![]() |
Trong 3 ngày qua (từ 13-16/10), các tỉnh miền Trung đã phải hứng chịu lượng mưa kỷ lục trong lịch sử. Số liệu quan trắc từ cơ quan khí tượng thủy văn cho thấy, tỉnh Quảng Bình đã có mưa lớn với lưu lượng đạt kỷ lục 700 -1.000 mm, cao nhất từ trước đến nay. Theo báo cáo nhanh của Chi cục Phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung, tính đến ngày 15/10, mưa lũ đã làm 3 người chết, 5 người mất tích và 12 người bị thương, 57.000 hộ dân bị ngập. Tại Hà Tĩnh, mưa lớn từ thượng nguồn đổ về kết hợp với thủy điện Hố Hô xả lũ đã khiến cho nhiều nhà dân bị thiệt hại nặng.
Ngay trong đêm và rạng sáng 16/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp khẩn về tình hình mưa lũ tại Quảng Bình. Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ban hành công điện khẩn số 05 chỉ đạo Sở TT&TT các tỉnh, thành phố; các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông chủ động ứng phó với mưa lũ và bão số 7.
Thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ và Bộ TT&TT, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone đã lên kế hoạch ứng phó với diễn biến mưa lũ. Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của MobiFone đã vào vùng rốn lũ, thông tin được cập nhật về mạng lưới của MobiFone chính xác.
Do ảnh hưởng của mưa lũ, mạng lưới thông tin liên lạc của Tổng Công ty Viễn thông MobiFone cũng bị ảnh hưởng không nhỏ tại Hà Tĩnh và Quảng Bình. Cụ thể, MobiFone đã có hàng chục trạm phát sóng bị ngập, nhiều trạm bị mất liên lạc do mất đường truyền dẫn, gần 100 trạm gặp sự cố mất điện do mưa lũ, phải chạy bằng máy phát điện. Các đơn vị của Công ty Dịch vụ MobiFone khu vực 6 hết sức tích cực ứng cứu thông tin, khôi phục thông tin liên lạc vùng bão lũ, hợp đồng giữa mạng lưới miền Bắc và mạng lưới miền Trung để khắc phục nhanh sự cố, khắc phục thông tin liên lạc.
Trong mưa lũ, tại một số địa phương miền Trung đã xảy ra tình trạng cô lập, bị chia cắt về giao thông. Thông tin liên lạc càng trở thành phương tiện sống còn để kết nối mọi người, cập nhật từng giờ, từng phút diễn biến của mưa lũ và những thông tin chỉ đạo phòng chống lũ lụt, hướng dẫn cách khắc phục hậu quả của chính quyền các địa phương. Tổng Công ty Viễn thông MobiFone một mặt tăng cường tối đa nguồn nhân lực và phương tiện kỹ thuật, đảm bảo tốt thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành chống lũ của lãnh đạo các địa phương, một mặt chuẩn bị sẵn sàng các phương án đối phó với những diễn biến khó lường của thời tiết, giữ vững hệ thống thông tin liên lạc ở miền Trung, cũng như đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và thiết bị.
MobiFone đã tổ chức gia cố lại nhà trạm, các tuyến truyền dẫn, cột ăng ten và mạng ngoại vi, kịp thời bổ sung các thiết bị, vật tư dự phòng cho mạng lưới như máy nổ, nhiên liệu, ắc quy… đồng thời tăng cường, bổ sung phương tiện, trang thiết bị thông tin vệ tinh Inmarsat, VSAT, các trạm BTS di động và xe cơ động thông tin cho các công ty dọc trên địa bàn các tỉnh được dự báo ảnh hưởng trực tiếp của bão để sẵn sàng ứng cứu thông tin trong trường hợp giao thông bị chia cắt.
