"Hàng triệu người dân sống trong thấp nằm vùng ven biển và viễn cảnh của hàng trăm triệu người tị nạn môi trường"

Cuối tháng 9/2013, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Trương Tấn Sang đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Vương quốc Đan Mạch, đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ ngoại giao giữa 2 nước. Trong dịp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Đan Mạch, Helle Thorning - Schmidt đã chứng kiến lễ ký Tuyên bố chung về đối tác toàn diện Việt Nam - Đan Mạch.

Theo tuyên bố chung, hai bên nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác toàn diện, tạo khuôn khổ chung cho việc mở rộng và củng cố quan hệ hợp tác song phương trên các lĩnh vực cùng quan tâm.

Một trong những nội dung được hai bên cam kết trong Tuyên bố chung là sự hợp tác trong lĩnh vực Khí hậu, Năng lượng, Môi trường và Tăng trưởng Xanh. Trước đó, Việt Nam - Đan Mạch đã ký Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng và tăng trưởng xanh tháng 11/2011 và thỏa thuận hợp tác ba bên về tăng trưởng xanh giữa Việt Nam, Hàn Quốc và Đan Mạch năm 2012.

Hai bên sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập Quan hệ Đối tác công-tư về tăng trưởng xanh, trong đó có sự tham gia của các công ty, cơ quan Đan Mạch và Việt Nam, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như sử dụng năng lượng hiệu quả, năng lượng tái tạo, công nghệ xanh và xử lý chất thải và nước. Diễn đàn Tăng trưởng xanh toàn cầu (3GF), được tổ chức hàng năm, có vai trò thúc đẩy tăng trưởng xanh trên toàn thế giới thông qua mô hình Đối tác công-tư.

Sự hợp tác này không chỉ có ý nghĩa giữa hai nước, mà ngày càng trở nên bức thiết khi vấn đề biến đổi khí hậu và nhu cầu năng lượng ngày càng tăng là những thách thức lớn mang tính toàn cầu, đặc biệt ở những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.

Tuần Việt Nam có cái nhìn sâu hơn về vấn đề này.

{keywords}

Diễn đàn Tăng trưởng xanh toàn cầu (3GF), được tổ chức hàng năm, có vai trò thúc đẩy tăng trưởng xanh trên toàn thế giới thông qua mô hình Đối tác công-tư. Nguồn: 3GF

Nghịch lý và hệ quả

Giữa năm 2011, một chuyên gia về than của Việt Nam đã đưa ra một nhận định khá căng thẳng 'Nghịch lý nhập khẩu than' của Việt Nam vào thời điểm tàu than nhập khẩu đầu tiên cập cảng.

Cũng thời điểm này, vấn đề khai thác beauxit tại Tây Nguyên cũng được các chuyên gia và dư luận theo dõi chặt chẽ. Các vấn đề về hiệu quả kinh tế, môi trường, an sinh xã hội về dự án quy mô này được phân tích kỹ lưỡng.

Những thông tin về lũ lụt, thiên tai, thảm hoạ.. có nguồn gốc từ việc phá rừng, khai thác tài nguyên bừa bãi như lũ quét, sập hầm mỏ... đưa ra những thông tin đáng quan ngại.

Gần đây nhất, một trận lũ đã càn quét Miền Trung, Việt Nam khiến nhiều người chết, tài sản bị huỷ hoại; nguyên nhân từ một nhà máy thuỷ điện bất ngờ xả nước hồ chứa khiến vùng hạ lưu chịu thiệt hại.

Đó là một vài câu chuyện rất cụ thể, nhãn tiền về việc sử dụng - khai thác tài nguyên và biến đổi khí hậu ở một quốc gia đang phát triển như Việt Nam phải đối mặt. Ngoài những điều kiện tự nhiên như vùng khí hậu nhiệt đới, bờ biển dài...Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đang phải đối diện với nguy cơ môi trường tự nhiên và nguồn năng lượng bị ảnh hưởng; đặc biệt tại những khu vực kinh tế tiêu thụ năng lượng lớn như giao thông, xây dựng, sản xuất.. bắt nguồn từ việc phát triển kinh tế không bền vững.

"Biến đổi khí hậu đôi khi hiểu lầm là thay đổi thời tiết. Trong thực tế đó là hệ quả của cách sống của chúng ta. Biến đổi lượng mưa có thể làm tăng sự biến động của năng suất cây trồng toàn cầu khiến nhiều quốc gia gặp hạn hán và lũ lụt, có thể quét sạch toàn bộ vụ thu hoạch trong chớp mắt. Đó là chưa nói đến những tác động tàn phá nhiều hơn khi nước biển dâng cao. Hàng triệu người dân sống trong thấp nằm vùng ven biển và viễn cảnh của hàng trăm triệu người tị nạn môi trường", Paul Polman, Giám đốc điều hành của công ty đa quốc gia Unilever, cảnh báo tại Diễn đàn Tăng trưởng Xanh Toàn cầu (The Global Green Growth Forum - 3GF) diễn ra vào cuối tháng 10/2013 tại Copenhagen, Đan Mạch.

