Tuyên truyền đi vào chiều sâu, lan tỏa đến từng hộ gia đình

Trong những năm gần đây, tỉnh Nghệ An đã có nhiều nỗ lực nổi bật trong công tác triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ). 

Với quyết tâm xây dựng một môi trường sống an toàn, lành mạnh, văn minh trong mỗi gia đình, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, đồng thời triển khai nhiều mô hình, giải pháp thiết thực tại cơ sở. Những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành vi của người dân đã cho thấy hiệu quả bước đầu tích cực của các chương trình này.

Ngay sau khi Luật PCBLGĐ (sửa đổi) năm 2022 chính thức có hiệu lực, Nghệ An đã tổ chức quán triệt và triển khai nghiêm túc từ cấp tỉnh đến cơ sở. Công tác tuyên truyền không chỉ dừng lại ở các khẩu hiệu hay hội nghị phổ biến, mà còn được lồng ghép khéo léo vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

W-giadinh1.png
Nghệ An đang quyết tâm xây dựng một môi trường sống an toàn, lành mạnh, văn minh trong mỗi gia đình. Ảnh minh họa

Các hình thức tuyên truyền ngày càng phong phú và sáng tạo: từ các tiểu phẩm sân khấu hóa phản ánh tình huống bạo lực gia đình, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, đến hệ thống pano, áp phích, loa phát thanh, mạng xã hội như Facebook, Zalo... Nhờ đó, thông điệp về phòng chống bạo lực, giữ gìn đạo đức, nếp sống văn hóa trong gia đình đã len lỏi vào từng ngõ nhỏ, từng mái ấm, từng trái tim người dân.

Tính đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có kế hoạch truyền thông, tuyên truyền về công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình. Nhiều địa phương còn chủ động xây dựng các kịch bản truyền thông riêng phù hợp với đặc thù địa phương, tổ chức hội thi, hội diễn, tọa đàm gia đình văn hóa, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Những con số biết nói

Theo số liệu thống kê quy định tại Thông tư số 07/2017/TT-BVHTTDL ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, 2 năm qua, trên địa bàn tỉnh có 315 vụ bạo lực gia đình, giảm so với giai đoạn trước khi luật PCBLGĐ sửa đổi có hiệu lực. Điều đó phản ánh sự chuyển biến rõ rệt trong ý thức tuân thủ pháp luật và trong văn hóa ứng xử giữa các thành viên trong gia đình.

Tỷ lệ người dân biết đến Luật PCBLGĐ đã tăng lên đáng kể; nhiều hộ gia đình hiểu rõ hơn về các hành vi được coi là bạo lực gia đình, về quyền được bảo vệ của phụ nữ, trẻ em và các thành viên yếu thế trong gia đình. Đặc biệt, những định kiến giới truyền thống dần được thay thế bằng lối sống tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và trách nhiệm.

Một điểm sáng nổi bật trong công tác phòng chống bạo lực gia đình tại Nghệ An chính là việc nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình tiên tiến như “Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững”, “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình cấp xã/phường...

Các mô hình này là nơi chia sẻ, tư vấn, can thiệp kịp thời các vụ việc, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi nhận thức của người dân về giá trị gia đình, vai trò bình đẳng giữa các thành viên. Nhiều phụ nữ, trẻ em- những người từng là nạn nhân bạo lực đã tìm được sự hỗ trợ, chỗ dựa tinh thần, thậm chí có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng và làm chủ cuộc sống.

Các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở cũng đã phát huy vai trò trong công tác phối hợp, đồng hành, hỗ trợ người dân. 

Việc thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được chú trọng, giúp chuẩn mực hóa hành vi ứng xử giữa vợ chồng, cha mẹ - con cái, ông bà - cháu... Từ đó từng bước hình thành những nếp sống nhân văn, nghĩa tình.

Công tác tuyên truyền, giáo dục đời sống gia đình ở Nghệ An không tách rời mà luôn gắn bó chặt chẽ với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều địa phương đã đưa các nội dung về gia đình, PCBLGĐ vào kế hoạch phát triển thường niên; lồng ghép vào các chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phòng chống tệ nạn xã hội…

Ngoài ra, các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ 25/11 cũng được tổ chức quy mô, thiết thực, trở thành dịp để tôn vinh giá trị gia đình, lan tỏa thông điệp yêu thương và trách nhiệm.

Trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An xác định tiếp tục lấy gia đình làm trung tâm trong phát triển con người toàn diện, lấy công tác tuyên truyền, giáo dục làm nhiệm vụ xuyên suốt và ưu tiên. Các giải pháp sẽ được triển khai đồng bộ hơn, sát với từng đối tượng, từng khu dân cư, chú trọng phát huy vai trò tự quản trong cộng đồng.

Đồng thời, tỉnh sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật PCBLGĐ; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tiếp tục nhân rộng các mô hình điểm; nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành trong công tác gia đình; chủ động phòng ngừa, phát hiện và can thiệp sớm các nguy cơ xâm hại, bạo lực gia đình.