Điểm đen đường ngang dân sinh
Chỉ trong vòng 1 tuần vừa qua, tại địa bàn tỉnh Hải Dương đã xảy ra 2 vụ tai nạn đường sắt giữa tàu hỏa va chạm với xe ôtô ngay tại các điểm giao cắt đường ngang dân sinh bất hợp pháp tại QL 5.
Cụ thể, ngày 10/7 vừa qua, vụ tàu hỏa đâm xe container khi qua đường ngang dân sinh khiến đoàn tàu bị lật tại Thanh Hà (Hải Dương). Mất hơn 30 tiếng, đoạn tuyến đường sắt này mới có thể thông tuyến trở lại.
Một tuần sau, vụ tai nạn giữa tàu khách và xe tải mang biển số 15C-053.56 đã xuyên thủng và cắt rời xe tải khiến hành trăm hàng khách đi tàu hoảng loạn. Đoàn tàu khách buộc phải dừng lại trong 30 phút để giải quyết vụ việc.
![]() |
Công tác đảm bảo an toàn hành lang đường sắt vẫn đang bị xem nhẹ là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn đáng tiếc (Ảnh: Báo Hải Dương) |
Theo thống kê của ngành đường sắt, tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng đoạn qua
Hải Dương dài 46,3 km nhưng có tới 265 đường ngang, trong đó chỉ 12 đường có
người gác, 6 đường có cảnh báo tự động, 30 đường được phép mở và có biển báo cố
định, còn lại 217 đường ngang người dân tự mở.
Thậm chí, tại huyện Kim Thành, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng có 18 km đi qua nhưng có tới 141 đường ngang không hợp pháp (trong tổng số 147 đường ngang).
Ông Nguyễn Văn Hiển, Phó Chánh thanh tra Cục Đường sắt Việt Nam cho biết: Đa số đường ngang được kiểm tra thiếu cọc tiêu hoặc có nhưng không được sơn sửa, bổ sung theo quy định.
Một số biển báo hiệu đường tuy có nhưng đã bị nghiêng, đổ, thiếu vạch dừng, gờ
giảm tốc. Thậm chí, tại một số đường ngang còn thiếu biển báo đường bộ. Việc
chôn, cắm các biển báo hiệu phụ theo quy định của Bộ GTVT vẫn chưa được thực
hiện.
Xem nhẹ an toàn
Ông Hiển cũng thẳng thắn nhìn nhận, nhiều địa phương hiện nay vẫn còn xem nhẹ bảo đảm an toàn hành lang đường sắt.
Hiện có địa phương như Ninh Bình vẫn chưa xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể về xóa bỏ các đường dân sinh trái phép trên địa bàn cũng như chưa tổ chức được một điểm cảnh giới đường ngang.
Trong khi đó, công tác xử lý vi phạm gây mất an toàn hành lang đường sắt hiện còn nhiều bất cập.
“Cả hệ thống trải dài 3.143km, lực lượng chức năng như CSGT, thanh tra giao thông đường sắt
không thể thường xuyên túc trực xử lý vi phạm. Trước đây CSGT thường xuyên có
mặt trên tàu nhưng chính Tổng Công ty Đường sắt đã ‘đẩy’ lực lượng này xuống,
khiến công tác xử lý vi phạm càng trở nên khó khăn hơn”, ông Hiển nói.
Theo một lãnh đạo Xí nghiệp Vận tải đường sắt Hà Hải, đơn vị quản lý nhiều đoàn
tàu trên tuyến Hà Nội – Hải Phòng, những hộ dân sống gần đường sắt đã được cấp
giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng lại không có đường gom nên buộc phải mở
đường ngang. Do đó, sau mỗi đợt giải tỏa đường ngang trái phép, người dân lại
tái phạm.
Ngoài ra, vị lãnh đạo Xí nghiệp đường sắt Hà Hải cũng cho biết, nhiều cột, đường dây thuộc hệ thống thông tin, tín hiệu của tuyến đường sắt này cũng nằm trên đất của người dân nên càng khó xử lý.
Và rồi, cứ sau mỗi vụ tai nạn giao thông đường sắt, các nguyên nhân lại được đưa ra “mổ xẻ”.
Tuy nhiên, với thực trạng đường sắt của cả nước hiện nay, cộng với việc các
địa phương vẫn còn xem nhẹ công tác đảm bảo hành lang đường sắt thì nguy cơ tai
nạn giao thông đường sắt vẫn luôn tiềm ẩn…
Gia Văn