Malta. Ảnh: RT
Malta. Ảnh: RT

Tờ Pravda dẫn lời một số nhà ngoại giao châu Âu cho hay, tại cuộc họp của Ủy ban Đại diện thường trực của chính phủ các quốc gia thành viên EU ngày 13/7, các nước đã tranh luận về việc kéo dài lệnh trừng phạt. 

Trong đó, Slovakia kiên quyết giữ vững lập trường, yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) phải đảm bảo nước này sẽ không phải đối mặt với các thiệt hại kinh tế sau khi EU loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng khí đốt của Nga vào năm 2028. Slovakia tuyên bố, chỉ khi có những đảm bảo như vậy, nước này mới dừng phản đối việc thông qua gói trừng phạt Moscow. 

Về phần Malta, nước này đã lên tiếng phản đối đề xuất hạ giá trần với dầu mỏ của Nga. Là một quốc gia có đội tàu chở dầu lớn và kinh tế phụ thuộc vào vận tải dầu mỏ, Malta cùng với Hy Lạp và Cyprus đã bác bỏ ý tưởng giảm trần giá dầu. Trong một cuộc họp gần đây của các đại sứ EU, Malta là nước duy nhất kiên quyết bác bỏ phần này của gói trừng phạt. 

Ngoài đề xuất giảm giá trần, gói trừng phạt của EU cũng bao gồm lệnh cấm sử dụng đường ống Dòng chảy phương Bắc trong tương lai, hạn chế nhập khẩu các sản phẩm tinh chế từ dầu thô của Nga và trừng phạt 77 tàu bị phương Tây cáo buộc thuộc "hạm đội ngầm của Nga". 

Mặc dù EU chưa áp đặt lệnh cấm hoàn toàn đối với khí đốt của Nga nhưng phần lớn các quốc gia thành viên đã tự nguyện giảm lượng nhập khẩu kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine leo thang vào năm 2022. Tuy nhiên, một số quốc gia bị đất liền bao bọc như Slovakia, Hungary, Áo, Cộng hòa Séc vẫn tiếp tục phụ thuộc vào nguồn cung hạn chế từ xứ sở bạch dương theo các thỏa thuận miễn trừ. 

Anh, EU áp đặt thêm 100 lệnh trừng phạt mới với Nga
Các lệnh trừng phạt mới của Liên minh châu Âu (EU) và Anh sẽ nhắm vào chuỗi cung ứng vũ khí của Nga, hoạt động tuyên truyền thông tin do Moscow tài trợ, các tổ chức tài chính và "hạm đội ngầm" của nước này.