-Trong suốt những ngày của các tháng 1, 2, 3, Ban Bạn đọc của Báo VietNamNet luôn nhận được  những lời đề nghị, những lá thư đề nghị tìm giúp con, tâm sự gọi con về… đề nghị đăng tải hoặc đề nghị giúp đỡ.

Các câu chuyện kể là phần tâm sự nghĩ suy của những người làm cha làm mẹ của những em nhỏ bỏ đi, chúng tôi xin ghi lại. Nó cũng lý giải  nguyên nhân dẫn đến việc những đứa con đi hoang và suy nghĩ của con trẻ trước hành động là trào lưu này.

Tin liên quan:

Thiếu nữ đi hoang vì sợ  những nhát vụt của mẹ 
Sợ bị mẹ đánh đòn vì làm sai, nhiều thiếu nữ liều bỏ nhà ra đi (ảnh minh họa, nguồn vi.sualize)
Cô Xuân đến tòa soạn  đưa tấm ảnh mặc áo dài của con gái lên trước mặt không ngừng lẩm bẩm, “nó xinh đẹp thế này cơ mà”. Nhân con gái cô (Tên nhân vật đã được thay đổi) đang học lớp 8. Thế mà vì sợ cô đánh nó đã bỏ nhà đi chừng 10  ngày nay.  Cô Xuân kể rằng, trước đó thấy con dùng điện thoại Iphone của mình  gọi hết gần 1 triệu mà không hỏi, cô đã trói con vào gốc cây trong vườn và đánh. Mục đích dọa để con không hư.

Thế  nhưng một lần khác, Nhân đi học về muộn, đánh mất xe đạp đẹp. Vì cũng sợ mẹ đánh, em đã không về nhà. Ngày  đầu tiên mẹ, bố đều lo lắng . Những ngày sau đã đi tìm khắp nơi mới biết được em đến phòng trọ của bạn trai ở nhờ. Cô Xuân không biết bạn trai của con là ai, cô chỉ có thể tìm tung tích qua những số điện thoại mà con cô gọi từ máy cô.

Nhắn tin vào những số điện thoại lạ, có người nhắn lại. Cô Xuân biết con hiện đang ở nhà trọ cùng bạn. Nhẹ lòng một chút, nhưng người mẹ này luôn lo lắng: Là phận gái lại sống cùng đám con trai bầy đàn, liệu con cô còn nguyên vẹn trở về? Lo lắng tràn lên khóe mắt, cô khóc những giọt nước mắt nóng bỏng.

Tâm sự  với cô Xuân - tôi thấy một giọng ân hận. Cô thuộc một lớp người cổ, chỉ biết thương con bằng những nhát roi…như các cụ dạy “thương thì cho roi cho vọt” chẳng nghĩ được rằng roi vọt sẽ hằn sâu trong con mình và dẫn đến hậu quả đáng tiếc như vậy.  
Khi Nhân bỏ đi được hơn 10 ngày, cô Xuân mời chúng tôi đến nhà, khi  quan sát góc học tập của Nhân, chứng kiến những dòng chữ đau lòng: “Tôi ghét mẹ”, ‘tôi ghét bố”, “tôi ghét em trai” viết bằng tiếng Anh ngay ở bàn học của mình. Em viết thế vì hận mẹ và biết chắc “mẹ không biết tiếng Anh”. 

Con trai mới lớn đi hoang vì  hay bị chê hư

Một bạn đọc khác thì viết thư kể với chúng tôi: “Em trai tôi năm nay mới học lớp 11, nhưng nó đã làm cho cả gia đình tôi phải buồn rất nhiều. Khi còn nhỏ G (tên của em tôi) đã tỏ ra là một đứa trẻ thông minh, đã từng là niềm tự hào của bố mẹ và 2 anh trai khi em còn học cấp I và cấp II.

Từ lớp 1 đến lớp 6, G liên tục đạt học sinh giỏi. Thế nhưng sau đó, từ năm lớp 7 đến lớp 9 chỉ đạt học sinh tiên tiến với số điểm thấp dần, lên lớp 10 thì em vẫn đạt học lực khá nhưng lại bị xếp hạnh kiểm yếu và phải rèn luyện trong hè. 

