![]() |
Theo quy định tại công văn số 271/CVT-CL của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) hướng dẫn việc thực hiện gắn nhãn hàng hóa, gắn dấu hợp quy và sử dụng Biểu trưng số hóa truyền hình đối với máy thu hình có tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 (DVB-T2) và Thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình số mặt đất DVB-T2 (đầu thu số DVB-T2), doanh nghiệp phải thực hiện đồng thời việc dán nhãn hàng hóa, gán dấu hợp quy và biểu trưng số hóa truyền hình Việt Nam lên các sản phẩm thu truyền hình số mặt đất lưu thông trên thị trường.
Việc phải dán đồng thời 3 loại nhãn mác nói trên lên sản phẩm để người dân dễ dàng nhận biết đó là các sản phẩm tivi số và đầu thu số DVB-T2 đạt đúng tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật được phép lưu thông trên thị trường Việt Nam. Do đó, những sản phẩm đạt đúng tiêu chuẩn theo quy định của Bộ TT&TT được coi là hàng chính hãng, còn những sản phẩm không đạt đủ điều kiện như trên thuộc loại hàng trôi nổi, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái...
Theo số liệu do Cục Viễn thông cung cấp ngày 24/3/2015, tính đến nay mới chỉ có 11 model đầu thu số DVB-T2 thực hiện công bố hợp quy. Cụ thể: công ty CP Nghe nhìn Toàn cầu có 5 sản phẩm (mang thương hiệu Truyền hình An Viên), công ty Công trình giải pháp T.C Việt Nam 1 sản phẩm, công ty TNHH Hùng Việt 1 sản phẩm (HD012), Công ty TNHH Nam Thành Nhất 1 sản phẩm (S-66), Công ty TNHH Dịch vụ truyền hình - Viễn thông Việt Nam 1 sản phẩm (VTV HD/T2), Công ty TNHH Công nghệ phát thanh và truyền hình Đông Đô 1 sản phẩm (Star HD Box), Công ty Cổ phần Công nghệ Công nghiệp Bưu Chính Viễn thông 1 sản phẩm (iGate T201HD).
Trong số này mới chỉ có 3 doanh nghiệp là công ty TNHH Hùng Việt, Công ty TNHH Dịch vụ truyền hình - Viễn thông Việt Nam và Truyền hình An Viên là đã tung sản phẩm ra thị trường.
![]() |
Thế nhưng theo khảo sát của ICTnews vào ngày 24/3/2015, khi gõ từ khóa “đầu thu số DVB-T2” hay “đầu thu DVB-T2”, kết quả tìm kiếm trả về hàng chục trang bán hàng trực tuyến có rao bán các sản phẩm đầu thu số mặt đất DVB-T2. Trong đó có 3 model đã được công bố hợp quy là: VJV HD012, VTV HD/T2, An Viên.
Còn lại phần lớn là số lượng đầu thu số DVB-T2 chưa được chứng nhận hợp quy đang được rao bán công khai trên các trang thương mại điện tử. Có đến hàng chục các model đầu thu số DVB-T2 có thể coi là hàng “lậu” như: HD DTR DVB-T2, Pentasat S-2000 T2, FTA-T2, Suntek SunTV DVB-T2HD, VTC DVB-T2 HD-2001, DVB-T2 Startrack, DVB-T2 HDXBOX, HD02, APH T2-16…
Điển hình nhất, trên trang thương mại điện tử lazada.vn rao bán gần 20 model đầu thu số DVB-T2, trong đó chỉ có 3 model là chính hãng còn lại phần lớn hàng “lậu”. Giá của các model hàng “lậu” dao động từ 580.000 đồng cho đến 750.000 đồng.
Bên cạnh lazada.vn còn có các trang khác như: vatgia.com, enbac.com, dauthutruyenhinhvetinh.com, dientungocson.com, anvienhanoi.net công khai rao bán nhiều đầu thu số DVB-T2 lậu.
Phần lớn các sản phẩm lậu được rao đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, được quảng cáo là hàng công ty, bảo hành từ 6 tháng đến 12 tháng, có khả năng thu được từ 40 đến 50 kênh truyền hình miễn phí. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ TT&TT thì các sản phẩm trên chưa đủ điều kiện về dán nhãn hàng hóa, chứng nhận hợp quy và dán logo số hóa truyền hình đều là hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi hoặc là hàng nhập lậu.
Theo đại diện của Công ty TNHH Hùng Việt (nhà cung cấp sản phẩm VJV HD012), phần lớn đầu thu số DVB-T2 chỉ bán được về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, ở đó người dân rất thiếu thông tin, do đó hàng lậu chỉ cần rẻ hơn từ 20.000 – 30.000 đồng là đã hấp dẫn người mua rồi. Nhưng đến khi gặp sự cố hỏng hóc, người dân sẽ khó có điều kiện để được bảo hành hay đổi sản phẩm lỗi. Trong khi đó, sản phẩm của Hùng Việt được thực hiện chế độ bảo hành “1 đổi 1”, người mua có thể trực tiếp đổi ở đại lý gần nhất hoặc đổi tại chi nhánh của công ty.
Theo vị đại diện này, đầu thu số lậu đang chiếm lĩnh một thị phần rất lớn đầu thu số ở 5 TP lớn, đặc biệt là ở Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam.
Theo ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, khi triển khai Đề án số hóa truyền hình tại Việt Nam, Bộ TT&TT đặt kỳ vọng rất lớn vào các doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm và năng lực cung cấp đầu thu truyền hình số mặt đất như VTC, Hanel, AVG, VTV. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn thiếu vắng các sản phẩm của các “ông lớn” này chính là nguyên nhân khiến hàng lậu tràn vào thị trường.
Hình ảnh nhiều trang web công khai rao bán đầu thu số DVB-T2 "lậu" lẫn với hàng đạt chuẩn:
![]() |
![]() |
![]() |