Trong 7 tháng đầu năm 2015 khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng trở lại với mức 12,1% so với tháng 6 và tháng 8 tăng 12,5% so với tháng 7. Sau 13 tháng giảm liên tục, du lịch Việt Nam đã lấy lại đà tăng trưởng.

Đây là những thông tin ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch chia sẻ tại Hội nghị Xúc tiến Du lịch tỉnh Hưng Yên.

Lượng khách quốc tế bước đầu phục hồi

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, 8 tháng đầu năm 2015 có 12 thị trường khách đến Việt Nam tăng, trong đó: Hàn Quốc tăng 32,9%; Singapore tăng 15,8%; tiếp đến là Phần Lan tăng 12,2%; Tây Ban Nha tăng 8,5%; Đài Loan tăng 6,8%; Mỹ tăng 6,2%; Italia tăng 4,4%; Nhật tăng 1,1%; Đức tăng 1,0%; Hồng Kông tăng 0,9%; Malaysia tăng 0,9%, và Hà Lan tăng 0,8%”.

“Sau 13 tháng lượng khách sụt giảm liên tục, trong hai tháng 7 và 8 lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng trở lại, trong đó lượng khách tháng sau tăng nhiều hơn tháng trước. Đây chính là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ với những biện pháp kịp thời ngay lập tức, cùng sự hợp tác, phối hợp của các chính quyền địa phương đã kiềm chế được đà sụt giảm và nhanh chóng phục hồi đà tăng của khách quốc tế đến Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết.

{keywords}

Theo các doanh nghiệp lữ hành, lượng khách quốc tế đi theo các chương trình tour cũng đang có sự chuyển biến. Việc tăng trưởng này chỉ rõ nét vào tháng 9. Việc tăng trưởng khách trong tháng 7 mới chỉ là khởi đầu. Do đó, muốn bền vững, theo bà Nguyễn Thị Huyền, giám đốc điều hành Vietrantour thì cần có sản phẩm kích cầu cụ thể.

Bà Huyền chia sẻ, “Theo kế hoạch của Sở VHTTDL Hà Nội và Hiệp hội lữ hành Việt Nam, sẽ hình thành sản phẩm kích cầu du lịch với mức giảm giá từ 10 - 30% để thu hút khách quốc tế. Để làm được điều này cần có chính sách giảm giá rõ ràng từ hàng không và các đối tác. Thực tế một số doanh nghiệp đang phải tự hợp tác nhằm sớm đưa ra sản phẩm kích cầu để có thể chào bán trong tháng 9 đến tháng 3 sang năm, bởi đây là mùa cao điểm khách đến du lịch. Muốn vậy, cơ quan quản lý cần có giải pháp đồng bộ với kế hoạch hỗ trợ rõ ràng với từng thị trường”..

Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Đài, Giám đốc Công ty du lịch APT đánh giá lượng khách tăng một phần do theo chu kỳ mùa vụ, nhưng quan trọng là chính sách miễn thị thực bước đầu đã phát huy tác dụng với một số thị trường khách quốc tế, nhất là thị trường Pháp và Tây Ban Nha.

“Từ đầu tháng 7/2015 đến nay, doanh nghiệp chúng tôi đã đón trên 10 đoàn khách Pháp, Tây Ban Nha. Đối với khách Tây Ban Nha, chúng tôi bắt đầu đón khách đi theo nhóm gia đình theo chương trình miễn visa. Thường đây là những nhóm khách có kế hoạch đi Thái Lan, Singapore, khi biết thông tin Việt Nam miễn visa từ tháng 7 đã đăng ký nối tour vào Việt Nam đi du lịch khoảng 10 ngày, sau đó sẽ đi liên tuyến sang Lào - Campuchia”, ông Đài cho hay.

{keywords}

Du lịch nội tăng trưởng dương

Từ tháng 6 trở lại đây là mùa du lịch nội địa, nhất là du lịch biển. Theo một số công ty du lịch chia sẻ thì lượng khách đi du lịch nội địa tăng 80 - 85%. Trong đó điểm đến Nha Trang, Đà Nẵng và Phú Quốc luôn là ưu tiên lựa chọn hàng đầu của người dân.

Cùng với các điểm du lịch truyền thống, với sự hỗ trợ của hàng không với mức giảm giá 20 - 30%, các điểm đến mới như Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi... đang thu hút khách với các loại hình trải nghiệm, khám phá.

Với chương trình kích cầu, ngành du lịch hy vọng sẽ ngăn chặn đà suy giảm khách du lịch từ tháng 7 và sẽ tăng trưởng trở lại từ các tháng kế tiếp. Riêng với 5 thị trường Tây Âu, ngành du lịch đặt mục tiêu lượng khách tăng trưởng 15% trong năm 2016 và tăng khoảng 50% vào năm 2018.

{keywords}

Theo Tổng cục Du lịch, ước tính số liệu khách du lịch nội địa trong 7 tháng đầu năm 2015 đạt 43,1 triệu lượt khách, trong đó, khách lưu trú đạt 19,8 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 214.371 tỷ đồng (tính theo mức chi tiêu mới dựa vào kết quả điều tra khách du lịch năm 2013), tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2014.

Xuân Thạch