1. Bà Phạm Thị Màu (trú tại xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường, nay là xã Xuân Hưng, tỉnh Nam Định) là bị đơn trong vụ án dân sự liên quan đến tranh chấp thừa kế và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bà cho biết, vợ chồng bà từng sinh sống, chăm sóc và phụng dưỡng bố mẹ chồng trên mảnh đất rộng 1.232m². Sau khi bố mẹ chồng qua đời không để lại di chúc, đến năm 2022, vợ chồng anh trai chồng đã tự ý bán 375m² đất (thuộc phần di sản chung) cho một hộ dân khác.

Gia đình bà Màu đã gửi đơn kiến nghị đến UBND xã Thọ Nghiệp, yêu cầu ngăn chặn việc mua bán đất trái quy định và không thực hiện thủ tục sang nhượng. Tuy nhiên, theo phản ánh, UBND xã không những không xử lý mà còn gửi văn bản đề nghị Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Xuân Trường đẩy nhanh việc hoàn tất thủ tục chuyển nhượng.

Bà Màu cho rằng chính quyền địa phương đã kéo dài thời gian trả lời kiến nghị, tạo điều kiện cho các bên sang tên đất trái luật. Bà đề nghị thanh tra toàn bộ quá trình cấp giấy chứng nhận, làm rõ trách nhiệm của UBND xã Thọ Nghiệp và xem xét sai phạm (nếu có) của Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Xuân Trường.

2. Ông Nguyễn Ngọc Tân (trú tại khu Đại Đình, xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao, nay là xã Phùng Nguyên, tỉnh Phú Thọ) có đơn kiến nghị liên quan đến việc công bố kết quả đấu giá đất có dấu hiệu sai quy chế tại địa phương.

Theo ông Tân, ngày 31/5/2025, Công ty Đấu giá Hợp danh Quốc gia phối hợp với UBND huyện Lâm Thao tổ chức đấu giá thửa đất LK8-18 tại khu đồng nhà Vác (thị trấn Lâm Thao). Ông đã tham gia với mức giá 14,2 triệu đồng/m², phù hợp với quy chế đấu giá do chính UBND huyện và công ty ban hành. Tuy nhiên, kết quả công bố người trúng đấu giá là một cá nhân khác trả giá 14,4 triệu đồng/m², nhưng theo ông Tân, người này nộp hồ sơ không đúng quy định. 

Mặc dù đã gửi kiến nghị đến hội đồng đấu giá và UBND huyện Lâm Thao, song cơ quan chức năng vẫn giữ nguyên kết quả. Ông Tân bày tỏ nghi ngờ có dấu hiệu khuất tất trong phiên đấu giá và đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, làm rõ để bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người dân.

3. Bà Ma Thị Chính (trú tại xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình, nay là xã Bình An, tỉnh Tuyên Quang) có đơn đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc về việc bà bị lừa đảo khi nhận hàng từ nước ngoài. Theo phản ánh, ngày 2/4/2025, bà Chính có đơn hàng do bạn từ Anh gửi về. Đến ngày 8/4, một người tự xưng là nhân viên hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất gọi điện yêu cầu bà chuyển 20 triệu đồng để nhận hàng. Sau đó, nhiều cuộc gọi khác tiếp tục yêu cầu bà nộp thêm tiền với lý do "hoàn tất thủ tục hải quan". Do tin tưởng, bà Chính đã chuyển tổng cộng 470 triệu đồng vào tài khoản được cho là của nhân viên hải quan. Tuy nhiên đến nay, bà vẫn chưa nhận được hàng. Bà Chính mong muốn các cơ quan chức năng sớm vào cuộc xác minh, điều tra vụ việc để bảo vệ quyền lợi của công dân và xử lý các đối tượng giả danh nhằm chiếm đoạt tài sản.

4. Bà Nguyễn Thị Huỳnh Hoa (ngụ tại 33 Trần Quang Đạo, ấp Bình Phước, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, nay là xã Bình Khánh, TPHCM) vừa có đơn kiến nghị về việc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Cần Giờ từ chối cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân.

