
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, để đạt chỉ tiêu này, tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phát triển nuôi biển, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản. Tỉnh tiếp tục phát triển mạnh các mô hình sản xuất tôm - lúa, nuôi tôm càng xanh xen tôm sú, tăng thêm diện tích, mở rộng phát triển nuôi cá trên ruộng lúa, cá trong ao… Đồng thời, tỉnh khuyến khích nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghiệp, phát triển nuôi hải sản ven biển, ven đảo và xa khơi, chú trọng phát triển một số đối tượng nuôi có tiềm năng lớn và giá trị kinh tế cao.
Tỉnh đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành thủy sản, đặc biệt là nuôi trồng theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; đồng thời, nâng cao chất lượng các mô hình nuôi an toàn, bền vững thích ứng, thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tỉnh thực hiện hiệu quả đề án phát triển nuôi biển trên địa bàn đến năm 2030.
Tiếp đến, Kiên Giang phát triển mạnh loại hình nuôi tôm - lúa với khoảng 106.000 ha, là “Mô hình sản xuất thông minh”, vừa giúp nông dân thu về hai nguồn lợi tôm và lúa, tạo ra sản phẩm sạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa góp phần cải tạo môi trường sinh thái.
Đối với loại hình nuôi lồng bè trên biển, tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ nuôi mới, chuyển đổi từ lồng bè gỗ truyền thống sang lồng bè Na Uy sử dụng lồng tròn bằng nhựa HDPE, có độ bền cao, chịu được sóng gió mạnh và nuôi với thể tích lớn. Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ chuyển đổi được 69 lồng nuôi tương ứng với khoảng 3.531m³, các mô hình đã đem lại hiệu quả tích cực về kỹ thuật, tài chính, hạn chế được rủi ro cho người nuôi, góp phần thực hiện hiệu quả đề án phát triển nuôi biển của tỉnh Kiên Giang đến năm 2030. Tỉnh thực hiện các chính sách tập trung phát triển kinh tế biển, thu hút nhiều nhà đầu tư nuôi lồng bè cá trên biển quy mô, phát triển nuôi cá biển xa bờ.
Theo đó, Kiên Giang tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ nông dân và cơ sở nuôi trồng thủy sản ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ cao vào sản xuất, đặc biệt là trong nuôi tôm công nghiệp. Tỉnh tiếp tục xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất an toàn, bền vững, chú trọng phát triển mạnh mô hình sản xuất tôm - lúa, nuôi tôm sinh thái, giảm thiểu rủi ro về thiên tai, nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện năng suất, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Từ đầu năm 2025 đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh 276.126 ha, đạt 85% kế hoạch, trong đó, nuôi tôm trên 134.000 ha, còn lại là thủy sản khác; sản lượng thu hoạch hơn 134.480 tấn, tăng hơn 25% so với cùng kỳ, trong đó, hơn 50.170 tấn tôm.