Để cống hiến cho khán giả Tanzania một chương trình nghệ thuật đậm chất Việt Nam nhưng gần gũi với văn hóa bản địa, ekip thực hiện “Halo Tanzania” đã gần như không ngủ từ khi đặt chân đến đất nước Đông Phi xa xôi này.
Dùng văn hóa “mở cửa” cảm xúc
- Trở về từ Tanzania anh mang theo những cảm xúc gì?
Ngày đầu tiên khi nhận lời tham gia dự án chưa có ý tưởng gì cụ thể, tôi đã gặp và trò chuyện với lãnh đạo của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel). Câu nói làm tôi nhớ nhất chính là: “Nếu được, hãy làm gì hãy làm điều đó cho Việt Nam và hình ảnh của Việt Nam, đừng coi đây là một chương trình của thương hiệu”. Vì nếu chỉ đơn thuần muốn quảng bá thương hiệu sẽ có nhiều cách làm khác hiệu quả và bớt vất vả hơn.
Và đây chính là tiền đề của “Halo Tanzania” và cũng là động lực cho chúng tôi tạo ra những gì đặc biệt nhất cho một dự án xa nhà nhưng chỉ được chuẩn bị trong một thời gian ngắn kỉ lục.
![]() |
Đạo diễn Việt Tú |
Xúc động là nhất là khi nghe Quốc ca Việt Nam được cử lên và sau đó hình ảnh cổng đỏ Văn Miếu từ từ mở ra, phía sau là dãy Kilimanjaro. Đó chính là ý nghĩa của sự kết nối, mở cửa và cùng phát triển cả trên phương diện văn hoá cũng như kinh doanh.
- Đây là vùng đất khá xa lạ với người Việt Nam. Anh làm thế nào để chương trình thể hiện được văn hóa Việt Nam nhưng vẫn không xa lạ với người bản địa?
Chúng tôi đã hiểu rằng chỉ có văn hoá và sức mạnh của văn hoá (soft power) mới là chiếc chìa khoá để mở ra bất kỳ cánh cổng nào đặc biệt là cảm xúc.
![]() |
Tiết mục mở màn Cô Đôi Thượng Ngàn. |
Vì vậy mới có ý tưởng sử dụng giá Cô Đôi Thượng Ngàn để mở đầu chương trình (tượng trưng cho sự mở đầu hanh thông đồng thời mong muốn được chia sẻ về hạnh phúc, tài lộc, và thịnh vượng) và sau đó là một màn nhảy múa của các bộ tộc Tanzania ở giây phút chúc mừng (tượng trưng cho những gì rất hồn hậu, chân thành, và sôi nổi); hay hình ảnh những cô gái Việt Nam xinh đẹp bên cạnh những chàng trai dũng mãnh của nhiều bộ tộc của Tanzania.
Tất cả ý tưởng đều bắt nguồn từ chính sự pha trộn không giới hạn của văn hoá mà biểu tượng chính là cánh cổng Văn Miếu và dãy Kilimanjaro - điều khán giả tại Tanzania được gặp ngay từ sảnh của khán phòng.
“Trắng đêm” tạo dựng sự hoà hợp, cùng phát triển
- Trong số những đạo cụ anh mang đến Tanzania có cả chục chiếc trống cái đây là một ý tưởng vừa thông minh nhưng vừa mạo hiểm. Vì sao lại là đạo cụ này?
Khi nói đến mạng di động thì người ta thường nghĩ đến những công cụ thể hiện kiểu hiện đại như nút nhấn. Nhưng những hình thức đó lại không đạt được ý nghĩa của sự hoà hợp, cùng phát triển.
Vì vậy chúng tôi đã quyết định chọn dàn trống Việt Nam phối hợp với dàn trống Tanzania để cùng đánh dấu giây phút đặc biệt ấy với sự cộng hưởng của công nghệ hình ảnh 3D ở hệ thống màn hình LED rất lớn phía sau để tạo thêm ấn tượng về thông điệp muốn truyền tải.
Đây là tiết mục làm tôi run nhất vì trên sân khấu lúc đó có đầy đủ các lãnh đạo cao nhất của Tanzania và các lãnh đạo phía Việt Nam, chưa kể đông đảo giới truyền thông của nước bạn phía dưới nữa.
- Việt Tú vốn nổi tiếng là người chịu chơi, thích những sân khấu hoành tráng, thích tấn công thị giác khán giả. Nhưng đây là một chương trình tận châu Phi xa xôi, anh làm cách nào vượt qua những khó khăn này?
Có thể nói chưa chương trình nào xa nhà tôi và ekip có được những điều kiện làm việc thuận lợi như trong sự kiện này. Chỉ trong chưa đầy 24 giờ từ khi ý tưởng của chúng tôi được chấp thuận, gần như tất cả đề xuất của ekip đều được đáp ứng (từ con người cho đến phương tiện) để tạo ra một sự kiện văn hoá đúng nghĩa.
Kể từ giây phút máy bay hạ cánh xuống Tanzania chúng tôi gần như không ngủ cho tới khi lên máy bay trở về Việt Nam.
![]() |
Sự kết hợp giữa trang phục thổ dân châu Phi và tà áo dài Việt Nam |
- Một chương trình văn hóa nhưng lại kết hợp để quảng bá nhãn hàng, mà dân nghệ thuật thường dị ứng với những thứ mang tính kinh doanh, vật chất. Anh giải quyết bài toán này ra sao?
Thế chẳng phải là các sự kiện văn hoá vẫn luôn cần sự đồng hành từ các thương hiệu lớn sao? Cá nhân tôi vẫn luôn trân trọng và đánh giá cao các thương hiệu lớn quan tâm và trân trọng văn hoá, đặc biệt là văn hoá Việt như Viettel. Hãy làm mọi người yêu quí chúng ta một cách chân thành, hiểu chúng ta một cách sâu sắc thông qua văn hoá, mọi chuyện khác sẽ đến một cách tự nhiên và vô điều kiện.
Nếu Viettel thực sự chỉ muốn quảng bá thương hiệu, tôi tin chắc sẽ không có những ấn tượng sâu sắc về đất nước và con người Việt Nam tại Tanzania như những ngày qua. Và nếu thực sự chỉ muốn quảng bá thương hiệu có lẽ họ cũng không cần phải vất vả như vậy.
- Xin cảm ơn anh.
“Halo Tanzania” là chương trình nghệ thuật trong lễ khai trương mạng di động Halotel- thương hiệu của Tập đoàn viễn thông Quân đội tại Tanzania. Đây là quốc gia thứ 10 mà Viettel kinh doanh (bao gồm cả Việt Nam) và cũng đánh dấu 10 năm đi đầu tư nước ngoài của Viettel. Ngày khai trương Halotel (15/10) cũng trùng đúng với ngày sinh nhật của mạng di động Viettel trong nước. Tanzania có dân số 50 triệu người và là thị trường nước ngoài đông dân nhất mà Viettel từng đầu tư. Theo dự kiến, sau 3 năm hoạt động Halotel sẽ có mặt trong danh sách 3 mạng di động lớn nhất (hiện có tổng cộng 7 mạng di động) và lên vị trí số 1 trong 2 năm kế tiếp. |
Thúy Ngà