Xây dựng bộ máy thống nhất, tinh gọn, hiệu quả

Sự ra đời của Bộ Dân tộc và Tôn giáo (DT&TG) trên nền tảng Ủy ban Dân tộc và tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo từ Bộ Nội vụ, có ý nghĩa đặc biệt đối với công tác dân tộc và tôn giáo tại Việt Nam.

10323198_TTg trao QĐ thành lập Bộ DTTG_25 07 03.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Nghị quyết của Quốc hội về thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo cho các lãnh đạo Bộ Dân tộc và Tôn giáo. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Dân tộc và Tôn giáo.

Theo Bộ DT&TG, sự kiện này không chỉ thể hiện tầm nhìn chiến lược và sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mà còn mở ra một giai đoạn mới, hứa hẹn nhiều đột phá trong việc đồng bộ hóa các chính sách về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước. 

Ngay sau khi được thành lập và tiếp nhận các chức năng mới, Bộ DT&TG nhanh chóng ổn định tổ chức, đi vào hoạt động; phương thức chỉ đạo, điều hành được đổi mới theo hướng tập trung, sâu sát và quyết liệt. 

Lãnh đạo Bộ nghiêm túc thực hiện quy chế làm việc, đảm bảo hiệu lực và hiệu quả trong mọi hoạt động. 

Các đơn vị trực thuộc chủ động xây dựng kế hoạch và dự toán nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu năm 2025, đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm do Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Đặc biệt, Bộ đã quán triệt và triển khai nhiệm vụ theo tinh thần "6 rõ" do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền. Qua đó giúp nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm cá nhân của công chức, đảm bảo tiến độ công việc. 

Công tác cải cách hành chính cũng đạt được những kết quả đáng kể. Nhiệm vụ cải cách hành chính 6 tháng đầu năm nay cơ bản hoàn thành, một số nội dung được triển khai tốt so với yêu cầu.

Mặt khác, Bộ DT&TG đã chủ động triển khai các nhiệm vụ liên quan đến tinh giản biên chế theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ, bao gồm việc thành lập Tổ công tác, ban hành kế hoạch triển khai, rà soát danh sách công chức, viên chức xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc thôi việc, thực hiện chi trả trợ cấp đúng quy định... Mục tiêu hướng tới nhằm xây dựng một bộ máy tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh chuyển đổi số

Ngay sau khi thành lập, Bộ DT&TG đã tích cực tham mưu xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý, điều hành chính sách dân tộc, tôn giáo. 

Các quyết định về chính sách dân tộc được ban hành theo hướng đa mục tiêu, tập trung phát triển toàn diện, bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) gắn với xây dựng nông thôn mới. 

Việc tích hợp nhiều chính sách, dự án, đề án trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN (gọi tắt là Chương trình 1719) đã góp phần giảm số lượng chính sách, tránh tản mạn, hạn chế chồng chéo, ưu tiên đầu tư cho các địa bàn khó khăn nhất. Cơ chế phân cấp trong quản lý đầu tư và kiểm tra, giám sát có sự tham gia của người dân cũng được tăng cường.

Triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ và thực hiện Quyết định số 1087/QĐ-TTg ngày 02/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc đến năm 2030”, Bộ DT&TG tích cực đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, chủ động ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành.

Nhiều chuyển biến ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ DT&TG cùng với nỗ lực của các cấp, các ngành, tình hình kinh tế - xã hội tại các DTTS&MN tiếp tục có những chuyển biến tích cực. 

10323181_Chương trình MTQG_25 07 03.jpg
Tình hình kinh tế - xã hội tại các DTTS&MN tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Dân tộc và Tôn giáo.

Các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là Chương trình 1719 đã góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Một trong những thành tựu nổi bật nhất là việc giảm tỷ lệ hộ nghèo. Tính đến hết 31/12/2024, tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS đạt bình quân 3,4%, dự kiến cả giai đoạn 2021-2025 đạt 3,2%, vượt mục tiêu kế hoạch giao (3%).

Thu nhập bình quân của người DTTS tính đến hết 31/12/2024 đạt bình quân 42,7 triệu đồng, dự kiến cả giai đoạn đạt 46,4 triệu đồng, tăng 3,3 lần so với năm 2020 (vượt mục tiêu tăng trên 2 lần).

Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát được triển khai mạnh mẽ. Tính đến ngày 19/6/2025, cả nước đã hỗ trợ xóa được 262.843 căn, đạt 94,7% nhu cầu (277.420 căn), trong đó 224.854 căn đã khánh thành. Đáng chú ý, 38/63 địa phương (tương đương 60,32%) đã hoàn thành mục tiêu này.

Công tác giáo dục tiếp tục được quan tâm sâu sắc. 5/5 chỉ tiêu về công tác giáo dục trong Chương trình 1719 đã đạt và vượt mục tiêu đề ra. Đặc biệt, chính sách miễn học phí cho học sinh công lập từ tháng 9/2025 đã mang lại sự phấn khởi to lớn trong nhân dân.

