Tham gia buổi truyền thông về “Tăng cường sự tham gia của nam giới trong phòng, chống bạo lực gia đình” của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) mới đây, anh Triệu Tà Pú, xã Hồ Thầu cho hay, bình thường cả anh và vợ đều làm ruộng và chăn nuôi. Tuy bận rộn công việc, nhưng anh vẫn cố gắng dành thời gian để tham gia các buổi truyền thông, hội nghị về công tác gia đình của Hội liên hiệp phụ nữ. Đồng thời, anh cũng luôn chú trọng chăm lo, vun vén cho gia đình, giữ gìn nề nếp gia phong, thuận hòa trên dưới, tạo được tổ ấm yêu thương thực sự trong các thành viên.
Anh Pú chia sẻ: “Nhờ các buổi truyền thông của Hội phụ nữ và công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, anh nhận thức được rằng cần thay đổi tư duy, định kiến về giới, đàn ông phải biết chia sẻ việc nhà với vợ, cùng bảo ban nhau làm ăn và vun vén hạnh phúc gia đình. Đặc biệt, không được phép có bạo lực gia đình, tạo điều kiện để người vợ được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, nâng cao trình độ và đời sống tinh thần”.
Cùng tham gia buổi truyền thông như anh Triệu Tà Pú, anh Lù Seo Kính, dân tộc Nùng, xã Thàng Tín, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) cho hay, bản thân là cán bộ đoàn xã nên anh thường rất bận rộn di chuyển đến các thôn bản xa xôi để làm việc. Tuy nhiên, để gánh vác kinh tế gia đình cùng vợ, anh thường xuyên mày mò tự học những kiến thức, kỹ năng chăm sóc vật nuôi, chọn nuôi con gì, trồng cây nào cho hiệu quả. Sau đó, anh cùng bàn bạc với vợ để có sự thống nhất cao trước khi vay vốn thực hiện.
Anh cho hay, hai vợ chồng vay vốn làm mô hình kinh tế gia đình và chuyển đổi giống cây, nuôi gà, cá, lợn... nhờ vậy kinh tế gia đình hiện nay rất ổn định, các con ngoan ngoãn chăm chỉ học hành. Ngoài ra, cả gia đình luôn gương mẫu chấp hành tốt các quy định của địa phương và tích cực đóng góp vào các hoạt động phong trào tại nơi cư trú.

Việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển bền vững; là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Do đó, thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng gia đình tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc.
Tỉnh đã tổ chức tuyên truyền lưu động được trên 1.000 buổi; phát trên loa truyền thanh cơ sở được hơn 4.000 lượt; lồng ghép trong các buổi sinh hoạt đoàn thể và họp thôn, tổ dân phố 3.220 buổi, thu hút hơn 300.000 lượt người nghe.
Đặc biệt, các tổ chức chính trị - xã hội như Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, tuyên truyền trên mạng xã hội như Zalo, Facebook với các nội dung sinh động, thu hút sự quan tâm của nhiều hội viên, đoàn viên.
Song song với đó, nhiều mô hình can thiệp, phòng ngừa bạo lực gia đình được các địa phương triển khai rộng khắp. Hiện, toàn tỉnh có 872 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, 1 câu lạc bộ hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ bị ép kết hôn với người nước ngoài, 258 cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; 1 cơ sở trợ giúp xã hội công lập (Trung tâm Công tác xã hội) thực hiện hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, nạn nhân bị bạo lực giới.
Nhằm đẩy mạnh công tác gia đình trong tình hình mới, làm nền tảng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới, các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về giá trị của gia đình tới nhân dân. Xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu.
Cùng với đó, tích cực giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; thực hiện bình đẳng giới; chăm sóc, bảo vệ trẻ em; phát huy vai trò của người cao tuổi.
Đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình, tảo hôn, kết hôn cận huyết thống trong các trường học, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu với những chuyển biến thiết thực và toàn diện.