![]() |
Khuyến khích nhập khẩu đầu thu số DVB-T2
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng, với thị trường đầu thu truyền hình số (đầu thu số) phục vụ cho số hóa truyền hình, nhà nước đã có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước sản xuất, một mặt nhà nước cũng khuyến khích các doanh nghiệp nhập khẩu đầu thu để bán rộng rãi trên thị trường.
Hiện tại, đầu thu số sản xuất trong nước được hưởng các chính sách ưu đãi đối với mặt hàng công nghệ cao, còn đầu thu số nhập khẩu được miễn thuế nhập khẩu. Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định, đối với mặt hàng đầu thu số, chính sách của nhà nước không phân biệt đối xử giữa hàng sản xuất trong nước hay hàng nhập khẩu. Miễn sao các doanh nghiệp nhập khẩu phải thực hiện đầy đủ các quy định về chứng nhận hợp quy hợp chuẩn và dán nhãn số hóa truyền hình trên đầu thu. Nhà nước không cấm hàng đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật chất lượng, thực hiện đầy đủ thủ tục nhập khẩu đàng hoàng, các công ty hay cửa hàng đều có thể nhập khẩu thiết bị đạt chất lượng. Nhà nước chỉ quản lý chống buôn lậu, chống hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng.
Theo ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, qua khảo sát sơ bộ ở thị trường Đà Nẵng nhiều đại lý bán thiết bị truyền hình cho biết, có nhiều người đến chào bán số lượng lớn đầu thu nhập khẩu nhưng các đại lý không dám nhập vì e ngại sẽ có một số doanh nghiệp trong nước ở Hà Nội sẽ được nhà nước “bảo kê” để cung cấp ra thị trường, như vậy hàng nhập khẩu có nguy cơ không bán được. Nên các đại lý này lo sợ bị cạnh tranh không dám nhập hàng.
Ông Hoan khẳng định, không có chuyện nhà nước “bảo kê” hay “chống lưng” cho bất cứ doanh nghiệp nào, dù là doanh nghiệp sản xuất trong nước hay nhập khẩu. Nhà nước khuyến khích thị trường đầu thu số cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt đầu thu nhập khẩu hay sản xuất trong nước để tạo thuận lợi cho mục tiêu triển khai số hóa truyền hình.
Chỉ riêng số lượng đầu thu cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, chính sách, nhà nước sẽ thực hiện mua theo cơ chế đấu thầu để phát cho các hộ gia đình thuộc diện kể trên. Có thể các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ có ưu thế hơn khi tham gia đầu thầu hoặc đặt hàng sản xuất.
Năm 2015 sẽ tiêu thụ 1 triệu đầu thu số
Để phục vụ cho việc thu xem truyền hình số của người dân khi thực hiện số hóa truyền hình, Bộ TT&TT đã quy định yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu tivi vào thị trường Việt Nam bắt buộc phải tích hợp tính năng thu truyền hình số DVB-T2/MPEG4 vào tivi có kích cỡ màn hình trên 32inch có thể nói là được thực hiện rất thành công. Tính đến nay trên thị trường đã có trên 90 model tivi số, thậm chí có nhiều model 32inch cũng đã được tích hợp tính năng thu xem truyền hình số và tung ra thị trường. Có thể nói, việc đưa thiết bị tivi số ra thị trường đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tuy nhiên, việc tạo ra một thị trường cung cấp đầu thu truyền hình số DVB-T2/MPEG4 phục vụ cho việc thu xem của người dân đang sử dụng tivi đời cũ (chưa tích hợp tính năng thu truyền hình số) đang gặp nhiều khó khăn.
Theo tính toán của Cục Tần số Vô tuyến điện, số lượng đầu thu số cần cho thị trường từ nay đến 2020 vào khoảng 14 triệu chiếc. Tính đến hết năm 2015, thị trường cần khoảng hơn 1 triệu đầu thu số để phục vụ cho 5 thành phố lớn số hóa truyền hình. Trong đó, riêng số lượng đầu thu mà nhà nước cần đặt hàng trong năm 2015 vào khoảng 450.000 chiếc.
Thế nhưng, thị trường lại đang “vắng bóng” sản phẩm này. Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam sẽ hoàn thành số hóa truyền hình trước ngày 30/6/2015, song đến thời điểm này, theo khảo sát của Cục Tần số Vô tuyến điện, trên thị trường Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam vẫn chưa có nhiều đầu thu số chuẩn DVB-T2 để bán ra.
Ông Trần Ngọc Thạch, Trưởng phòng Bưu chính Viễn thông, Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết, tổng đài hỗ trợ số hóa truyền hình của Đà Nẵng liên tục nhận được cuộc gọi của người dân để nghị cung cấp địa chỉ đại lý bán đầu thu số, cũng như tư vấn về chủng loại đầu thu đạt chất lượng. Nhưng nhân viên của tổng đài không thể tư vấn được bởi trên thị trường vẫn chưa có đầu thu số đạt chuẩn để bán. Chỉ lác đác một số đại lý bán hàng Trung Quốc, nhưng số lượng cũng rất ít.
Ngay cả Đài PT-TH Đà Nẵng và Trung tâm Tần số khu vực 3 đi mua đầu thu số ở Đà Nẵng để phục vụ đo chất lượng phát sóng cũng không có.
Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, nếu thị trường chưa có đầu thu số để bán cho người dân thì không thể hoàn thành kế hoạch số hóa truyền hình được. Do đó, Cục Tần số Vô tuyến điện đã đề xuất phương án, nhà nước sẽ đặt hàng mua số lượng đầu thu số để phát cho những đối tượng thuộc diện được nhà nước hỗ trợ đầu thu ở Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam.
Hiện nay, Cục Tần số Vô tuyến điện phối hợp với Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích đang soạn thảo Thông tư hướng dẫn thí điểm hỗ trợ đầu thu số cho địa bàn Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam, sau đó dựa trên kinh nghiệm triển khai tại hai địa phương này sẽ xây dựng tiếp Thông tư chung hướng dẫn cho việc hỗ trợ đầu thu số cho các giai đoạn còn lại.