Cụ thể, ngày 29/11/2024, bà Hoa cùng bà Nguyễn Thị Trâm và ông Nguyễn Thanh Phương ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng diện tích đất 123,2m² với giá 1,2 tỷ đồng. Sau đó, bà Hoa nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Cần Giờ. 

Tuy nhiên, cơ quan này đã từ chối hồ sơ với lý do "không đủ điều kiện giải quyết" và hoàn trả toàn bộ hồ sơ. Bà Hoa cho rằng việc từ chối không rõ ràng, thiếu căn cứ pháp lý, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà, đồng thời có thể dẫn đến những hệ lụy tiêu cực trong công tác quản lý đất đai. Bà đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra và đảm bảo quyền lợi cho người nhận chuyển nhượng đất hợp pháp.

5. Ông Lê Đức Trung (trú tại xóm Nam Xuân, xã Xuân Tháp, huyện Diễn Châu, nay là xã Quảng Châu, tỉnh Nghệ An) có đơn phản ánh về việc Bệnh viện Mắt Sài Gòn – chi nhánh tại TP Vinh – thay không đúng loại thủy tinh thể như đã tư vấn ban đầu.

Theo ông Trung, trước khi phẫu thuật, bác sĩ bệnh viện tư vấn thay thủy tinh thể đa tiêu cự Mini Well Ready với chi phí sau khi trừ bảo hiểm là 33 triệu đồng. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, ông phát hiện thủy tinh thể được thay là loại đơn tiêu. Khi quét mã QR sản phẩm cũng không tra cứu được thông tin, khiến ông nghi ngờ. Kết quả kiểm tra lại tại Bệnh viện Mắt Nghệ An xác nhận mắt ông được thay là loại đơn tiêu.

Mặc dù đã phản ánh tới Bệnh viện Mắt Sài Gòn Vinh, nhưng bệnh viện vẫn giữ nguyên khẳng định ban đầu và không đưa ra hướng giải quyết thỏa đáng. Ông Trung cho rằng hành vi này có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và tài chính của ông. Ông đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ loại sản phẩm đã cấy ghép và quyền lợi bảo hiểm liên quan.

6. Ông Trương Hoài Nam, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Giáo dục Việt Nam K-12, đồng thời là Chủ tịch Hệ thống giáo dục Ngôi Sao Hà Nội – gửi đơn thư tố cáo hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến tài sản hợp pháp của doanh nghiệp. Theo đơn, ông Nam cho rằng bà Phạm Bích Nhà – một trong những thành viên sáng lập hệ thống Trường Ngôi Sao Hà Nội – cùng một số cá nhân, tổ chức liên quan đã có hành vi làm tổn hại uy tín nhà đầu tư, gây bất ổn cho môi trường giáo dục và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của học sinh, giáo viên. Ông Nam cho biết đã kèm theo các đơn thư và tài liệu cụ thể để chứng minh nội dung tố cáo.

7. Ông Ôn Quốc Dũng ở tỉnh Quảng Nam có đơn thư kêu cứu về việc cả gia đình 3 thế hệ nhà ông phải phiêu bạt nay đây mai đó trong nhiều năm qua do địa phương thực hiện việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để làm dự án nhưng nhà ông không được đền bù và không được hỗ trợ tái định cư.

8. Nhiều hộ dân sinh sống tại cuối phố Mai Dịch (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, nay là phường Nghĩa Đô, TP Hà Nội) có đơn thư phản ánh về việc họ bị cưỡng chế, mất nhà mà không được đền bù sau hơn 20 năm chờ đợi. Theo người dân, từ năm 2004, UBND TP Hà Nội có quyết định thu hồi khu đất nơi họ sinh sống để thực hiện dự án “Thành phố Giao lưu”. Tuy nhiên, đến nay họ vẫn chưa được bồi thường. Cơ quan chức năng cho rằng các hộ dân sử dụng đất và xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp. Tháng 4/2025, UBND quận Cầu Giấy đã ra quyết định điều chỉnh nguồn gốc đất, quy về đất công, qua đó loại trừ trách nhiệm đền bù. Đồng thời, yêu cầu cưỡng chế trước ngày 30/6/2025. Quyết định này khiến nhiều gia đình lo ngại sẽ mất nơi cư trú, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều thế hệ. Người dân kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét lại chính sách đền bù, bảo đảm quyền lợi chính đáng và ổn định an cư cho người dân trong vùng dự án.