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là phòng chống dịch bệnh và tiêm vắc xin, được triển khai tốt. Chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho đồng bào DTTS và cấp thuốc miễn phí cũng được quan tâm. Nhóm mục tiêu tăng cường công tác y tế để đồng bào DTTS được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại đạt 3/4 chỉ tiêu đề ra.

Chính sách hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS&MN giai đoạn 2020-2025 đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ DTTS trong nhiều lĩnh vực. Tỷ lệ phụ nữ DTTS trúng cử đại biểu Quốc hội ngày càng tăng. Phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế.

Thông qua Tiểu dự án 9.2 của Chương trình 1719, hàng chục nghìn cuộc tư vấn và hàng nghìn lớp tập huấn, hội nghị phổ biến kiến thức về chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết đã được triển khai tới gần 200.000 người. Nhờ vậy, tỷ lệ tảo hôn ở một số tỉnh có xu hướng giảm dần, bình quân giảm từ 0,4% - 1%/năm.

Bên cạnh phát triển kinh tế, Bộ DT&TG cũng đặc biệt chú trọng đến các hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Cả 2/2 chỉ tiêu về bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong Chương trình 1719 đều đạt và vượt kế hoạch.

Tăng hiệu quả quản lý nhà nước về tôn giáo

Tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo, Bộ DT&TG nhanh chóng khẳng định vai trò trong việc thực hiện chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam.

Bộ đã tham mưu triển khai hiệu quả các văn bản của Đảng, Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt là các Chỉ thị, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác tôn giáo trong tình hình mới. 

Các vấn đề phức tạp liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo được kịp thời phát hiện và xử lý. Số vụ khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo giảm mạnh cả về số vụ và tính chất, quy mô, tăng lòng tin của nhân dân đối với cơ quan nhà nước.

10323124_Chủ tịch nước Lương Cường dự khai mạc Đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm 2025 tổ chức tại TP.HCM_25 07 03.jpg

Chủ tịch nước Lương Cường dự khai mạc Đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm 2025 tổ chức tại TP.HCM. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Dân tộc và Tôn giáo.

Đại lễ Vesak 2025 được đánh giá là một điểm sáng trong lĩnh vực tôn giáo 6 tháng đầu năm. Bộ DT&TG đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành trung ương hướng dẫn, giúp đỡ Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 tại TPHCM (từ ngày 6-8/5). 

Đại lễ có sự tham dự của lãnh đạo cấp cao Việt Nam, 16 đại diện Chính phủ các nước, cùng chư tôn đức Tăng vương, Tăng thống và lãnh đạo các tổ chức Phật giáo từ 72 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Sự kiện này không chỉ khẳng định chính sách tự do tôn giáo của Việt Nam trên trường quốc tế mà còn góp phần quảng bá tích cực hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Cùng với đó, công tác đối ngoại tôn giáo được tăng cường, triển khai đúng nguyên tắc, góp phần thúc đẩy ngoại giao nhân dân. 

Bộ DT&TG đã chủ động hướng dẫn các tổ chức tôn giáo tham gia các diễn đàn tôn giáo thế giới và khu vực. 

Công tác hợp tác quốc tế về dân tộc, tôn giáo có nhiều tiến bộ. Điển hình như Việt Nam đã thiết lập việc trao đổi thông tin với các đối tác trong khu vực và mở rộng quan hệ với các nước như Ấn Độ, Úc, Ai-len, New Zealand, Nhật Bản. 

Bộ DT&TG đã tham gia xây dựng, ban hành Báo cáo nhân quyền tháng 1, 2, 4, 5 và quý 1/2025 gửi Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền; tham dự và đóng góp ý kiến đối với dự thảo báo cáo kết quả đối thoại nhân quyền Việt Nam - Hoa Kỳ tại Bộ Ngoại giao (ngày 7/1).

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã tiếp xã giao Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam (ngày 22/4), Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (ngày 21/5) và trao đổi về những vấn đề cùng quan tâm...

Kiên trì, nỗ lực kiến tạo nền tảng phát triển bền vững

Nhìn lại 6 tháng qua, Bộ DT&TG đã tạo nên dấu ấn đậm nét trong công tác dân tộc và tín ngưỡng, tôn giáo. 

Với sự chỉ đạo quyết liệt, phương pháp làm việc đổi mới, cùng sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, Bộ DT&TG đã và đang kiến tạo những nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện, bền vững của vùng đồng bào DTTS và tôn giáo, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần vào sự ổn định và phát triển chung của đất nước. 

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Bộ DT&TG cũng thẳng thắn nhìn nhận không ít khó khăn trong triển khai Chương trình 1719.

Cụ thể là vẫn còn một số nhóm mục tiêu chưa đạt như: Cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn (khu vực III) và thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS&MN; số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; mục tiêu về công tác định canh, định cư, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào…

Có thể thấy, chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thử thách, đòi hỏi Bộ DT&TG cần có sự kiên trì và nỗ lực hơn nữa, tiếp tục khẳng định vai trò, tầm quan trọng của một cơ quan chuyên trách đủ mạnh để giải quyết các vấn đề đa dạng, phức tạp liên quan đến dân tộc và tôn giáo trong bối cảnh hội nhập hiện nay.