
Sự kiện phát động phong trào "Bình dân học vụ số", chương trình “Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến” và cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo thành phố Huế năm 2025” vừa được Thành phố Huế tổ chức chiều ngày 11/7,
Với sự kiện này, Thành phố Huế đã tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của việc tiếp cận công nghệ, hướng đến mục tiêu nâng cao kỹ năng số, tăng cường hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến, góp phần xây dựng một nền hành chính hiện đại, thân thiện và hiệu quả.

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Huế đã nhấn mạnh: Phong trào "Bình dân học vụ số" là một nội dung quan trọng, được Chính phủ chỉ đạo triển khai và các địa phương hưởng ứng một cách đồng bộ.
Tại thành phố Huế, phong trào này được UBND thành phố xác định là nhiệm vụ then chốt, với mục tiêu giúp mọi người dân, ở mọi tầng lớp đều có cơ hội tiếp cận, hiểu biết và sử dụng các nền tảng công nghệ số trong đời sống hàng ngày.
Thực hiện nhiệm vụ trên, thành phố Huế đã tập trung xây dựng hệ thống thông tin kết nối chặt chẽ với các nền tảng học tập số của Trung ương và của Bộ Công an, đồng thời tích hợp với các hệ thống số của thành phố Huế. Qua đó, tạo ra kênh thông tin chính thống, dễ tiếp cận để người dân học tập, sử dụng công nghệ một cách thuận tiện, hiệu quả.
Ông Nguyễn Thanh Bình cũng cho biết, triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và các chương trình hành động của Trung ương, thành phố Huế đã và đang chủ động tạo lập môi trường đổi mới sáng tạo, kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp toàn diện và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong toàn xã hội. Trong đó, chuyển đổi số được xem là động lực quan trọng để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, cải thiện hiệu quả quản lý nhà nước, phát triển kinh tế số và xây dựng đô thị thông minh.
Một trong những mô hình nổi bật được Huế triển khai hiệu quả là hình thức “cầm tay chỉ việc” qua các tổ công nghệ số cộng đồng. Các tổ công nghệ số được thành lập đến tận khu dân cư, trực tiếp hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán điện tử và các ứng dụng số cơ bản phục vụ đời sống hàng ngày.
Thông qua các buổi tập huấn trực tiếp, người dân không chỉ được tiếp cận công nghệ mà còn biết sử dụng, thực hành và làm chủ các công cụ số. Đặc biệt, phong trào "Bình dân học vụ số" đang được lồng ghép hiệu quả với các phong trào cộng đồng để hình thành thói quen học tập, nâng cao kỹ năng số trong mọi tầng lớp nhân dân, hướng đến xây dựng xã hội học tập và số hóa toàn diện từ cơ sở.

Theo Sở KH&CN thành phố Huế, chương trình “Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến” trên nền tảng Hue-S đã được triển khai cho đối tượng sinh viên từ giữa tháng 5/2025. Chương trình này vừa được mở rộng tiếp tới đối tượng là các cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan nhà nước. Thời gian tới, Huế sẽ tiếp tục mở rộng cho nhân sự của các tổ chức, đoàn thể.
“Việc hướng dẫn cách thức sử dụng các dịch vụ số, nhất là dịch vụ công trực tuyến sẽ được triển khai liên tục để hình thành kỹ năng cho mọi người dân”, đại diện Sở KH&CN thành phố Huế chia sẻ.
Với cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo thành phố Huế năm 2025”, Ban tổ chức khuyến khích các ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo thuộc các ngành, lĩnh vực theo định hướng phát triển lĩnh vực kinh tế - xã hội trọng điểm của Huế; trong đó ưu tiên các ý tưởng, dự án thuộc 5 lĩnh vực: Chuyển đổi số; Du lịch; Y dược; Công nghiệp sáng tạo, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Các lĩnh vực đổi mới sáng tạo khác. Theo kế hoạch, hạn cuối nhận hồ sơ dự thi là ngày 31/8/2025 và Ban tổ chức sẽ tổng kết, trao giải trong các tháng cuối năm nay.
Cho biết thành phố đang đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo ra bước chuyển mạnh mẽ, đại diện lãnh đạo UBND thành phố Huế đề nghị các đơn vị chủ động "đặt hàng" những bài toán thực tiễn từ nhu cầu của địa phương, ngành mình để mời gọi cộng đồng khởi nghiệp tham gia giải quyết.
Các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu được đề nghị phát huy vai trò là trung tâm tri thức, tích cực khuyến khích cán bộ, giảng viên, sinh viên tham gia các cuộc thi khởi nghiệp bằng những ý tưởng sáng tạo gắn liền với nhu cầu thực tế.
Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức tài chính và nhà đầu tư sẽ tích cực đồng hành trong việc tư vấn, hỗ trợ, ươm tạo và đầu tư cho các ý tưởng tiềm năng, góp phần đưa các dự án khởi nghiệp ra thị trường, phát triển thành doanh nghiệp thực sự.
Lãnh đạo UBND thành phố Huế cũng kỳ vọng rằng, với sự tham gia tích cực của người dân, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 sẽ sớm vượt mốc 80%, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng phục vụ người dân và xây dựng một chính quyền số hiện đại.
