm hoạ khôn lường: Tàu về, chắn không hạ
Một tuần sau sự cố suýt gây thành thảm họa, lãnh đạo ngành đường sắt vẫn chưa có một biểu hiện nào để ngăn chặn những tình huống xấu sẽ tiếp tục xảy ra nhằm đảm bảo tính mạng, tài sản của nhà nước và công dân.
 
DIỄN ĐÀN GIAO THÔNG

Bộ trưởng GTVT sẽ đi xe buýt như thế nào
'Tốt nhất bộ trưởng nên vi hành thật sự, ăn mặc bình dân, tự đi bất ngờ không ai biết trên nhiều tuyến xe bus khác nhau, chắc bộ trưởng sẽ có được nhiều thông tin bổ ích...'.
 

Vĩnh Lâm (tổng hợp)