Nhà văn Lê Thị Mây sinh ra ở Bảo Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình. Bà từng nghẹn ngào chứng kiến bao nỗi thăng trầm nơi vùng biển quê mình. 16 tuổi, sau 3 năm rời quê hương khi trở về, bà đau khổ khi chứng kiến cảnh bom đạn tàn phá xóm làng.
Một cô giáo rất trẻ đã hy sinh khi đang cố đưa những đứa trẻ cuối cùng xuống hầm tránh bom... Đó là những cảnh tượng mà khi được nhắc lại, nước mắt bà lại ứa trào, tiếng khóc lại nấc nghẹn.
Tất cả những cảm xúc đó bà để ấp ủ, để tự mình mang nặng đẻ đau một "đứa con" tinh thần. Khi mà người thanh niên xung phong này đã đi qua 64 mùa xuân tươi đẹp, khi mái tóc và vẻ đẹp của một người phụ nữ, cùng với năm tháng đã qua, in hằn trên khuôn mặt thì “đứa con” mới được sinh ra, đó chính là trường ca "Người sau chân sóng".
![]() |
Nhà văn Lê Thị Mây (áo xanh) chụp ảnh lưu niệm cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2003. |
Chỉ cần nhắc về biển, đôi mắt bà đã sáng lên và chất giọng Quảng Bình đặc trưng: “Biển cho tôi cảm xúc! Một cảm xúc dạt dào như những con sóng đánh vào tâm hồn của những người cầm bút…Trong 1000 giấc mơ của tôi, có đến 80% liên quan đến biển” nhà văn Lê Thị Mây tâm sự.
Tâm sự này chắc chắn là sự thực, bởi nhắc đến biển, nhắc đến ký ức xưa, khuôn mặt của nhà văn Lê Thị Mây lập tức chùng xuống. Bà nhớ về những ngày thơ ấu khi nghịch ngợm và vui đùa bên dòng sông Nhật Lệ êm đềm. Bà nhớ những ngày đạn bom, khói lửa, đã để lại dấu ấn không chỉ trong tâm trí mà còn trên cả thịt da. Cảm xúc tới độ bà không thể tiếp chuyện được với người viết sau chưa đầy nửa giờ.
Có lẽ vì thế trong “Người sau chân sóng”, một đời sống biển đậm đặc chất liệu, cả môi trường biển, tính cách biển và tâm lý biển hiện lên rõ nét.
Trích chương 38 - Thánh khúc tha nhân (Người sau chân sóng) Thưa, Người đấy ư? Không có tiếng trả lời. Chỉ mơ hồ cát bay. Bay nghìn đời, giờ bay rất khẽ. Đem trả về muôn nẻo dấu chân. Mỗi dấu chân đầy trăng, cùng hơi thở. Cùng niềm lo âu trằn trọc chưa nguôi. Gió rừng dương liễu nhoai ra biển rì rào. Thưa Người. Ngày tháng trên cát gió đưa bút mãi ghi. Người đã dừng chân, dù chỉ một lần. Trăng còn sáng vừng trăng đêm hè rạng rỡ. Lịch triều ròng, hải lưu nóng ngoài khơi. Gà trống An Tiêm trong mơ giật mình cất tiếng gáy. Cửa Lệ Giang thức trắng đón mặt trời. Thưa Người. Sao Người trọn đời thức trắng? Cả thành phố và tả, hữu ngạn Lệ Giang người người giấu tiếng tù và trong ngực để chờ reo. Vừng dương hóa ức triệu bàn tay cờ đỏ. Người đính lên cờ rực rỡ ánh Sao Khuê. Muôn mắt thuyền mừng vui rưng rưng sóng.