Nhiều lần G làm việc gì sai, bố tôi thường đánh nó, nhưng cũng chỉ là ở mức độ dạy dỗ chứ không đau lắm, những trận đòn roi như  vậy tôi cũng phải nhận nhiều lần, nhưng tôi hiểu bố  mẹ có đánh cũng chỉ muốn tốt cho các con. Còn em tôi thì khác, mỗi lần bố đánh, nó lại căm tức bố, chứ không hề thay đổi, chứng nào vẫn  tật ấy.
Nhiều cha mẹ phải đi tìm con trong đau khổ và tuyệt vọng vì con hư (Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn vi.sualize)

Càng lớn G càng tỏ ra lỳ lợm, cái tôi cá nhân trong nó cũng tăng lên rất nhiều.  G ngày càng chống đối một số thầy, cô giáo. Qua tìm hiểu bạn bè của G và những gì em nói, tôi biết: Trên lớp em thường "cãi lại" thầy, cô hoặc vặn vẹo thầy cô chủ yếu trong các môn tự nhiên, khiến các thầy cô giáo ghét, dẫn đến em ngày càng chán nản không muốn đến trường. Em thường xuyên bỏ học và đi chơi với đám bạn xấu, la cà quán xá, rượu bia, thậm chí cả đánh bạc. 

Trước tình hình này tôi và bố mẹ đã rất đau đầu, sau nhiều ngày suy nghĩ cả gia đình quyết định chuyển em về quê nội ở Hải Dương học. Biết đây là một cách mạo hiểm nhưng tôi nghĩ cũng có những cái lợi: Thứ nhất về quê em sẽ cách xa đám bạn xấu, và ở quê nội phong trào học tập của họ tốt; thứ hai về ở nhà bác em cũng không dám lộng hành như ở nhà (vì tôi hiểu tính em tôi, nó có tính sĩ diện cao, thường tỏ ra ngoan ngoãn trước người lạ); thứ ba chất lượng giáo dục ở quê nội tôi tốt hơn chỗ tôi rất nhiều, về đó em thấy mình còn kém thì sẽ phải cố gắng học tập . 

Em về  quê học được gần 3 tháng, sau đó về nhà  ăn Tết. Mấy ngày đầu em về cả gia đình tôi đều rất vui vì em tỏ ra ngoan ngoãn, chăm chỉ làm giúp bố mẹ. Những tưởng em đã thay đổi nhưng chỉ được mấy ngày em lại tụ tập với đám bạn cũ, đi chơi lêu lổng, thậm chí có hôm còn lấy trộm của tôi cái DCom 3G mang đi bán và mang cả xe máy của bố đi cầm đồ. Đến ngày đi học nhưng vẫn không chịu đi, hỏi ra thì em lại đòi bố mẹ phải cho ra ở trọ chứ không ở nhà bác nữa, nếu không nghe theo thì em sẽ đi làm theo mấy người bạn. 

Gia đình không đồng ý làm G giận bỏ đi. Cả gia đình đã hết sức khuyên giải, nhưng không xoay chuyển được gì.

“Lúc mẹ đánh con mẹ có  ốm không?”

Khuôn mặt của cô Xuân hoàn toàn “biến đổi”  sau những ngày cô con gái bỏ đi. “Nhiều ngày liên tiếp tôi  và chồng đèo nhau đi  khắp nơi tìm con. Ban ngày là bến xe, xóm trọ. Ban đêm là là công viên, bến tình yêu… nơi nào là nơi ăn chơi của giới trẻ  vợ chồng cô Xuân cũng đến mong tìm được con mình.

Bà của Nhân thì đã khóc hết nước mắt. Những lo lắng về chuyện cháu bị bán sang Trung Quốc, bị đẩy vào  ổ mại dâm, bị hiếp dâm… mà hàng xóm xì xầm làm bà khổ sở. Người già hơn 93 tuổi, cạn khô nước mắt vì thương cháu.

Gia đình của G cũng lo lắng nhiều cho em. Cả cuộc đời mẹ cha G vất vả để gây dựng cho hai anh em. Nay cậu anh công việc vừa ổn định nhưng cậu em thì hư “khó cứu vãn” điều đó làm bố mẹ lo lắng. Gia đình nhắn nhủ G qua tâm sự gửi báo: “Nhìn những người bạn cùng trang lứa với em đạp xe đạp sau mỗi buổi học đi qua nhà mình mà lòng anh cùng bố mẹ lại đau nhói. Cả nhà đang rất mong em suy nghĩ lại”.

Và các gia đình đều cố gắng làm tất cả để gọi con về. Nhờ vả họ hàng, công an, chính quyền, nhà trường và cả đăng lên báo. Thế nhưng có dịp nối máy, đi tìm và tâm sự với những em nhỏ bỏ nhà ra đi. Nhắc đến sự chờ mong, đau khổ của cha, mẹ, các em chỉ tặc lưỡi: “Lúc mẹ đánh em mẹ có ốm không”, “mẹ nghĩ gì khi mẹ đánh em”… Tình thương gia đình không có trong khái niệm của những đứa trẻ đi hoang. 

  • Tú  Anh
Còn tiếp…

Bài 2: Chỉ vì “sướng đời mà” “khoái lắm đây”!