Phải đảm bảo liên lạc trong bão Kalmaegi 

Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) Bộ TT&TT vừa có công điện gửi Sở TT&TT các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Trị và các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông về việc  đảm bảo an toàn mạng lưới bưu chính,viễn thông và thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống cơn bão Kalmaegi (bão số 3).  

Bộ TT&TT yêu cầu các doanh nghiệp phải tổ chức triển khai ngay các phương án phòng, chống bão, phương án ứng cứu thông tin và phương án đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo điều hành của các cơ quan Đảng, chính quyền địa phương các cấp trong phòng, chống bão số 3. Đặc biệt đối với việc gia cố lại toàn bộ nhà trạm, cột cao, anten thuộc các hệ thống đài phát, đài thu vô tuyến, các hệ thống truyền dẫn, thông tin di động và mạng ngoại vi, bổ sung kịp thời các thiết bị dự phòng trên mạng lưới như thiết bị nguồn điện, máy nổ, nhiên liệu máy nổ, ắc quy cho các đơn vị trên địa bàn dự kiến nằm trong ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3 và lũ lụt sau bão. Toàn bộ công tác triển khai xong trước 15h ngày 16/9/2014.

Bộ TT&TT yêu cầu Cục Bưu điện Trung ương, VNPT phải chuẩn bị sẵn sàng và đầy đủ cho việc tổ chức thông tin bằng xe cơ động cho đoàn công tác của Chính phủ và Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đến các địa phương có khả năng bão đổ bộ trực tiếp khi có yêu cầu. Đồng thời, các đơn vị này phải tăng cường bổ sung phương tiện, trang thiết bị thông tin tại các công ty và viễn thông tỉnh trên địa bàn các tỉnh nói trên để sẵn sàng ứng cứu thông tin, đảm bảo an toàn tuyệt đối thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả cơn bão số 3 của Trung ương và chính quyền địa phương các tỉnh nói trên bằng các phương thức cố định, di động, vô tuyến sóng ngắn và vệ tinh, sẵn sàng ứng cứu thông tin trong trường hợp giao thông các tỉnh bị chia cắt do bão.

Nhà mạng lên kế hoạch phòng chống bão

Ngay khi có thông tin về cơn bão, VinaPhone đã huy động toàn bộ nguồn lực kỹ thuật tại trung tâm khu vực miền Bắc và các tỉnh có bão chuẩn bị ứng trực 24/24. Rà soát, kiểm tra, tăng cường độ cao an toàn cho hơn 1.200 trạm phát sóng 2G và 3G tại 2 tỉnh tâm bão là Hải Phòng và Quảng Ninh tránh thiệt hại khi có sự cố. Bổ sung 2 xe phát sóng lưu động túc trực sẵn sàng ứng cứu thông tin. Mặt khác, VinaPhone cũng chuẩn bị vật tư dự phòng đảm bảo ứng cứu thay thế hoàn toàn cho 5 trạm phát sóng.

Sau bão, đề phòng mất điện trên diện rộng, Lãnh đạo VinaPhone đã chỉ đạo điều động thêm 20 máy nổ để ứng cứu cho Hải Phòng và Quảng Ninh. Đặc biệt, hơn 300 trạm phát sóng ở các vị trí quan trọng ưu tiên đảm bảo liên lạc trong bão được tiếp xăng, dầu dự phòng, gia cố cột trụ, phòng chống úng ngập triệt để.

Bên cạnh đó, VinaPhone đã phối hợp với các Viễn thông địa phương kiểm tra tất cả các cơ sở nhà trạm, kho tàng, phòng làm việc thuộc quản lý của đơn vị có nguy cơ bị úng ngập, di chuyển hoặc có phương án hạn chế thiệt hại tài sản, ảnh hưởng đến thông tin liên lạc.