Người đến khi mặt trời mọc. Người thức suốt đêm trăng phóng tầm mắt ngư ông. Người đã vượt các đại dương bể khổ. Đi trọn vòng trái đất chửa dừng chân. Sau chân sóng, khát vọng còn reo gọi. Sau chân sóng, Người đơn sơ hình bóng tha nhân. Đối diện Biển Đông Người nghe nhạc nước. Tha nhân, thưa Người. Người vẫn thức trong hồn cát mêmh mông? Bia tưởng niệm lồng lộng cây đèn biển Hơn nửa thế kỷ vừa trôi, Người nâng muối kết tinh làm ngọc. Muôn tấm lòng dào dạt sóng vang ngân. Trong nhịp tim Người, hòa nhịp sống ngư ông. Mỗi nhịp tim đổ rền theo chân biển. Sóng dềnh dàng, thuyền được sóng nâng đi. Tiếng ai hỏi chân sóng thế nào ư? Hãy cùng Người lắng nghe muôn nghìn con nhạc nước. Nước mặn thế, tự khóe mắt thức ngủ. Giọt lệ trào và máu thắm ngàn năm. Người ngóng về con sóng hướng trời Nam. Đăm đăm nước, sâu khôn cùng nguyện ước. Vắt qua vai Người giây đàn đường Thiên Lý. Giây đàn rung nối Bắc về Nam. Nối trời Nam lên hồn xanh Lũng Cú. Hộp đàn bầu, ngực biển, gió bên lưng. Tha nhân từng theo mẹ vượt Đèo Ngang. Biển Đông đấy, là ao nhà bé nhỏ. Bàn chân Người sãi bước tới kinh Đô. Khung cửi Mẫu thân dệt điềm trời núi Hóng. Giải lụa non sông cuộn gấm vóc sao băng. Nửa thế kỷ trôi, nửa thế kỷ sau tiếp nữa. Cho dấu chân Người trên cát ngợp mùa trăng. Tha nhân, thưa Người. Người yêu biển, Người nghe sóng, nghe thuyền. Nghe tiếng kêu lũ cá cơm cá ruội. Nghe lời kể của những ngư ông làng Sáo. Nghe lời kể những trai đinh vào lễ. Cất tiếng tù và vỡ giọng biển oang oang. Nhạc nước từ bờ xanh ra đảo mênh mang. Trên bàn tay là lưới là buồm, là chèo, là lái. Là nhạc tù và là long lanh sò huyết. Trên tay là cá mà không phải cá. Là vầng dương, là vằng trăng có đuôi huyền hoặc. Yên tĩnh, vẫy vùng ngời ngợi tỏa lân tinh. Người là Tha nhân. Thi nhân. Người ứng cơ trời xoay vần thế nước. Sóng trắng bờ, tóc trắng các ngư ông. Người dừng chân, nhịp tim vượt sóng. Đất nước bị chia lìa trời Nam biển Bắc. Biển sẽ mở con đường, rừng sẽ cõng trai đinh đi cứu nước. Bóng Người thức, đêm ấy, bóng Tha nhân khuyết nửa vầng trăng thức. Trăng nửa bờ xõa sóng gọi chài ngư. Tư tưởng Người nén lặng vào muối, vào cát, vào cây nên chữ thả hồn thơ. Tâm nguyện Người ấm eo biển miền Trung. Từng hạt cát dội âm âm con nước rặc. Làng Sáo Làng Câu, hữu ngạn, tả ngạn sông, đỉnh Thần Đinh, U Bò và phố. Ngữa bàn tay nghe máu đỏ lên đường. Mở bàn tay nghe buồm dựng, xô thuyền. Tha nhân cùng ngư ông vượt biển. Đấy là đêm con nước thủy nước sinh. Chà khơi, chà khơi, điệp điệp rừng chà khơi náo động đại dương. Đấy là đêm từng canh gà gáy sáng. Người ngóng phương Nam hiểu thấu bến bờ. Người hiểu lòng dân, lo vận nước buổi cam go. Con sông biếc nhịp cầu văn nhân đếm ván. Mực văn nhân dậy đỏ máu đào. Người, Tha nhân trở tay gặp giây hoa muống biển. Nối trùng trùng tay sóng tới Cà Mau. Đấy là đêm Người chèo lái con