{keywords}

Từ chỗ được coi là giàu tài nguyên, là một trong những nước có công nghiệp khai thác và xuất khẩu khoáng sản, trong đó có than, lớn trong khu vực; Việt Nam đã phải nhập khẩu chính loại than vừa xuất khẩu đến cạn kiệt. Ảnh: Vũ Trung

Cùng với sự phát triển về công nghệ, công nghiệp; là sự gia tăng nhu cầu về nguồn năng lượng. Lịch sử thế giới đã chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế vì dầu lửa khi nguồn cung cấp dầu từ Trung Đông hoặc biến động giá, hoặc bị tác động bởi quan hệ chính trị giữa các nước, khu vực.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng lên tiếng cảnh báo về các cuộc chiến (có thể) xảy ra vì nguồn nước. Trên thực tế, đã có nhiều căng thẳng trong việc sử dụng tài nguyên nước, đặc biệt ở những nguồn nước liên quan đến nhiều quốc gia như cộng đồng sông Mekong, sông Ấn, sông Nile, sông Amazon...

Việc tìm ra nguồn năng lượng mới, không phụ thuộc vào nguồn cung không chỉ là đòi hỏi để bảo vệ môi trường sống, mà còn là vấn đề an ninh năng lượng.

Những nền kinh tế đang phát triển được cho là khu vực 'nhạy cảm' vừa là tác nhân tạo ra lượng khí thải lớn vào môi trường, cũng đồng thời chịu đựng tác hại một cách trực tiếp và nặng nề. Trong quá trình cạnh tranh toàn cầu, một trong những yếu tố nhằm thu hút đầu tư của khu vực kinh tế đang phát triển là giá thành, thì đồng thời nhiều điều kiện khác như môi trường, điều kiện làm việc..., đã không được chú trọng đầy đủ; dẫn tới những hệ quả về môi trường, khí hậu, tài nguyên mà những khu vực này đang đối mặt và đe dọa những thế hệ kế tiếp.

Diễn đàn 3GF 2013 được nước chủ nhà Đan Mạch cùng các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Kenya, Mexico và Qatar tổ chức đã thu hút gần 500 chính khách, nhà khoa học, doanh nhân và nhà hoạt động xã hội thế giới tới chia sẻ quan điểm và giải pháp. Các diễn giả chỉ ra rằng biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên ảnh hưởng không cân xứng. Các nước nghèo, nước đang phát triển phải đối mặt với những hậu quả trầm trọng trong khi nguồn lực còn thiếu để giải quyết những tác động của những cơ hội cao cấp.

Một trong những đối tác chính của 3GF là Trung Quốc, được coi là một điển hình của việc phát triển kinh tế và tác động vào môi trường. Là quốc gia có dân số lớn nhất thế giới, với lượng hàng hoá tiêu dùng chiếm áp đảo thị phần toàn cầu. Kinh tế Trung Quốc đang trên đà bùng nổ. Nhưng bên cạnh đó, quốc gia này đang đứng trước bài toán hóc búa về ô nhiễm nguồn nước, thực phẩm, ô nhiễm khí thải, hiệu ứng nhà kính và môi trường huỷ hoại từ lượng rác, khí thải công nghiệp và nước xả từ các nhà máy công nghiệp.

Trong 3 thập kỷ gần đây, GDP của Trung Quốc tăng trung bình 10% hàng năm, với mức tăng trưởng nhanh chóng, đe doạ vị trí nền kinh tế lớn thứ 2 của Nhật Bản; nhưng Trung Quốc đồng thời thất bại trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường và không khí. Nguồn nước lộ thiên (sông, hồ) và hệ thống nước ngầm, đặc biệt ở các khu vực thành phố bị ô nhiễm nặng.

Trong nhiều năm, Tổ chức Y tế Thế giới  WHO liệt kê nhiều thành phố của Trung Quốc vào danh sách "những địa điểm ô nhiễm nhất" trên thế giới. Trung Quốc cũng 'vượt' Mỹ trở thành quốc gia phát thải carbon dioxide (CO2) cao nhất thế giới.

