Cộng đồng người Việt Nam ở Hungary phần lớn tập trung ở Thủ đô Budapest. Những năm qua, công tác bảo tồn tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam tại Hungary được làm rất tốt. Hoạt động này nhận được nhiều sự quan tâm và hỗ trợ từ Hiệp hội người Việt, Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary. 

W-aa2da63e b038 430c 815d f760afdf5fc6.jpg
Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary có nhiều hoạt động cộng đồng ý nghĩa.

Chị Võ Thị Bích Liên (33 tuổi) sinh sống ở Hungary được 14 năm. Chị cho biết, các hội đoàn người Việt thường xuyên hỗ trợ, kết hợp tổ chức các lớp tiếng Việt. Tỷ lệ trẻ em nói được tiếng Việt ở đây khá cao, khoảng 60 - 70%, còn cả đọc và viết thành thạo thì khoảng 30 - 40%.

Theo chị, "việc lan tỏa tiếng Việt tạo ra cộng đồng người Việt đoàn kết, vững mạnh ở nước ngoài". Tuy nhiên, rào cản khiến trẻ em kiều bào ngại học tiếng Việt là do các em phải dành phần lớn thời gian ở trường lớp giao tiếp bằng tiếng bản địa để đảm bảo chương trình học tập và hòa nhập với thầy cô, bạn bè, người dân địa phương.

Chị Liên nhận thấy, kinh nghiệm từ các cha mẹ áp dụng thành công việc dạy các con nói tiếng Việt là tạo thói quen chỉ giao tiếp bằng tiếng Việt cho các thành viên gia đình khi ở nhà. Bên cạnh đó, cha mẹ thường xuyên nấu các món ăn Việt, kể cho con về các loại rau củ, thực phẩm đặc trưng của Việt Nam, những câu chuyện "ngày xưa" thời ông bà, bố mẹ ở Việt Nam để các thế hệ kết nối yêu thương, các con được nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước từ những bữa cơm gia đình.

“Tôi nghĩ, để các em có môi trường tiếng Việt nhiều hơn, cộng đồng có thể tổ chức các lớp học tiếng Việt ở nơi làm việc, vào dịp cuối tuần hoặc trong thời gian nghỉ hè, khi bố mẹ đến làm thì các con cũng đến tham gia lớp học.

Ngoài ra, khuyến khích các con tham gia trại hè Việt Nam, với những chuyến đi, trải nghiệm ở các thành phố, vùng đất nơi quê hương Việt Nam để hiểu hơn về cội nguồn dân tộc cũng như thấy được đất nước mình tươi đẹp và đang phát triển mạnh mẽ như thế nào”, chị Liên chia sẻ. 

Là người trực tiếp tham gia ban tổ chức của rất nhiều các chương trình cộng đồng của Hiệp hội và Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary, chị Liên đã có một số sáng kiến để lan tỏa văn hóa và tiếng Việt như: Tổ chức các câu lạc bộ nhảy, múa cho thiếu nhi để các bé thường xuyên vừa học, vừa chơi cùng nhau. 

Chị thường tìm các bài nhạc, điệu múa, điệu nhảy nổi tiếng của Việt Nam để tập cho các bé biểu diễn ở Tết thiếu nhi, Tết cộng đồng, ngày hội văn hóa. Các hoạt động gần gũi nên từ chỗ thấy thích, các em xin bố mẹ đi đến lớp học tiếng Việt để có thể nói chuyện bằng tiếng Việt, kết thân và tạo những vòng tròn bạn bè Việt cùng học tập, phát triển. 

"Chúng tôi còn tổ chức trò chơi dân gian, đố vui có thưởng tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, địa lý. Các em rất thích nghe truyện “Trăm trứng trăm con” với mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân. Qua các câu truyện, các em hiểu vì sao mình là con Rồng, cháu Lạc, dân tộc mình từ Nam đến Bắc đều là anh em.

Hay câu truyện “Sự tích trầu cau”, các em hiểu được vì sao phải có trầu cau trong đám hỏi, đám cưới… Những hoạt động gần gũi, dễ nhớ tạo được niềm vui, háo hức cho các em học tiếng Việt. góp phần thúc đẩy công tác lan tỏa văn hóa, dạy và học tiếng Việt”, chị Liên kể.

Theo chị Liên, hiện tại có rất nhiều lớp học tiếng Việt, bao gồm cả trực tuyến và trực tiếp. Tuy nhiên, do  có nhiều hạn chế về giáo trình, lứa tuổi, kỹ năng sư phạm và múi giờ nên các em nhỏ còn gặp khó khăn trong việc học tiếng Việt.

“Việc tạo môi trường giao tiếp ngoài giờ học cho con rất quan trọng. Tôi mong là sẽ nhận được nhiều sự quan tâm và hỗ trợ hơn nữa từ các ban ngành đoàn thể cả trong nước chính quyền nước sở tại như cung cấp địa điểm lớp học, các câu lạc bộ tiếng Việt tại chỗ làm của những khu chợ, trung tâm thương mại châu Á tập trung đông người Việt Nam... để thổi bùng lên tình yêu nước nồng nàn mà mỗi em bé Việt Nam mang trong trái tim”, chị Liên bộc bạch.