 Ông Lê Văn Minh, Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật khu vực miền Bắc cho biết: “Nhờ tinh thần chủ động phòng chống, VinaPhone sẽ hạn chế đến mức tối thiểu những thiệt hại do cơn bão Kalmaegi gây ra. Với những nỗ lực của mình, VinaPhone sẽ đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt qua đó hỗ trợ cho công tác bảo đảm an ninh quốc phòng và phòng chống bão lũ tại các địa phương nơi cơn bão đi qua cũng như việc khắc phục hậu quả sau cơn bão".

Theo VNPT Quảng Ninh, đơn vị đã triển khai hàng loạt công việc như: bố trí lực lượng xung kích sẵn sàng tham gia xử lý, ứng cứu, hỗ trợ các đơn vị cơ sở là 5 Trung tâm Viễn thông; trực lãnh đạo và bố trí lực lượng ứng phó ngay tại các địa bàn xung yếu; kiểm tra và củng cố trang thiết bị mạng lưới, máy phát điện dự phòng để sẵn sàng trong trường hợp mất điện diện rộng và kéo dài, đảm bảo an toàn TTLL trong mọi tình huống; bố trí sẵn sàng xe lưu động với thiết bị CODAN để phục vụ Ban chỉ huy  PCLB các cấp 24/24 giờ; cử nhân viên đến những điểm lắp đặt IP-VISAT tại các địa bàn kiểm thử chất lượng thông tin (riêng Móng Cái, Cô Tô có cả thiết bị Imasat-Vsat IP), bàn giao cho đơn vị sử dụng để phục vụ công tác PCLB.

Còn tại Hải Phòng, ngay từ đầu mùa bão đơn vị này đã lập phương án phòng chống mà trọng tâm là tăng cường đảm bảo an toàn cho các cột anten, BTS, nhà trạm... các công việc này được hoàn tất từ cuối tháng 6/2014. Từ chiều qua 15/9, VNPT Hải Phòng đã bố trí lực lượng kiểm tra một lượt tất cả vị trí nhà trạm, cột cao, trong đó chú ý việc chống dột, chống tắc nước mái sau bão... Đơn vị đã kiểm tra tất cả các máy cố định, máy liên lạc vệ tinh quan trọng phục vụ PCLB của Thành phố, thử tốt hệ thống VHF và yêu cầu liên lạc định giờ (2giờ/ phiên); đồng thời phát lệnh trực chống bão tới toàn bộ lực lượng xung kích, tăng cường nhân lực bố trí trực chống bão tại các vị trí xung yếu.

Đại diện MobiFone cho hay, nhằm đảm bảo thông tin liên lạc cho người dân tại khu vực bão sắp đổ bộ, MobiFone đã triển khai ngay các phương án phòng chống lụt bão. Cụ thể, MobiFone lên phương án trực bão lụt, thường xuyên cập nhật, theo dõi đường đi của bão. Sẵn sàng ứng cứu thông tin, điều hành mạng lưới 24/24h và rà soát, kiểm tra cơ sở hạ tầng, độ cao các trạm.

MobiFone đã chuẩn bị đầy đủ các phương tiện an toàn lao động, dụng cụ ứng cứu thông tin cho cán bộ đi phòng chống lụt bão như máy nổ, xăng dầu, hạn chế tối đa mất liên lạc do mất điện lưới, điều động nhân lực và máy phát điện và điều động hơn 300 nhân sự trực, sẵn sàng ứng cứu thông tin. MobiFone cũng chuẩn bị hơn 3.000 máy phát điện để sử dụng trong trường hợp mất điện lưới và chuẩn bị ô tô, các phương tiện khác cho phương án di chuyển trong bão

MobiFone cũng hoàn thiện việc kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời tất cả các trạm phát sóng tại khu vực Đông Bắc Bộ, gia cố chắc chắn cho hơn 200 cột phát sóng ven biển tại 4 tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định. Bên cạnh đó, MobiFone đã điều động 15 đội ứng cứu thông tin, truyền dẫn viba, outdoor của các đối tác để sẵn sàng triển khai trong những trường hợp khẩn cấp.