9. Bà Nguyễn Sơn Hải (ở phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, nay là phường Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) thông tin: Bà là người thành lập Công ty CP Cửa cuốn Úc Smartdoor. Ngày 27/2/2025, bà Hải có đến Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội) để yêu cầu trích lục toàn bộ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của công ty bà. Tại đây, bà Hải được cung cấp chuỗi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ lần thứ 1 đến lần thứ 7. Sau khi rà soát, bà Hải phát hiện hồ sơ có nhiều dấu hiệu bất thường, có thể cấu thành hành vi giả mạo hồ sơ và vi phạm pháp luật hình sự, như: cùng một mã số doanh nghiệp nhưng tồn tại hai hệ thống đăng ký khác nhau; hệ thống không có lịch sử dữ liệu từ lần đầu... Bà Hải đề nghị cơ quan chức năng điều tra, xác minh góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân và tăng cường tính minh bạch, liêm chính trong hoạt động quản lý Nhà nước. 

10. Ông Hà Văn Xuân (trú tại thị trấn Kim Nhan, huyện Anh Sơn, nay là xã Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) có đơn kháng nghị gửi TAND và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Anh Sơn, phản ánh về việc ông bị cưỡng chế tài sản mà không được thông báo hay triệu tập hợp lệ.

Theo ông Xuân, ông và vợ cũ đã ly hôn từ năm 2022 nhưng chưa phân chia tài sản chung. Tuy nhiên, đến ngày 7/3/2023, vợ cũ của ông đã nộp đơn khởi kiện yêu cầu phân chia tài sản. Sau đó, ông bất ngờ khi thấy TAND huyện Anh Sơn cho người đến cưỡng chế, mang tài sản của ông đi mà ông không hề được biết có phiên tòa nào diễn ra. Đồng thời, Chi cục Thi hành án cũng ban hành quyết định cưỡng chế tài sản.

Ông Xuân cho rằng, quy trình giải quyết vụ việc thiếu minh bạch, vi phạm quyền lợi chính đáng của ông, gây tổn hại đến sức khỏe, danh dự và nhân phẩm. Ông đề nghị các cơ quan chức năng xem xét lại toàn bộ sự việc để đảm bảo công bằng và đúng quy định pháp luật.

11. Bà Lê Thị Kim, ông Nguyễn Phước Vũ và ông Nguyễn Phước Cường (trú tại thôn 7, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh, nay là xã La Phí, tỉnh Gia Lai) có đơn phản ánh liên quan đến một loạt bản án dân sự và hình sự mà họ là đương sự và bị cáo. Các ông, bà cho rằng hồ sơ có dấu hiệu sai lệch, vi phạm tố tụng và "chạy án" tại TAND tỉnh Gia Lai.

Theo đơn, ông Vũ và bà Kim được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích 2.328m². Năm 2019, nhà nước thu hồi 1.823,1m². Đến tháng 7/2020, do cần vốn đáo hạn ngân hàng, họ vay 550 triệu đồng từ ông Tăng Văn Tĩnh, có thế chấp đất. Vì thủ tục thực hiện tại TP Pleiku,   ông bà ủy quyền cho con trai là anh Nguyễn Phước Cường ký hợp đồng. Sau đó, anh Cường ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất cho ông Tĩnh. Ông Tĩnh sau đó lại bán đất tiếp cho vợ chồng ông Huỳnh Văn Quốc và bà Hoàng Thị Thu.

Gia đình ông Vũ khởi kiện, yêu cầu tuyên việc ông Tĩnh bán đất cho ông Quốc và bà Thu chuyển nhượng ngày 22/7/2020 là vô hiệu. Tuy nhiên, TAND tỉnh Gia Lai ở cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều bác yêu cầu khởi kiện và kháng cáo của gia đình. Bà Kim và ông Vũ cho rằng quá trình xét xử có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ, bỏ lọt hành vi phạm pháp, và bao che tội phạm có tổ chức. Các ông, bà đề nghị các cơ quan Trung ương vào cuộc thanh tra, làm rõ vụ việc nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp và sự công minh của pháp luật.

Ban Bạn đọc