Các lãnh đạo Trung Quốc nhận ra rằng không thể phát triển kinh tế 'bằng mọi giá', và phải thay đổi cách sử dụng năng lượng và nguồn tài nguyên. Cựu chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường đều nhấn mạnh sự cần thiết 'tạo thành mô hình tăng trưởng kinh tế xanh và bền vững', và đây sẽ là tiêu chí cho các hướng xây dựng, phát triển của quốc gia này. Trung Quốc cũng trở thành một thành viên của Diễn đàn Tăng trưởng Xanh 3GF.

Quốc gia láng giềng của Trung Quốc, Hàn Quốc là quốc gia khá nổi bật trong lĩnh vực tăng trưởng xanh. Từ năm 2010, Hàn Quốc bắt đầu tích cực đưa những sáng kiến tăng trưởng kinh tế thân thiện với môi trường thay thế nguồn tài nguyên và nền kinh tế carbon. Đến nay, quốc gia này đã nâng Tăng trưởng xanh thành chiến lược phát triển quốc gia, được quy định tỉ mỉ và luật hoá.

Câu chuyện về cánh đồng hoa hồng bên hồ Naivasha, nằm ​​trong thung lũng Rift, Kenya cũng được coi là một ví dụ rất điển hình về tăng trưởng xanh.

Xung quanh vùng hồ Naivasha và hạ lưu thung lũng này là vùng rộng lớn trồng hoa. Nơi đây cung cấp 1/5 lượng hoa hồng cho châu Âu và mang về cho Kenya 1/10 lượng ngoại tệ.

Chính sự thành công này kéo theo thảm họa về môi trường với lượng khách du lịch và người dân tìm đến đây khai thác tài nguyên và đất đai vùng thượng nguồn khiến nguồn nước và sinh kế vùng hạ lưu bị đe dọa.

Để giải quyết tình trạng này, một chiến lược quản lý tài nguyên đã được đưa ra. Những chủ đầu tư trồng hoa ở hạ lưu góp tiền cho nông dân nông nghiệp ở thượng nguồn để làm cho họ áp dụng các biện pháp bảo tồn đất và trồng rừng. Nạn phá rừng trong lưu vực thượng nguồn gây lũ lụt khắc nghiệt trong mùa mưa và khối lượng thấp trong hạn hán. Kết quả là cả 3 đều có lợi: Các chủ vườn hoa, những người nông dân và các dòng suối cùng hồ nước.

Việt Nam, đất nước được coi là ‘Vương quốc xe máy’ với hệ thống giao thông công cộng trì trệ. Hầu hết người dân tham gia giao thông bằng phương tiện riêng, khiến gánh nặng đè xuống hệ thống giao thông, cảnh tắc đường diễn ra thường xuyên.

Bên cạnh đó, sự phân bố dân cư không đồng đều khiến những thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đang quá tải về dân số. Các khu công nghiệp, trường học, bệnh viện đối mặt với nguy cơ ô nhiễm. Đặc biệt lượng khí thải từ hàng triệu xe máy lưu thông trên đường phố mỗi ngày khiến người dân thành phố chịu đựng hàng ngày.

Điều này đòi hỏi cấp thiết một kế hoạch hành động và phát triển bền vững, thân thiện với môi trường hơn. Đây cũng là một phần kế hoạch hợp tác giữa hai quốc gia.

Hoàng Hường

Bài cùng tác giả:

Cuộc chiến 'giá thành và nhân quyền' ở Châu Á

Một mặt các 'ông lớn' mang đến công việc cho người lao động Châu Á, mặt khác lại góp phần làm những vấn đề về quyền con người ở đây trở nên tồi tệ.

Aung San Suu Kyi có thể 'thay đổi toàn diện' Myanmar?

Theo Hiến pháp hiện hành của Myanmar, Aung San Suu Kyi "không thể" trở thành Tổng thống. "Tuy nhiên mọi việc đều có thể thay đổi".

Ai đánh thức 'người đẹp đang ngủ'?

Myanmar, quốc gia Đông Nam Á đang trong giai đoạn chuyển biến mạnh mẽ, như cách nói của một nhà báo bản xứ: chúng tôi đang ở trong một thời điểm lịch sử.

Cựu nhà báo Trung Quốc: Viết lách nên được tự do!

"Tôi nghĩ rằng mọi công việc viết lách nên được tự do. Mọi cây viết và mọi công dân nên được khuyến khích tư duy và viết bất kỳ cái gì họ muốn"

Khi hôn nhân là sự trừng phạt

"Điều tôi không thể quên được là ấn tượng về cha của cô gái bị cưỡng hiếp, ông ta xuất hiện như một người hùng trên truyền thông. Nhưng sự thực, chính ông ta cũng là một thủ phạm hiếp dâm..."