Theo báo cáo của Công ty Dịch vụ MobiFone khu vực 6, đến 9h sáng nay (16/10), tại Quảng Bình đã tạnh mưa, đường đi đã thông xe vào được đến Quảng Bình, khu vực thành phố Đồng Hới nước đã rút. Trung tâm Mạng lưới miền Bắc MobiFone đang thực hiện tăng cường khắc phục hậu quả sau lũ. Hiện tại, mọi sự cố cơ bản đã được khắc phục xong, mạng lưới thông tin liên lạc của MobiFone đã được thông suốt.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong những ngày tới tình hình thời tiết còn có khả năng diễn biến thất thường khi lũ miền Trung chưa kịp rút thì sáng nay (16/10) cơn bão số 7 đã đi vào biển Đông. Tổng Công ty Viễn thông MobiFone chỉ đạo các đơn vị quản lý 9 tỉnh ven biển theo dõi sát mọi diễn biến của thời tiết, chuẩn bị các hạng mục theo phương án phòng chống lụt bão, đảm bảo nguồn lực ứng cứu thông tin tại chỗ, chủ động ứng phó với mọi diễn biến bất thường của thời tiết, đảm bảo giữ vững thông tin liên lạc phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhân dân và chỉ đạo của chính quyền các địa phương.
Ngày 15/10/2016, Bộ TT&TT đã gửi Công điện khẩn về việc chủ động ứng phó với mưa lũ và bão Sarika đến các Sở TT&TT các tỉnh thành từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa, các doanh nghiệp BCVT gồm VNPT, Viettel, MobiFone, Vishipel và VNPost. Bộ TT&TT yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai ngay các nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Cục Báo chí, Cục PTTH&TTĐT và Sở TT&TT các tỉnh thành nói trên chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tại địa phương tăng cường tần suất, thời lượng phát sóng, đưa tin kịp thời về dự báo, cảnh báo, chỉ đạo ứng phó với mưa lũ, bão và các tình huống bất thường để chính quyền các cấp ở địa phương và người dân lưu ý, theo dõi, cập nhật thường xuyên, chủ động phòng tránh, tránh tư tưởng chủ quan, bị động. Đặc biệt lưu ý tuyên truyền để nâng cao tinh thần đảm bảo an toàn cho tính mạng người dân, cán bộ tham gia phòng chống lụt bão. Các cá nhân, đơn vị cần chia sẻ khó khăn, tham gia giúp đỡ, ủng hộ hỗ trợ nhân dân các tỉnh bị ảnh hưởng.
2. Các Tập đoàn, Tổng Công ty và các Sở TT&TT tổ chức triển khai ngay phương án phòng chống và phương án ứng cứu thông tin, đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo điều hành của các cơ quan Đảng, chính quyền địa phương các cấp trong mọi tình huống. Ưu tiên tổ chức gia cố lại nhà trạm, các tuyến truyền dẫn, cột ăng ten và mạng ngoại vi. Bổ sung kịp thời các thiết bị, vật tư dự phòng cho mạng lưới BCVT như máy nổ, nhiên liệu, ắc quy… Đảm bảo an toàn mạng lưới, cơ sở vật chất, đặc biệt là người. Chia sẻ khó khăn với nhân dân các tỉnh bị ảnh hưởng.
3. Cục Bưu điện Trung ương sẵn sàng đảm bảo thông tin liên lạc bằng xe cơ động cho đoàn công tác của Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu.
4. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone và các doanh nghiệp viễn thông di động khác:
a. Đảm bảo thông tin liên lạc, an toàn tuyệt đối phục vụ chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống và khắc phục hậu quả Trung ương và chính quyền địa phương các tỉnh nói trên.
b. Tăng cường, bổ sung phương tiện, trang thiết bị thông tin vệ tinh Inmarsat, VSAT, các trạm BTS di động và xe cơ động thông tin cho các công ty dọc trên địa bàn và viễn thông các tỉnh được dự báo ảnh hưởng trực tiếp của bão để sẵn sàng ứng cứu thông tin trong trường hợp giao thông các tỉnh bị chia cắt.
5. Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam (Vishipel) tăng cường công tác trực canh, phát sóng các bản tin dự báo, cảnh báo bão trên biển và kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi tránh, trú an toàn.
6. Các đơn vị tiếp tục theo dõi sát tình hình diễn biến của mưa lũ và bão; báo cáo Bộ trưởng, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ TT&TT về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả của mưa lũ và bão, tình hình hoạt động của mạng lưới BCVT và công tác đảm bảo thông tin liên lạc.