thuyền tư tưởng. Các trai đinh chở nặng súng lướt thuyền. Cánh buồm hóa ngọn cờ bất tử bươn khơi. Trận đánh lớn, dài lâu không thể khác. Người nghe buồm nghe gió chuyển sức trai. Tâm Nguyện Người trọn con đường cứu nước. Gà An Tiêm gọi sáng đón ban mai. Hỡi Tha nhân, rừng dương liễu nén lặng tiếng thở dài. Trong tiễn biệt, mong Người trở mau lại. Rừng dương liễu ngóng chờ nhẫn nại. Nửa thế kỷ trôi qua nửa thế kỷ tiếp ngóng trông. Những dấu chân, những dấu chân trai đinh làng Sáo, làng Câu. Xin được ướm nối bước chân Người cứu nước. Mỗi bến bờ thắng giặc, áo cơm, thăm thẳm sâu. Hỡi Tha nhân ngóng ra đảo gặp vừng dương. Người hay An Tiêm đang trồng dưa hấu đỏ. Người hay Lạc Long Quân đang tuần thú giữ bình yên thềm lục địa. Người đang cùng ngư ông vây bắt lũ ngừ lựa sóng tránh mồi. Người đang cùng trai đinh thả bè nuôi tôm hùm khoe râu, nuôi lũ sò ngậm ngọc. Đám dìa hoa, gọi cá kiếm tung cờ. Hỡi Tha nhân, Người hiền từ sẻ chia cùng góa phụ. Cõng trên lưng nghìn cơn bão, sóng thần. Chiếc nôi nhỏ tay Người ru đẩy. Bát cơm Người sẻ nửa còn nguyên. Ngừng tay ru, Người nghe nhạc nước biế đảo nương thuyền. Lòng Lãnh tụ mở vịnh xanh biếc sóng. Sắc hòa bình rọi thăm thẳm trời cao. Hỡi Hiền nhân mặc áo ngư ông, áo lộng gió nên buồm. Tay bện vào tay nên giây neo cày sóng, yêu bờ giữ bến. Hỡi Tha nhân. Người đi khắp bốn biển năm châu để trở về ứng cơ trời tự lòng dân vạn đại. Trên lòng tay cá đập nước, thình thịch đập trái tim Sau chân sóng, tóc Người trắng chân mây. Vừng trán người sóng khuya hằn nếp nghĩ. Những nghĩ suy vượt tầm có cánh mãi còn bay. Là hải âu, yến sào, én biển, chim nhạn biển. Bay nghìn sãi nước, tìm đậu cây chà khơi. Tư tưởng Người muôn lời bay có cánh. Ôm mạn thuyền vạn chài yêu đảo. Vòng tay Người chèo chống lúc lâm nguy. Hỡi bến bờ Cong cong Hồn chữ S Đây biển Việt Nam Hỡi Người, áo Ngư ông của Người lộng gió no buồm. Người nghinh đón bốn phương nghanh tài hữu nghị.
Người mượn Sao Khuê làm mồi câu. Mặt trời mặt trăng hóa rồng vũ trụ. Có khi trăng hóa làm thuyền. Mặt trời hóa cánh buồm đỏ thắm chở Nguời xa. Người mê mãi vượt bốn biển đến được năm châu, cho lòng dân hòa ca nhạc nước. Con mắt thuyền ngời ngợi ánh cờ sao. Và dấu chân Người trong dấu chân ngư ông cùng các trai đinh quần tụ. Những dấu chân quẫy sóng bám thuyền. Những dấu chân lún cát bám làng. Tay thì nâng sông xanh lên soi mặt. Thấy miền Trung nhấp nhô trăm nghìn đảo. Thấy sau lưng điệp điệp Trưường Sơn. Hoàng Sa, Trường Sa – Hòn non bộ của bờ Mẹ-đất-liền. Cánh đại bàng yêu đảo bay về biển. Cánh hải âu nhớ nguồn bay tìm tháp đèn biết mắt thuyền cay sóng. Nước nguồn xanh làm mực cho thi nhân. Hỡi Tổ quốc Việt Nam muôn đời nghe nhạc nước. Bản thánh ca khởi nguyên phồn thực phồn sinh. Mỗi nét bút vẽ nên bến bờ cong cong hình thiếu nữ. áo dài bay gấm vóc cả giang sơn, lộng lẫy vạt Ngân Hà. |